Một số người Châu Á sống hoặc đi du lịch ở Châu Âu cũng bị kỳ thị vì “trông giống Trung Quốc”. Ở Mỹ, đã có trẻ gốc Trung Quốc bị bạn bè châm chọc và khuyên “nên đi kiểm tra virus corona” mặc dù chẳng hề đi tới vùng dịch. Làn sóng bài xích và phân biệt đối xử liên quan tới cộng đồng người Trung Quốc đang lan nhanh như cơn đại dịch.
Coughing while Asian
Mặc dù đây là những chuyện không hay ho gì, chúng ta đang lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ, như khi xử trí bệnh dịch liên quan tới SARS, Ebola, Zika, MERS, và nhiều đại dịch khác.
Thay vì thương yêu, đoàn kết và hợp tác để cùng chống dịch, người ta dễ lâm vào xu hướng bài xích, phân cực và chia rẽ. Một hậu quả khó lường khác của việc bài xích là gián tiếp gây tâm lý hoảng sợ, làm người ta do dự hoặc không đi khám bệnh khi có triệu chứng và làm bệnh dịch lan rộng hơn
Hình 1. Hình minh họa sự đối lập của 2 nhóm truyền thông.
Trên facebook và các mạng xã hội khác tại Việt Nam hiện có nhiều nhóm quan tâm tới việc phòng chống dịch nhưng cũng đang có sự phân cực, với 2 luồng ý kiến chủ đạo đối lập, dựa trên suy nghĩ và hành xử khác hẳn nhau.
Trong khi có những nhóm lo lắng, nhạy cảm hơn với những tin báo về dịch bệnh, kêu gọi sự kiên quyết, kỷ luật với chế tài xử phạt nghiêm khắc để kiểm soát tình hình sớm thì cũng có những nhóm khác cho rằng việc cảnh báo thái quá có thể tạo nên tâm lý hoảng loạn, lo lắng quá mức trong cộng đồng.
Nhóm này nói nhóm kia đừng nên trấn an làm mọi người lơ là với bệnh dịch, trong khi nhóm kia lại phản biện là chưa có đủ cơ sở để khuyến cáo và không nên làm mọi người hoang mang. Đáng lo hơn là trong hai nhóm này đôi khi có thành viên phản ứng quá mạnh mẽ và không chấp nhận lập luận của nhóm còn lại, dẫn đến chỉ trích, bài xích và chia rẽ ngay trong cộng đồng.
Thật ra, cộng đồng là một tập hợp đa dạng nhiều thành phần và mỗi người sẽ phản ứng và xử lý thông tin theo cách khác nhau.
Cần hiểu rằng đối với mỗi cách truyền đạt đều có nhóm người phù hợp và không phù hợp. Nếu chúng ta bình tĩnh nắm bắt được cách xử lý thông tin của đối phương thì sẽ thấu hiểu hơn để cùng hành động.
Một thử thách nữa của cộng đồng lần này là phải đối mặt với NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT. Trước chủng virus nCoV mới này, rất nhiều câu hỏi về mặt khoa học cần được trả lời thỏa đáng. Ví dụ: Virus lây qua đường nào? Bao nhiêu lâu thì phát bệnh? Bệnh nặng thường do nguyên nhân nào?
Tuy nhiên, trong khi những điều này cần được khảo sát và câu trả lời đang dần rõ ràng hơn, cộng đồng lại liên tục bị khuấy đảo bởi những câu hỏi... tạo mới dưới dạng thuyết âm mưu và lan tỏa mạnh mẽ dưới dạng tin giả/tin bẩn như:
- Virus là một dạng vũ khí sinh học mới!?
- Ở Vũ Hán xác chết đầy đường!?
- Hàng chục người tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy?!
Đó là một số trong những tin bẩn được lan truyền nhanh chóng trong những ngày qua, mà người dùng mạng xã hội ở Việt Nam thấy rõ điều này.
Hay các thông tin: "Khẩu trang N95 mới tốt!" hay "Dầu tràm giúp diệt virus!"... cũng đã góp phần nâng giá các mặt hàng này cao gấp bội!
Một số chuyên gia đã vạch ra rằng dịch do tin bẩn, tin sai gây ra còn "lây lan" nhanh hơn bản thân con virus và tác hại của nó có khi còn lớn hơn cả dịch bệnh chính!
Những tin đồn thất thiệt, tin giả gây hoang mang, những chỉ trích vô căn cứ đã và đang gây nên sự lo lắng, u ám, và hoảng hốt cho nhiều người, dẫn đến tổn hao tài chính, sức khỏe và cả năng lượng sống của cộng đồng.
Infodemics là một từ mới ám chỉ rằng dịch tin bẩn có thể làm người ta khó tiếp cận với thông tin đúng và cần thiết. Vậy đâu là giải pháp?
Mặc dù có một số nhóm hội trên facebook đang có hành động tích cực là rà soát và cảnh báo tin giả, tôi nghĩ rằng việc làm này cũng như các nhóm tình nguyện đi lượm rác ngoài đường và sẽ ít hiệu quả. Điều mà tất cả chúng ta cần làm là ĐỪNG XẢ RÁC.
Giống với việc "rửa tay" để bạn không truyền vô số mầm bệnh "không rõ ràng" cho người kế tiếp (cả những người không quen), việc "rửa não" để suy nghĩ bình tĩnh và hạn chế chia sẻ những điều bạn không chắc chắn là vô cùng quan trọng để chống dịch tin bẩn.
Trong những phân tích về hành vi phát tán tin giả, người ta nhận thấy rất nhiều người thật ra muốn "làm phước" qua việc chia sẻ thông tin. Đã đến lúc chúng ta nhận thức hơn rằng việc làm này thật ra lại có thể gây hại cho người khác!
Một số người có thể phản biện rằng: việc chia sẻ thông tin đa chiều sẽ giúp mọi người chuẩn bị tốt hơn. Thật ra, hầu hết những thông tin nóng sốt đó không giúp ích cho việc chống dịch.
Trong những tình huống y tế khó khăn, các bác sĩ có thể giúp chúng ta xử sự bình tĩnh. Một quy tắc hữu ích là đặt câu hỏi: "Liệu thông tin MỚI này có THAY ĐỔI cách xử trí của chúng ta hay không?"
Chỉ cần hỏi câu này, người dân có thể nhận ra rằng dù báo đài có đưa thêm tin nóng như "Virus lây qua đường phân-miệng!" hay "Virus có dính trên tay nắm cửa!" hay "Virus sống được tới hơn 10 ngày!"… thì cách xử trí của chúng ta vẫn như thế.
Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế như rửa tay và đeo khẩu trang thích hợp, đúng tình huống, đúng thời điểm... đã được thiết kế để giúp chúng ta ngăn ngừa những con đường lây nhiễm chủ đạo để phòng bệnh tối ưu. Phòng bệnh tối ưu ở đây mang cả hàm ý "giảm thiểu thiệt hại do phòng bệnh sai bét".
Chúng ta cần tập trung làm triệt để những việc đó để giữ trận địa chính. Việc sốt sắng, lăn tăn với con số ca nhiễm, ca tử vọng ở đâu đó, chạy theo tin đồn hoặc gợi ý mới không được kiểm chứng có thể làm sao nhãng việc cần làm. Cũng giống như việc có quá nhiều tiết mục hỗn tạp đồng thời trong một show diễn, nhiều khán giả sẽ quên mất thông điệp chính cần lưu tâm.
Những cách phòng dịch hiệu quả
Sẽ KHÔNG còn hiệu quả
Nếu những cách KHÔNG hiệu quả
Được "lây lan" hiệu quả hơn
Bình tĩnh là một kỹ năng cần rèn luyện nhưng sẽ giúp chúng ta lắng nghe tốt hơn, từ đó thấu hiểu và xử trí tốt hơn. Trong bối cảnh lộn xộn ở một số cộng đồng, tín hiệu mừng là các nhà khoa học đa quốc gia đã hợp tác tích cực để chia sẻ rộng rãi tất cả những dữ liệu liên quan tới coronavirus.
Trong thời gian ngắn vừa qua, những tạp chí Y học nổi tiếng như New England Journal of Medicine, British Medical Journal và Lancet đã xuất bản những báo cáo quan trọng về cách lây lan và dịch tễ học của virus mới, cũng như những dữ liệu nói lên các đặc điểm lâm sàng của viêm phổi liên quan tới virus này.
Các triệu chứng phổ biến nhất là sốt và ho (> 80% trường hợp), sau đó là khó thở (31%) và đau cơ (11%).
Nếu bình tĩnh để so sánh, chúng ta sẽ thấy những triệu chứng này thật ra cũng hay gặp ở influenza/Cúm mùa hằng năm, thứ vẫn gây ra dịch bệnh ghê gớm hơn đang cướp đi sinh mạng nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới.
Số liệu ở Mỹ cho thấy virus cúm đã giết chết 12.000-30.000 người từ 1/10/2019 đến 1/2/2020, so với số ca tử vong do coronavirus hiện nay là 1.114.
Điều trớ trêu là cộng đồng đang cực kỳ quan tâm tới coronavirus mới, trong khi còn rất nhiều người từ chối tiêm phòng cúm. Nếu người ta làm ra vaccine cho nCoV, tôi đoán rằng nhiều người từ chối tiêm phòng cúm sẽ xếp hàng đầu tiên để chích ngừa corona.
Một hiện tượng thú vị khác đang xảy ra ở Nhật Bản là số người mắc influenza năm nay đã giảm một nửa, từ 140.000 người xuống 70.000 người. Một số chuyên gia nói rằng sự cải thiện rửa tay phòng bệnh trong cộng đồng nhờ khuyến cáo về nCoV có thể đã giúp giảm thiểu lây lan cả những bệnh tật khác.
Những phân tích này cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông lên hành vi của cộng đồng và thêm lý do tại sao chúng ta phải bình tĩnh.
Tóm lại, những con virus corona "đời mới" đang lan truyền nhanh chóng và các nhà khoa học còn nhiều thứ cần tìm hiểu. Chúng xứng đáng nhận được sự quan tâm như một căn bệnh mới, có thể cùng gia đình với SARS và MERS trước đây.
Tuy nhiên, khi ứng phó với bệnh dịch ở quy mô toàn cầu, chúng ta cần có cả đối sách sáng suốt và bình tĩnh cho hai bệnh dịch "ăn theo": dịch liên quan tới kỳ thị và dịch về tin sai/tin đểu.
Xem thêm các thông tin khác về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại ĐÂY.
Tài liệu tham khảo
https://thanhnien.vn/gioi-tre/tro-ve-tu-tam-dich-vu-han-du-hoc-sinh-khon-kho-vi-bi-xa-lanh-1178173.html
https://tuoitre.vn/nguoi-goc-viet-bi-ki-thi-o-chau-au-vi-virus-tu-trung-quoc-20200131163436558.htm
https://www.nytimes.com/2020/01/30/world/asia/coronavirus-chinese-racism.html
https://www.cdc.gov/flu/about/burden/preliminary-in-season-estimates.htm
https://science.sciencemag.org/content/359/6380/1146
https://news.tv-asahi.co.jp/news_society/articles/000175724.html?fbclid=IwAR00ZJluiec0yVS86r4KFBj1CPabdhqFbXdDV4FHcERC6NBv9jh_zRQtySo
https://www.vox.com/science-and-health/2018/3/8/17085928/fake-news-study-mit-science
https://www.youtube.com/watch?v=HZq7fwUywR4