Hana's Lexis - "thánh gắt" giới Youtube đăng tâm thư 2000 chữ "đập" phát ngôn của Giang Ơi vì nói tiếng Anh chỉ là công cụ?

Diệu Mer, Theo Trí Thức Trẻ 17:49 29/02/2020
Chia sẻ

Câu chuyện bắt đầu kể từ khi xuất hiện đoạn clip review tiếng Anh của các Youtuber Việt.

Dạo vừa qua, trên mạng xuất hiện những đoạn clip nhận xét khả năng sử dụng tiếng Anh của các Youtuber Việt. Những cái tên nổi cộm như MC Khánh Vy, Giang Ơi, Hana's Lexis cũng có mặt trong danh sách này. 

Hanas Lexis - thánh gắt giới Youtube đăng tâm thư 2000 chữ đập phát ngôn của Giang Ơi vì nói tiếng Anh chỉ là công cụ? - Ảnh 1.

Youtuber người Mỹ - Cờ Rít ở Châu Á nhận xét tiếng Anh của hàng loạt Youtuber người Việt.

Theo dòng sự kiện, nữ vlogger tiếng Anh gây tranh cãi nhất hiện nay - Hana's Lexis cũng cho ra lò clip reaction tương tự. Dù không làm theo, song vlog Q&A (giải đáp thắc mắc của fan) mới của Giang Ơi gần như đã "đập" gián tiếp vào chuyện Hana's Lexis thích react qua lại người này người nọ, đồng thời làm thái quá vấn đề accent (cách phát âm - PV).

Hanas Lexis - thánh gắt giới Youtube đăng tâm thư 2000 chữ đập phát ngôn của Giang Ơi vì nói tiếng Anh chỉ là công cụ? - Ảnh 2.

Hana's Lexis (bên trái) và Giang Ơi (bên phải).

Ở đây, Giang Ơi cho rằng: "Đừng bao giờ đẩy nó tới cái ngưỡng bạn đi phê phán accent của người khác. Nói thế này là không hay, nói như thế này là chưa chuẩn. Không có gì là chuẩn hết. Cái quan trọng không phải bạn phát âm một cái từ như thế nào mà là các bạn giao tiếp được với ai, kết nối được với ai. Và sự giao tiếp đó, ngôn ngữ đó các bạn sử dụng như một công cụ đưa các bạn tới đâu trong cuộc đời này."

Phần trả lời của Giang Ơi được cho là "đá nhẹ" sang Hana's Lexis    

Mới nhất, Hana's Lexis đăng đàn tâm thư "sương sương" 2000 chữ đáp trả lại. Với tựa đề "Ai có tư cách buông nhẹ bẫng "Tiếng Anh chỉ là công cụ"?", cô bạn thực sự khiến nhiều người liên tưởng đến Giang Ơi. Thậm chí ở phần chia sẻ, có dân mạng còn tag hẳn nhân vật còn lại vào để chất vấn.

Hanas Lexis - thánh gắt giới Youtube đăng tâm thư 2000 chữ đập phát ngôn của Giang Ơi vì nói tiếng Anh chỉ là công cụ? - Ảnh 4.

Status mới trên fanpage Hana's Lexis.

Hiện tại, drama này vẫn thu hút sự quan tâm của dân tình. Có người đứng về quan điểm của Giang Ơi thì cũng có kha khá fan gật gù trước màn phản biện của Hana's Lexis.

Nói sơ qua về Hana's Lexis, cô bạn sở hữu channel Youtube nhằm tiếp cận tiếng Anh cho người có trình độ từ khá lên giỏi. Nhưng cái khiến Hana nổi hơn cả là cá tính "không sợ trời sợ đất". Bên cạnh những người thích cá tính của Hana's Lexis thì cũng có không ít antifan cho rằng cô gái này kiêu ngạo, ăn nói không biết lựa lời hay ý đẹp, tự coi mình là trung tâm vũ trụ... nói chung nó chạm thẳng tới tự ái của Hana's Lexis.

