Hơn 90 ha rau sản xuất an toàn, chỉ có 2 nhân viên quản lý
Tại vùng rau an toàn lớn bậc nhất Hà Nội với 90 ha nhưng người trồng rau cho biết không ai kiểm tra giám sát, cán bộ nông nghiệp ít xuất hiện, chợ rau mỗi năm kiểm tra mẫu một vài lần... chúng tôi đã liên hệ UBND xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tôn Tính - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội bộc bạch: “UBND xã, huyện không thể kiểm soát được việc người dân có trồng rau đem bán ra thị trường có an toàn hay không. Để bà con trồng rau an toàn và bán cho người tiêu dùng, chúng tôi chỉ còn cách tuyên truyền, vận động người dân trồng rau an toàn để bảo vệ thương hiệu của mình, đồng thời bảo vệ chính nồi cơm của họ".
Người dân thường xuyên phun thuốc cho rau.
"Chúng tôi cũng rất trăn trở khi cả nước đang tuyên chiến với thực phẩm bẩn thì việc có những trăn trở về rau an toàn cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rau Vân Nội là rau an toàn vì được chăm bón theo quy trình, được hướng dẫn sản xuất an toàn qua các lớp đào tạo trung tâm, bắt đầu từ tổ chức của Đan Mạch năm 1995, sau đó là FAO, Trung tâm khuyến nông, Viện dinh dưỡng của trường Đại học Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ thực vật…”, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội nói .
"Thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng có chữ bằng Tiếng việt là bảo đảm an toàn", anh Vương nói.
Theo ông Tính, trong xã có hơn 6.000 nhân khẩu nhưng đã có trên 8.000 lượt người được tập huấn đào tạo sản xuất rau các loại và đã được cấp chứng chỉ. Nên không thể nói không có ai giám sát vì hiện nay có hai nhân viên của Trạm Bảo vệ thực vật Đông Anh trực tiếp giám sát trên đồng ruộng. Nếu phát hiện thuốc ngoài luồng sẽ lập biên bản xử phạt và dò ra nguồn bán.
“Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra các cửa hiệu bán thuốc bảo vệ thực vật. Trên địa bàn của xã có 7 cửa hàng nhưng qua kiểm tra không phát hiện thuốc ngoài danh mục cho phép. Không thể nói trồng rau mà không phun thuốc nhưng bà con Vân Nội chỉ sử dụng thuốc sinh học và thu hoạch theo đúng chỉ dẫn. Xã Vân Nội có trên 90 ha sản xuất rau an toàn”, ông Tính cho biết.
Với diện tích như thế nhưng chỉ có 2 người đi giám sát liệu có như “muối bỏ bể”? Trả lời câu hỏi này, ông Tính cho rằng không ai có thể giám sát được thời gian người dân phun thuốc và thu hoạch. Cổng cuối cùng là phải lấy mẫu giám sát. Nếu hàng của anh dư thuốc sâu, chưa đủ thời gian cách ly hoặc phân bón đổ không đúng kỹ thuật dẫn đến tồn dư kim loại nặng là phạt còn xã thì không thể ngày nào cũng đi giám sát được”, ông Tính chia sẻ.
Rau Vân Nội cung cấp cho Hà Nội 20 năm chưa có ai ngộ độc
Nhưng ông Nguyễn Tôn Tính nhấn mạnh: “Rau Vân Nội an toàn vì cung cấp cho thị trường Hà Nội 20 năm nay chưa có trường hợp nào ngộ độc. Thông qua các đợt kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa định kỳ, đột xuất của Bộ Nông nghiệp, chúng tôi khẳng định vẫn giữ được thương hiệu rau an toàn Vân Nội”. Bản thân ông cũng chia sẻ, gia đình ông không trồng rau và cũng chỉ mua rau của bà con tại địa phương.
Xe rau này được vận chuyển từ nơi khác đến chợ rau Vân Trì bán.
Anh Nguyễn Quốc Vương, nhân viên Trạm Bảo vệ thực vật Đông Anh cho biết một tháng anh phải xuống cơ sở ít nhất 10 lần để chỉ đạo sản xuất, thăm đồng, kiểm soát sâu bệnh, hướng dẫn, nâng cao ý thức cho bà con và trong quá trình đó có thể giám sát luôn việc phun thuốc.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, anh Vương cho biết: “Vi phạm nhiều nhất vẫn là vỏ bao bì, phun thuốc xong để trên đầu bờ, còn thu hoạch trước thời gian cách ly thì hầu như không có, rất hạn hữu. Chúng tôi không thể giám sát từng thửa ruộng nhưng nếu hôm nay gặp bà con phun thuốc mà vài ngày sau đã thấy thu hoạch thì tôi sẽ yêu cầu bà con hoãn lại và bỏ số rau đã thu hoạch”.
Cũng theo ông Tính, hiện nay rau an toàn Vân Nội cũng gặp nhiều khó khăn vì diện tích đất trồng rau ngày càng hẹp do dự án Cầu Nhật Tân, khu sinh Thái…Nhiều nơi lợi dụng thương hiệu rau an toàn Vân Nội để gắn mác cho sản phẩm.
“Chúng tôi không đủ chức năng để làm hết được những việc này, nhiều khi lực bất tòng tâm. Do đó cần phải tăng cường lấy mẫu và phạt thật nghiêm. Thực ra một tháng chỉ lấy mẫu kiểm tra hai lần là ít. Bên cạnh đó, là khó khăn trong việc bao tiêu sản phẩm và ổn định cho người dân”, ông Tính tâm sự.
"Sắp tới khi chợ rau an toàn Vân Trì mới đi vào ổn định sẽ quản lý tốt hơn về nguồn gốc xuất xứ", ông Tính nói.
“Chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm để định giá. Có khi 1 ngày rau biến động 2-3 giá nên ảnh hưởng đến công tác quản lý của địa phương. Khó quản lý ở chỗ, có thể do rau đắt, người thu hoạch trước thời gian cách ly, làm thế nào quản lý giám sát được để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, ông Tính bày tỏ.
Ông Tính cho rằng, ngoài việc giám sát thường xuyên thì điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức, kiến thức của bà con. Chúng tôi lúc nào cũng tuyên truyền người dân giữ thương hiệu rau, nó giống như giữ bát cơm nhà mình.
Xã đang bắt đầu triển khai chương trình PGS, nghĩa là 4 nhà ký cam kết với nhau để gắn chặt trách nhiệm. Chúng tôi yêu cầu hợp tác xã phải lấy hàng có nguồn gốc, nếu nguồn hàng ở nơi khác hoặc lấy hàng ở Trung Quốc thì không được ghi là rau an toàn Vân Nội.
Sắp tới khi chợ rau an toàn Vân Trì mới đi vào ổn định sẽ quản lý tốt hơn về nguồn gốc xuất xứ. Những người sản xuất rau an toàn khi vào chợ sẽ được đeo thẻ để phân biệt với những người kinh doanh rau từ nơi khác đến.