Ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đáng chú ý là Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020; chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.
Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 01 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngày 03/3/2020, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản số 897 về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung quan trọng sau đây:
Một là, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Quản lý thuế về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do dịch Covid-19 đến người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời lập hồ sơ, văn bản gửi cơ quan thuế xử lý.
Hai là, chủ động triển khai hệ thống hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lập hồ sơ, thủ tục và kịp thời xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp theo thẩm quyền cho người nộp thuế đúng quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ba là, đối với những trường hợp vượt thẩm quyền xử lý của Cục Thuế, Cục Thuế lập văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ báo cáo về Tổng cục Thuế để xem xét xử lý hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.
Ngày 09/3/2020, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội có văn bản số 797 về việc hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo đó, trong thời gian xảy ra dịch cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định công bố hết dịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý, hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 nếu đủ điều kiện thì thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan Tài chính địa phương hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ và xác định các doanh nghiệp đủ điều kiện trong thời gian sớm nhất để chuyển cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét, giải quyết.
Đồng thời tại văn bản số 860 ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; đồng thời, hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ngày 18/3/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành văn bản số 245 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. Nếu sau thời điểm này dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.
Đồng thời, giao Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn.