Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa để đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định trong mọi tình huống. Thành phố cũng quyết định trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối của thành phố.
Cùng với đó, thành phố cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khâu vận chuyển; đã cấp mã nhận diện cho 2.200 ô tô và trên 9 nghìn xe máy vận chuyển hàng hóa. Trên 14 nghìn shipper cũng được cấp mã để hoạt động.
Bà Lan cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của Viettel Post.
Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động, hiện nay có 9 địa phương triển khai với nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng.
Để cung ứng hàng hóa đa dạng, Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “một cung đường, 2 điểm đến”, công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.
Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp.
Sở Công Thương cũng phối hợp, hỗ trợ người lao động hiện đang bị mất việc làm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để vừa có thêm thu nhập, vừa cung ứng nguồn nhân lực phục vụ việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá thì sẽ phối hợp để kiểm tra ngay.
Cùng với công tác chủ động chuẩn bị, cung ứng hàng hóa đầy đủ và làm tốt công tác tuyên truyền nên sau 2 đợt giãn cách, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, mọi hoạt động mua sắm hàng hóa đều diễn ra bình thường.
“Hy vọng với tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt của thành phố, dù có triển khai các giải pháp nào, biện pháp nào thì thành phố vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa cho người dân trên địa bàn. Người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mua sắm tích trữ”, bà Phương Lan khẳng định.
Tại cuộc họp báo ngày 20/8, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp biểu quyết thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến 6h ngày 6/9/2021.
Trước đó, từ 24/7/2021, thành phố Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.
Thành phố kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.
Như vậy, theo quyết định mới nhất, thành phố Hà Nội sẽ cách ly toàn xã hội 45 ngày để phòng, chống dịch COVID-19 (từ 24/7 đến 6/9).