Tính đến ngày 19/2, theo báo cáo của Sở Y tế, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19. Tổng số ca nghi nhiễm COVID-19 được cộng dồn từ đầu mùa dịch đến nay là 74 trường hợp, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngoài ra, trong tổng số 502 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nghi ngờ lây nhiễm, đều đã kết thúc giám sát y tế; 379 người đến từ vùng dịch COVID-19 vẫn tiếp tục được giám sát y tế; 55 người phải cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an Thành phố.
Ảnh minh hoạ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngày 18/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện người nghi mắc COVID-19.
Cụ thể, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 là những trường hợp có yếu tố lâm sàng và yếu tố dịch tễ sau: Về lâm sàng: có ít nhất một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi. Về dịch tễ: có ít nhất một trong 3 yếu tố sau: có tiền sử đến/ở/về từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày; có tiền sử đến/ở/về từ các xã có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày; có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nhân xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài (nếu điều tra xác minh được) trong vòng 14 ngày.
Các khu vực có ổ dịch COVID-19 tại Việt Nam: xã Sơn Lôi, Quất Lưu, Thiện Kế, Gia Khánh (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc), xã Minh Quang (Tam Đảo - Vĩnh Phúc), xã Hợp Hòa (Tam Dương - Vĩnh Phúc), xã Định Hóa (Yên Định - Thanh Hóa), phường 5 (quận 3 - TP. Hồ Chí Minh).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu TTYT quận, huyện, thị xã khi phát hiện trường hợp nghi ngờ cần thông báo ngay lập tức cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để phối hợp điều tra, khoanh vùng xử lý và thu thập mẫu bệnh phẩm đúng theo quy định.
Ngày 19/2, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã họp bàn các giải pháp, điều kiện tiến hành các bước chuẩn bị theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm kiên quyết để ngắt dịch sớm, đưa cuộc sống cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trở lại bình thường.
Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để có những giải pháp cho phòng chống dịch bệnh đưa ra các phác đồ điều trị và khuyến nghị trong điều trị, đảm bảo khi có ca bệnh thì cách ly ngay lập tức, dự phòng trong cộng đồng và chữa trị khỏi.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền thông cho người dân hiểu rõ môi trường du lịch tại Việt Nam an toàn, giáo dục an toàn để du khách và người dân yên tâm.