Màn "cà khịa" cực gắt đến từ phía chủ nhà Hana's Lexis tóm tắt như sau:

AI CÓ TƯ CÁCH BUÔNG CÂU NHẸ BẪNG "TIẾNG ANH CHỈ LÀ CÔNG CỤ"?

Câu trả lời thẳng ngay đầu bài đó là, những ai đã từng có cố gắng sửa phát âm tới hết giới hạn của bản thân:

1. Và sau đó đạt trình độ tương đương C2 (Advanced), chỉnh được phát âm hay, ít accent, dùng từ vựng câu cú chuẩn, hoặc

2. Vẫn còn những âm chưa quá chuẩn do nhiều yếu tố (lưỡi ngắn, âm quá lạ với ngôn ngữ mẹ đẻ, v.v)

Thì mới có tư cách buông câu nhẹ bẫng "Tiếng Anh chỉ là công cụ" sau khi đã cố gắng hết sức (với điều kiện tánh không kỳ). Số còn lại chỉ nên phát biểu 1 cách PC rằng "Mình cũng RẤT MUỐN có tiếng Anh chuẩn nhưng thời gian công sức đầu tư thêm sẽ không bõ lợi ích thu lại, do nhu cầu chưa cần tới mức đó, vậy nên mình chấp nhận dừng ở trình độ hiện tại." Câu này vốn dĩ đồng nghĩa với câu "Tiếng Anh chỉ là công cụ" nên nếu thái độ tốt thì nói câu ngắn cũng được. Nhưng nếu không chắc thái độ có đủ thân thiện không thì nên nói câu dài, vì cái khác rất mấu chốt là, người nói không phủ nhận công sức cần bỏ ra để có tiếng Anh chuẩn và không dè bỉu ai quyết định dấn thân vào con đường này. Các bạn cũng có dùng logic như một người trưởng thành để cân nhắc thiệt hơn về "lợi ích cận biên giảm dần" (diminishing returns) về việc có nên học thêm tiếng Anh, và rồi quyết định đầu tư tâm sức theo đuổi một chuyên môn khác.

Từ kết luận trên, mình dám cá hầu hết mấy mẹ thiên hạ, lên youtube comment "Tiếng Anh chỉ là công cụ" thuộc 1 trong 2 thể loại sau:

THỂ LOẠI 1 - Học tiếng Anh kiểu xôi thịt: nghĩa là chỉ học để đi thi bằng cấp (điều không hề xấu) nhưng lại đánh đồng việc luyện thi nhồi nhét với chuyện học ngôn ngữ.

Nếu bạn thật sự muốn học tiếng Anh vì học tiếng Anh, nghĩa là việc gầy dựng vốn ngoại ngữ mới là mục tiêu hàng đầu, bạn sẽ bị cuốn hút bởi chính ngôn ngữ đang học và không ngừng tò mò để bản thân tiến bộ hơn. Tại sao người ta nói âm này khác mình nói? Mình rất muốn biết mẹo nào để đánh lưỡi, chu mỏ, thả hơi để ra được cái âm chuẩn êm tai như vậy? Mình cần phải tìm hiểu qua những tài nguyên sẵn có như youtube, sách phát âm, hoặc mua khóa học với người bản xứ để có thể thêm cơ hội khám phá ra mấu chốt của điều khúc mắc? Nếu một ngày mình bừng tỉnh chân lý và phát âm được 90% gần như bản xứ về âm đó thì mình sẽ vui cả ngày, v.v. Đây là tâm lý của một người học ngọại ngữ chỉ vì ngoại ngữ.

Những thể loại học xôi thịt sẽ không có được mạch suy nghĩ như trên, sẽ chỉ bị tác động bởi những lợi ích ngắn hạn rồi tìm đường đi tắt đón đầu để đạt mục tiêu. Điều này không có nghĩa là xấu, ai cũng nên tạo động lực bằng mục tiêu ngắn hạn để dễ định hướng. Nhưng vì bản thân mình chỉ có tầm nhìn và nhu cầu bé, lại đi phê phán người có mộng to rằng là, mấy người đang phí thời gian, "tiếng Anh chỉ là công cụ" thôi, học phát âm chuẩn làm gì, nói fancy làm gì, v.v. Làm vậy không khác gì thể loại lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử. Không làm được thì để người khác làm, mắc mẹ gì mà lên khoe cái sự ngu ra rằng bản thân mình không học tới nổi nên muốn người khác cũng phải đồng tình với mình để cả nước nói dở cùng nhau?

Cái thể loại này vốn đã không có tư duy đúng khi tiếp cận ngoại ngữ, lại bao biện khả năng tiếp thu ngoại ngữ kém bằng cách chê bai, miệt thị, muốn làm nhụt chí người khác để không ai giỏi hơn mình, bằng những câu trịch thượng mẹ thiên hạ như "tiếng Anh chỉ là công cụ". Nếu tiếng Anh chỉ là công cụ, vậy sao mấy đứa vẫn không xài được cho ra hồn? Sao ra gặp người nước ngoài để thực hiện nhu cầu công việc, học tập, giao tiếp vẫn nói ậm ờ thua trẻ Mỹ lên 3, rồi dùng "công cụ" tiếng Anh không khác gì cầm dao nhựa cứa cổ gà. Chính con gà mà vô phải hoàn cảnh đó cũng phải thành tinh cấp tốc để nói ngoại ngữ (tiếng người): "mày làm cái gì vậy!"

Điều này sẽ còn tệ hơn bội phần khi các thanh niên ấy cũng không có chuyên môn gì giỏi giang để tự hào nốt. Nếu chỉ là một thanh niên còn ăn bám bố mẹ, ngồi trên ghế nhà trường, chưa thành chuyên gia có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực gì có ích cho xã hội, hoặc chỉ là một nhân viên quèn ngày ngày đi làm chờ đến giờ về, không bỏ công bỏ sức vào cả chuyên môn lẫn "công cụ", thì tốt nhất là nên im miệng vì không có tư cách phát xét người đang nỗ lực trau dồi tiếng Anh trên nhiều phương diện như phát âm chuẩn hơn, ít accent hơn, dùng từ đúng sắc thái hơn hoặc fancy hơn theo ngữ cảnh sang chảnh, v.v.

THỂ LOẠI 2 - Có tiếng Anh tốt nhưng tánh kỳ. Đây là thể loại vốn dĩ có thể buông nhẹ câu "Tiếng Anh chỉ là công cụ" vì các bạn ấy đã trải qua học hành thâu lượm tiếng Anh đến trình độ cao, và nhiều khi là xây dựng được cả chuyên môn sâu trong lĩnh vực đang theo đuổi. Tuy nhiên chỉ vì một lý do mà mình cho rằng các thanh niên này cũng không xứng đáng được nói câu "Tiếng Anh chỉ là công cụ", đó là vì, TÁNH KỲ!

Các thanh niên này có quyền nói "Tiếng Anh chỉ là công cụ" nhưng chỉ với những người có giỏi tiếng Anh khác, hoặc những người giỏi chuyên môn mà đang cân nhắc có nên học thêm tiếng Anh không. Cái tánh kỳ ở đây là không chịu phân biệt người đối diện, người tiếp nhận thông tin (ví dụ, người đọc comment youtube, v.v) rồi cứ đi ra rả, bô lô ba la là tiếng Anh không quan trọng đến thế, chỉ là "công cụ" thôi, làm nhụt chí người học, hoặc khiến họ khó xây dựng được tư duy học ngôn ngữ thuần khiết hơn là đi luyện thi. Những bạn đang học chưa có cơ hội cố gắng hết sức, mà đã bị tiêm vào đầu tư tưởng bỏ cuộc, rồi lại quay qua hỏi vì sao học không giỏi? Mình không ưa cái thể loại thanh niên này chính vì lý do đó! Đã không giúp người khác học mà còn lôi kéo cho cả đám dở cùng nhau, để mình vẫn là người giỏi hơn cả!

