Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, đến tháng 3/2016, Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất rau đạt 5.100 ha.
Trong đó, rau an toàn VietGAP 224ha, rau hữu cơ trên 40 ha, cơ bản đạt an toàn thực phẩm.
Đầu năm 2016, Chi cục đã xây dựng 11 chuỗi rau an toàn (RAT) thí điểm Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng (PGS); Duy trì, phát triển 07 vùng RAT, rau hữu cơ tập trung khép kín (Đặng Xá, Tiền Yên, Chúc Sơn, Yên Bình, Tân Minh, Tráng Việt, Thanh Xuân).
Người dân vùng trồng rau an toàn lớn nhất Hà Nội cho biết việc có cách ly đủ thời gian quy định hay không là tùy mình, không có ai kiểm tra kiểm soát việc này.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, rau ở Hà Nội “cơ bản đạt an toàn thực phẩm” vì theo kết quả kiểm tra trong năm 2015, khi phân tích 400 mẫu rau chỉ có 5 mẫu vượt ngưỡng, tương đương với 1,25%.
Kiểm tra sản xuất, sơ chế RAT phục vụ đợt cao điểm ATTP trong dịp Tết Nguyên Đán 2016 tại 20 xã sản xuất và 5 cơ sở sơ chế, kiểm nghiệm 90 mẫu rau, kết quả phân tích 100% mẫu đảm bảo ATTP.
“Có 3 địa phương sản xuất và tiêu thụ rau lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng nhưng chỉ có Hà Nội mới có phân tích mẫu đa dư lượng, để đánh giá xem người dân có tuân thủ quy trình sản xuất rau đảm bảo an toàn hay không, sau đó cung cấp thông tin đến doanh nghiệp, người tiêu dùng về thực trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Hồng cho hay.
Mặt khác, ông Hồng cũng cho biết, lượng thuốc BVTV sử dụng trên các cây trồng trong đó có rau của Hà Nội bằng 0,3% so với toàn quốc.
Chẳng hạn năm 2014, toàn quốc sử dụng gần 116.600 tấn thuốc BVTV nhưng Hà Nội chỉ sử dụng 360 tấn thuốc BVTV trên tất cả các loại cây trồng với tổng diện tích hơn 300.000 ha.
Kiểm tra trên đồng ruộng, tỉ lệ sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc có thời gian cách ly ngắn đạt gần 60%. Số lần phun thuốc giảm xuống chỉ còn vài lần/lứa rau, mặc dù những năm trước có những nơi phun mười mấy lần.
Theo ông, người dân đã rất hạn chế số phần phun thuốc nhưng do bà con khi bón phân bón lá, kích thích sinh trưởng…vẫn thường gọi là “đánh thuốc” nên dễ gây hiểu nhầm.
Chi cục đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kiểm dịch thực vật (KDTV) tại 10 đơn vị, trong đó 1 đơn vị chưa xuất trình được thủ tục KDTV; Kiểm tra 62 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, kết quả có 3 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 2 trường hợp do vi phạm nhỏ, lần đầu; xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 1,5 triệu đồng (buôn bán thuốc hết hạn sử dụng).
Chỉ 5% sản lượng rau an toàn vào siêu thị
Theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội hiện trạng phân phối, tiêu thụ RAT có 6 hình thức chính: các siêu thị chiếm khoảng 1,5% sản lượng RAT; cửa hàng phân phối bán lẻ chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn tập thể,...) chiếm 1,8%. Ba hình thức này tiêu thụ thông qua HTX hoặc doanh nghiệp. Các thương lái thu gom đem đi tiêu thụ chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh chiếm 26,8% và bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8% sản lượng RAT.
Hà Nội đang có 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc, Rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng rau an toàn).
Rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370.000 tấn/năm (chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn, 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng).
Theo ông Hồng, chi phí để mở cửa hàng, duy trì hoạt động của cửa hàng kinh doanh rau an toàn rất lớn nên nhiều nơi “sớm nở tối tàn”, rau an toàn vẫn chủ yếu đi các chợ.
“Hiện nay lẫn lộn rau an toàn với không an toàn, lẫn lộn giữa rau các tỉnh. Chưa có quy định kiểm soát nguồn gốc xuất xứ”, ông Hồng cho biết.
Chính vì thế để tránh trà trộn, chi cục BVTV Hà Nội đề xuất, kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng RAT; ban hành chính sách đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT.
“Nếu không có hệ thống bán lẻ, hỗ trợ kênh tiêu thụ thì 20 năm nữa Hà Nội cũng không biết mua rau an toàn ở đâu”, ông Hồng cho biết.
Mặt khác, chi cục cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành Nghị định qui định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường.