Thấy “người lạ” xuất hiện, những người dân ở đây tỏ ra đề phòng và cảnh giác. Phóng viên chưa kịp mở lời, một người đàn ông trung niên đang lúi húi dựng dàn bầu đã lên tiếng: “Đi tác nghiệp hả. Rau ở nghĩa địa thì có làm sao đâu? Những ngôi mộ này có từ lâu năm rồi. Rau trồng ở đây thì người dân ở đây ăn trước rồi mới đến thiên hạ. Mà giờ làm gì phân biệt được đâu là rau sạch, rau bẩn. Tìm hiểu cũng thế thôi”.
Người đàn ông này còn kể thêm, “Lần trước trả lời báo chí, tôi bị cả làng chửi. Tôi cũng có nói gì đâu: tôi chỉ bảo, rau hợp đất nên xanh tốt chứ chẳng ai chăm bón gì nhiều”.
Một người dân trồng rau khác ở đám ruộng bên thấy có tiếng nói chuyện, tay vẫn cầm liềm, xồng xộc chạy tới: “Đừng có mà viết láo nữa nhé. Lần trước báo chí đăng thông tin, cứ nói rau ở Cổ Nhuế là không ai chịu mua, chúng tôi đã khổ lắm rồi”.
Nói về câu chuyện trồng rau ở nghĩa địa, GS Nguyễn Lân Dũng từng trả lời báo chí và khẳng định không có gì đáng lo ngại: “Nguồn nước gần nghĩa địa, nếu dùng để ăn uống mới đáng lo ngại, còn tưới cho rau không quá lo vì rau cũng hấp thụ có chọn lọc, không phải chất nào cũng đưa vào cây. Tuy nhiên để hạn chế các vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh, nên rửa rau bằng nước sạch”, GS Dũng khuyến cáo.
Tuy nhiên, người tiêu dùng “nói không” với rau nghĩa địa chính là vấn đề tâm linh. “Chẳng ai mua hoặc muốn ăn rau được trồng ở nghĩa địa bởi chỉ nghĩ thôi đã thấy gờn gợn. Rau được trồng ngay cạnh hay ngay trên ngôi mộ của người chết thử hỏi ai dám ăn”- chị Hà Thị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Khi mới tiếp xúc, người phụ nữ trong ảnh khẳng định, người trồng rau ở đây không sử dụng bất kì loại thuốc kích thích nào. Quả thực rau ở khu nghĩa địa tự lớn, tự xanh tốt vì đất vốn ẩm và có màu đen đặc trưng, hơn nữa cũng không lấy được nước ở đâu để tưới tắm, chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa.
Sau một hồi trò chuyện thì cũng chính người phụ nữ này hé lộ, “rau trồng chủ yếu để ăn thì khác mà rau người ta trồng để bán lại khác. Nhưng họ tưới tắm, chăm bón gì thì tôi không biết”.
Ruộng rau muống xanh tốt bên cạnh con mương đen ngòm...
...rất nhiều vi sinh vật bơi, ngọ nguậy trong đó.
Một đám rau muống được trồng xung quanh những ngôi mộ ngập xình trong nước và ngay cạnh một bãi rác thải nhỏ tự phát.
Theo người dân ở đây, thì không chỉ người bản địa mà rất nhiều người ở những thôn khác, vùng khác đến đây mượn đất để canh tác rau muống bán.
OSIOI 800 WG (chứ không phải OSIOI 800.8 WG như ghi trên nhãn) là thuốc có nguồn gốc hóa học với hỗn hợp 3 hoạt chất (gồm Acetamiprid, Thiamethoxam và Buprofezin), có độ độc Nhóm III và cũng không đăng ký sử dụng trên rau
Hầu hết những loại vỏ bao bì đều là những loại thuốc trừ sâu dành cho lúa.
Một vỏ bao bì hoàn toàn chữ Trung Quốc.
Một vỏ chai thuốc diệt cỏ loại mạnh bị bỏ lại trên mảnh đất vỡ hoang để tới đây sẽ trồng rau muống.
Loại thuốc này sẽ mất tác dụng khi tiếp xúc với đất, không để lại dư lượng trong đất ảnh hưởng đến vụ sau nhưng dễ gây ngộ độc cho người đi phun, ngấm qua da, trâu bò ăn phải, gia cầm vào vùng phun thuốc khi chưa đủ thời gian cách ly.
Tuy nhiên, nó lại được phun ngay cạnh những bãi rau muống đang độ thu hoạch.