Tóm lại, bạn chỉ có quyền "dừng lại" khi bạn đã cố gắng hết sức, còn trước đó mà bạn tự nghỉ thì bạn phải chịu mang mác "kẻ bỏ cuộc". Nếu bạn chưa hơn được trung bình thì có nghĩa bạn vẫn chưa thử xong được những cách người khác đã thử. Bạn có thể bỏ cuộc để làm cái khác bạn thấy quan trọng hơn, nhưng bạn không có quyền dè bỉu những người vẫn đang cố gắng. Cũng như hồi đi học, bạn chỉ có thể đạt kết quả cao, nếu bạn là mọt sách, thực sự đam mê việc học, hoặc bạn đặt cho mình mục tiêu cao để phấn đấu, như câu nói "Aim for the moon. If you miss, you’ll land among the stars". Chưa học ra đâu lại đi nghe người này người kia khuyên bỏ, hạ tiêu chuẩn, thì mãi đừng mong giỏi. Không phải vì bạn dở, mà là vì bạn không xứng đáng.

Mình hoàn toàn hiểu việc các bạn giỏi tiếng Anh hay đi khuyên người khác không cần đặt nặng việc học tiếng Anh quá, vốn là để các bạn đang học đỡ áp lực hơn vì thực tế thì người nước ngoài không quá quan trọng accent, vốn từ fancy, v.v. Nhưng các thanh niên ấy quên là, làm vậy nghĩa là bản thân các bạn đang cướp mất cơ hội cố gắng để giỏi tiếng Anh, tâm lý phấn đấu trong các bạn nhỏ, cái mà các thanh niên ấy từng có trước kia, trước khi mạng xã hội bùng nổ lời khuyên bàn lùi. Còn về việc accent và từ vựng hay có quan trọng thế nào, các thanh niên ấy chỉ nhắc tới những người nước ngoài thân thiện (ví dụ, gặp trong trường lớp, hàng xóm, đi du lịch v.v) những người không có quá nhiều lý do để ghét bạn, vì bạn không ăn mất phần gì của người ta nên người ta mở lòng được. Một khi các bạn vào những trường hợp phải tranh giành công việc, lợi ích với người bản xứ hoặc với những người nước ngoài giỏi tiếng Anh khác từ châu Âu (như các bạn du học sinh đi tìm việc sau tốt nghiệp, như người mới nhập cư cùng gia đình cần tìm việc với bằng cấp từ VN, v.v), thì bạn mới cảm ơn công sức ngày xưa ráng sửa phát âm để bạn không bị đánh trượt vì lý do "weak communication skills".

Những nhà tuyển dụng đang phán xét bạn, xem bạn có khả năng cãi lộn gánh team khi cần không, xem bạn có thể thuyết trình promote team trong công ty không, họ sẽ không có cả đời để tìm hiểu và yêu bạn vì bạn chính là bạn được. Người ta nói, chỉ cần 10 giây để tạo ấn tượng đầu tiên. Dù bạn ở nước ngoài, hay bạn làm ở VN với người nước ngoài, nếu ấn tượng đầu tốt đẹp nhờ giọng nói dễ nghe dễ hiểu, từ vựng hay, chuyên nghiệp, thì bạn đã đặt mình ở vị thế lợi hơn hẳn so với các bạn đồng cấp. Tất nhiên đây chỉ giúp những ấn tượng đầu nông cạn, một khi đã có thời gian tìm hiểu, thì accent, tiếng Anh hay không quan trọng bằng chuyên môn, đối nhân xử thế, giao tiếp chân thành với mọi người. Nhưng điều đó cần thời gian! Trừ khi bạn giỏi chuyên môn, được người khác giới thiệu và nói tốt cho rồi, còn nếu bạn muốn tự lực cánh sinh, gây ấn tượng đẹp ban đầu, bạn cần chấp nhận thực tế phũ phàng rằng, tiếng Anh chuẩn là điều tiên quyết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày