Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, trước đó UBND TP. Hà Nội quyết định cho học sinh khối THPT đi học từ ngày 6/12 sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng dịch COVID-19. Trước quyết định của TP, thầy trò và phụ huynh rất phấn khởi khi mong ước đến trường nhiều tháng qua đã được cho phép. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất sẵn sàng đón học sinh đi học từ đầu tuần tới.
Tuy nhiên, nỗi mừng vừa nhen nhóm nỗi lo đã xuất hiện. Những ngày gần đây, các ca nhiễm COVID-19 ở Hà Nội tăng mạnh, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo ngại tới giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng.
Ngay trong ngày 4/12, trường đã lấy ý kiến phụ huynh về việc có nên cho con tới trường vào ngày 6/12. Kết quả, cơ sở Mỹ Đình có tới 82,35% phụ huynh chưa muốn cho con tới trường; Cơ sở Văn Phú có 74,3% phụ huynh chưa muốn con tới trường. Đa số phụ huynh muốn con học trực tuyến thêm một thời gian cho tới khi con được tiêm 2 mũi vắc xin. Trước nguyện vọng của số đông phụ huynh, trường này đã thông báo cho toàn bộ học sinh bậc THPT tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, trả lời Tiền Phong, bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh mỗi ngày hơn 500 ca, nhiều phụ huynh đã có ý kiến chưa muốn cho con tựu trường. Chưa kể, hiện trường đang có 6-7 giáo viên thuộc diện F1 phải cách ly y tế. Trường học mở cửa nhưng thiếu giáo viên cũng rất khó đảm bảo dạy học trực tiếp. Do đó, trường dự kiến sẽ xin lùi đến cuối tháng 12, khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn mới mở cửa dạy học trực tiếp.
Phó hiệu trưởng trường này chia sẻ, điều bà lo lắng nhất là học sinh đi học trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 như hiện nay, dịch cũng rất dễ xâm nhập trường học. Nếu chỉ được 1-2 tuần, lại phong toả trường, lớp, chuyển sang học trực tuyến sẽ rất xáo trộn.
Gần 95% học sinh THPT tiêm mũi 1
Trong khi đó, tại quận Ba Đình, ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết, qua kiểm tra 8 trường THPT trên địa bàn đều đủ điều kiện để mở cửa đón học sinh từ ngày 6/12. UBND quận đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn hiện có 12 phường cấp độ 1; Phường Đội Cấn, Ngọc Khánh có dịch cấp độ 2; toàn quận cấp độ 2. Như vậy tất cả học sinh các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đều có thể đến trường học trực tiếp từ ngày 6/12 trừ học sinh thuộc diện có F1, F2 chưa có kết quả xét nghiệm âm tính và các em trong vùng phong toả.
Bà Phạm Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông cũng nói, địa bàn có 10 trường THPT cả công lập và tư thục. Xét mức độ dịch trên địa bàn các trường đều đủ điều kiện để hoạt động trở lại. Tuy nhiên trong ngày 4/12, UBND quận lập đoàn kiểm tra cơ sở vật chất, sau đó mới quyết định trường nào đủ điều kiện hoạt động. "Trường nào đủ điều kiện sẽ được quận phê duyệt cho mở cửa trường học đón học sinh từ ngày 6/12, trường nào chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất tiếp tục hoàn thiện và dần hoạt động trong vòng 1 tuần", bà Hằng nói.
Trả lời báo chí sau buổi kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho việc mở cửa trường học chiều 4/12, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Phạm Xuân Tiến cho biết, đến nay gần 95% học sinh THPT trên địa bàn TP đã được tiêm 1 mũi vắc xin phòng dịch COVID-19. Qua kiểm tra, các nhà trường đã chuẩn bị rất chu đáo về kịch bản cũng như các điều kiện cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch. "Khi học sinh trở lại trường, chúng tôi mong muốn cha mẹ học sinh quan tâm đến sức khỏe của các con, nhắc nhở các con thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Với các thầy cô, ngoài việc dạy kiến thức mới cũng cần ôn luyện, bổ sung kiến thức đã học trực tuyến, giúp các con chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I", ông Tiến nói.
Ngày 2/12, UBND TP Hà Nội phê duyệt đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các đơn vị xã, phường, thị trấn của tất cả 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 được đi học trực tiếp từ 6/12.
Hà Nội yêu cầu những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh.
Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ vào mức độ an toàn của dịch COVID-19 quyết định, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, có các biện pháp ứng phó với các tình huống cụ thể phòng, chống dịch COVID-19.