Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu" được tổ chức tại Đà Nẵng, với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp hàng không, du lịch trên cả nước.
Tại đây, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mong các học giả, chuyên gia đóng góp ý kiến tháo gỡ các "điểm nghẽn", thúc đẩy phát triển du lịch.
"Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, các Bộ, ngành liên quan để đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, các địa phương nhằm tận dụng tốt hơn nữa cơ hội, đón đầu xu hướng du lịch trên thế giới, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và làm mới sản phẩm thu hút du khách, sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch...", bà Thủy khẳng định.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL bà Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.
Theo các đại biểu, để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách, tổng thu khoảng 650.000 tỉ đồng trong năm 2023 thì vai trò của hàng không là rất lớn.
Sau khi mở cửa từ ngày 15/3/2022, thị trường du lịch Việt Nam đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa, toàn ngành ước đón 101,3 triệu lượt khách năm 2022. Tuy nhiên, khách nước ngoài còn hạn chế. Cả nước ước đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến, đạt trên 70% so với kế hoạch.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, lý do khiến khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng do chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm từ tháng 10 đến tháng 3); chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau,... Ngoài ra, sau Covid-19, Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến, về sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút khách nước ngoài.
"Du lịch Việt Nam đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch,...", ông Khánh chia sẻ.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, theo ước tính của doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Vì vậy, hàng không và du lịch cần hợp tác chặt chẽ để đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch, giá cả phù hợp với đối tượng khách hàng.
Đó là những combo du lịch chất lượng phù hợp với xu hướng hiện tại, khi khách du lịch có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng giá cả hợp túi tiền.
Ông Khánh đề nghị ngành hàng không và du lịch tiếp tục "bắt tay" đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Trong đó, gồm du lịch biển đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (du lịch MICE).
Ngoài ra, cũng cần quan tâm, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.