Hà Nội quyết định dùng mẫu giấy đi đường cũ: "Sự điều chỉnh kịp thời, lắng nghe, hợp lòng dân"

Song Anh – Trung Kiên, Theo Tổ quốc 16:21 08/09/2021
Chia sẻ

Theo PGS.TS Bùi Thị An, sự điều chỉnh về giấy đi đường của Hà Nội kịp thời và phù hợp thực tiễn.

Hà Nội quyết định dùng mẫu giấy đi đường cũ: Sự điều chỉnh kịp thời, lắng nghe, hợp lòng dân - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội đông nghịt tại một chốt kiểm soát, dòng người chờ được kiểm tra giấy đi đường sáng 6/9 (Ảnh: Hoàng Hải)

Sau khi nhiều người dân gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường mẫu mới, Hà Nội đã có những điều chỉnh trong ngày 7/9. Cụ thể, trao đổi với báo chí cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp, kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn.

Trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới (có mã QR) kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư. Việc này sẽ được điều chỉnh trên cơ sở hiệu quả thực tiễn, sau đó nhập hai loại giấy thành một.

Thành phố chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân có giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Như vậy, từ 6h ngày 8/9, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc sử dụng mẫu giấy đi đường cả mới và cũ; người dân chưa có giấy đi đường mẫu mới thì tiếp tục sử dụng giấy trước đây (đơn vị tự cấp) khi tham gia giao thông.

Thông tin trên thực sự khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm, bởi không ít cá nhân, doanh nghiệp lo lắng sẽ phải tạm ngừng hoạt động, sản xuất vì chưa xin được giấy đi đường theo mẫu mới.

Trong khi đó, sáng 8/9, cũng liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Hà Nội quyết định dùng mẫu giấy đi đường cũ: Sự điều chỉnh kịp thời, lắng nghe, hợp lòng dân - Ảnh 2.

Đường phố Hà Nội sáng 6/9, lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường (Ảnh: Hoàng Hải)

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng: "Sự điều chỉnh của Hà Nội như vậy là rất tốt. Thành phố đã cầu thị lắng nghe và điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tiễn và hợp lòng dân".

Cùng ngày, trao đổi với PV, ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, sau những bất cập trong việc cấp giấy đi đường, ý kiến của người dân và dư luận rất đúng đắn.

"Việc Hà Nội tiếp tục cho sử dụng giấy đi đường song hành cả mẫu cũ và mẫu mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Hôm nay, tôi cũng đang đi khảo sát và mới qua một vài chốt, lưu lượng người tham gia giao thông không bị ùn ứ như hôm trước. Điều đó phản ánh rất khách quan từ việc điều chỉnh lại", ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Sau lần điều chỉnh này của Hà Nội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc sử dụng song song hai giấy đi đường chỉ là giải pháp tạm thời và tiến tới nên bỏ giấy đi đường.

"Theo tôi, chúng ta nên bỏ giấy đi đường. Chúng ta đã quản lý theo 'luồng xanh', 'luồng đỏ', quản lý chốt các khu dân cư thì tại sao phải cần đến giấy đi đường, thẻ đi chợ? Câu chuyện quản lý bằng mã QR cũng chỉ là một vấn đề, Bộ Y tế cũng có nhiều hình thức quản lý như Bluezone, sổ sức khỏe điện tử…, mỗi cơ quan quản lý lại sáng tạo ra một kiểu để kiểm soát công dân thì bất hợp lý".

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, phương châm phòng chống dịch đã thay đổi từ tiến công khoanh vùng, tìm diệt, truy vết thành "sống chung với dịch" thì cũng cần có giải pháp quản lý tương ứng.

"Thủ tướng đã thay đổi phương châm chỉ đạo trong phòng chống dịch mà các địa phương không dự báo được hậu quả lâu dài, vẫn tiếp tục duy trì cách làm cũ thì khó chấp nhận", ông Nhưỡng nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày