Hàng loạt dãy trọ ở Bình Dương lâm cảnh đìu hiu vì công nhân mất việc

Bảo Trân, Theo Phụ nữ Việt Nam 10:40 23/05/2023

Ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 và xung đột ở một số nước đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, khiến họ buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự, cho công nhân nghỉ luân phiên, hoãn hợp đồng và cắt giảm giờ làm...

"Lòng vòng ở đây bây giờ dãy nào cũng có phòng trống, người ta trả trọ người ta đi hết rồi, đi tứ tán", đó là lời than thở mà chị chủ dãy trọ Bùi Thị Hà (Tân Uyên, Bình Dương) nói khi được phóng viên hỏi thăm.

Như nắm bắt được tình hình khó khăn chung, bà chủ trọ này không mấy bất ngờ khi được hỏi về số lượng công nhân trả phòng ở dãy trọ nhà mình.

Hàng loạt dãy trọ ở Bình Dương lâm cảnh đìu hiu vì công nhân mất việc - Ảnh 1.
Hàng loạt dãy trọ ở Bình Dương lâm cảnh đìu hiu vì công nhân mất việc - Ảnh 2.

Nhiều công nhân trả phòng trọ về quê

Ghé đến 3 dãy trọ với khoảng 60 phòng do hộ gia đình của chị Bùi Thị Hà là chủ, phóng viên ghi nhận hiện tại dãy này đang trống hơn phân nửa số phòng. Nhiều căn khoá trái bên ngoài từ sau Tết đến nay vẫn chưa có người thuê.

"Dãy nhà tôi giờ đang trống 20 phòng, giờ nhà trọ nào cũng trống. Họ thất nghiệp, về quê hoặc đi chỗ khác. Người ta trả phòng từ Tết đến giờ, họ về rồi ở lại quê luôn".

Cũng theo chị Hà, nhiều công nhân không đủ khả năng trả tiền thuê trọ nên khất lại, có người nợ đã hơn nửa năm nay. Trong khi đó, mỗi tháng chị Hà phải chi trả cho hơn 25 triệu đồng tiền điện - nước.

"Người ta không có tiền trả tiền phòng thì người ta nợ. Mà người ta đã không có tiền thì mình cũng không làm khó người ta được. Mình lấy lại tiền điện nước, đôi khi tiền phòng mình cho được chứ điện nước mình cũng phải đóng mà.

Người trẻ còn thất nghiệp huống chi là người già. Có người ngày nào tôi cũng thấy họ chạy đi tìm việc", chị Hà nói.

Hàng loạt dãy trọ ở Bình Dương lâm cảnh đìu hiu vì công nhân mất việc - Ảnh 3.

Không chỉ dãy trọ của chị Hà, theo ghi nhận, tình trạng trống phòng trọ diễn ra phổ biến trên địa bàn phường Tân Phước Khánh, TP Tân Uyên, Bình Dương

Dãy trọ hơn 50 phòng của bà Trương Thị Thép (phường Tân Phước Khánh, cách công ty gỗ Đức Thành khoảng 200 mét) cũng vắng vẻ không kém. Theo bà Thép, tình cảnh công nhân trả phòng trọ đã lác đác diễn ra từ trước Tết đến nay.

Là công nhân công ty gỗ trên địa bàn phường Tân Phước Khánh thuê phòng tại dãy trọ của bà Thép, chị Hồ Kiều Diễm (quê Cà Mau) nói: "Tôi đang trong giai đoạn nghỉ thai sản nên chỉ ở nhà chăm con, trọ vắng tới nỗi tối đến tôi sợ luôn ấy, chồng đi làm tôi chỉ ở trong phòng. Dãy này hơn 30 phòng nhưng giờ chỉ có khoảng 5 phòng còn người ở".

Ông Trần Văn Xuân (sinh năm 1964, ngụ Bạc Liêu), người thuê dãy trọ nhà chị Hà, cho biết, sau Tết đến nay, nhiều công nhân phải trả phòng trọ về quê vì không tìm được việc làm.

Hàng loạt dãy trọ ở Bình Dương lâm cảnh đìu hiu vì công nhân mất việc - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Xuân, người đang thuê trọ nhà chị Hà

"Hồi trước, thời chưa dịch bệnh đông lắm, không có chỗ ở. Qua dịch bệnh cứ mãi khó khăn, vấn đề là việc làm không có, một số thì về quê, một số thì ở quê không có đất cát phải trụ lại xoay xở làm tiếp. Làm thì tháng được khoảng 4 - 5 triệu, như con gái út tôi vừa mới lãnh 4 triệu, không được tăng ca, mà con bệnh 4 - 5 đứa, tiền trọ chưa trả người ta.

Mấy năm chưa dịch bệnh vui lắm, có khi đường lộ ngoài kia muốn đi qua đường cũng không đi được vì công nhân đông, giờ thì đìu hiu, không có ai hết", ông Xuân kể.

Ông Xuân cùng vợ và 3 con gái thuê phòng trọ ở đây đã hơn 12 năm và tình cảnh đìu hiu nơi này là lần đầu tiên ông thấy.

"Theo tôi biết, nhiều người làm không được, đưa hồ sơ người ta không nhận, thành ra người ta phải đi đây đi kia kiếm kế sinh nhai, chứ ở lại không có việc làm thì tiền đâu mà trả tiền trọ. Nhiều người lớn tuổi muốn giữ trẻ mà không có trẻ để giữ. Đa số người ta đi bán vé số, số người bán bây giờ còn nhiều hơn cả người mua.

Hàng loạt dãy trọ ở Bình Dương lâm cảnh đìu hiu vì công nhân mất việc - Ảnh 5.

Nhiều dãy trọ đìu hiu do không có công nhân thuê phòng

Ngày trước tôi làm, gồng gánh nuôi các con được. Cả nhà tôi thuê 5 phòng, 3 cô con gái, các cháu và vợ chồng tôi. Ở quê không có đất nên phải kéo các con lên đây làm, tính đến nay là 12 năm, Tết tôi cũng không thể về vì không có tiền về", ông Xuân nói.

Theo tìm hiểu, trong 2 quý đầu năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Tình hình hậu Covid-19 cộng thêm xung đột ở một số nước đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự, cho công nhân nghỉ luân phiên, hoãn hợp đồng và cắt giảm giờ làm.

Trước tình hình này, nhiều công nhân chọn cách về quê kiếm kế sinh nhai, buộc họ phải trả phòng trọ vì không gánh nổi chi phí ăn ở, thuê phòng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày