Emergency Declaration (Hạ Cánh Khẩn Cấp) là tác phẩm điện ảnh mới nhất của nhà làm phim Hàn Quốc Han Jae Rim. Khởi nghiệp với vai trò biên kịch, tới nay, Han Jae Rim mới năm lần ngồi ghế đạo diễn phim, nhưng bốn trong số này - gồm The Show Must Go On (2007), The Face Reader (2013), The King (2017) và Emergency Declaration (2022) - đều được giới phê bình đánh giá cao.
Năm 2021, Emergency Declaration đại diện cho điện ảnh Hàn Quốc tham dự LHP Cannes lần thứ 74 ở hạng mục không tranh giải (Movies Out of Competition). Tác phẩm cũng đánh dấu lần đầu tiên cái tên Han Jae Rim được giới thiệu ở một trong những liên hoan phim lớn nhất hành tinh. Phim thường được ví von như Train to Busan trên không trung. Sự so sánh liệu chỉ ẩn chứa kỳ vọng tác phẩm sẽ vang danh không kém gì tác phẩm khai thác đề tài thảm họa mà Yeon Sang Ho từng thực hiện?
Thảm họa trên không
Trong Emergency Declaration, biến cố đã xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu KI501 từ Hàn Quốc tới Hawaii. Giữa hành trình, một hành khách đã khởi phát nhiều triệu chứng lạ như sốt cao, xuất huyết và cuối cùng là tử vong. Trong chớp mắt, mầm bệnh đã phát tán khắp máy bay, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trên không và cả dưới mặt đất.
Trên chuyến bay, người cha đơn thân Jae Hyuk (Lee Byung Hun) đã nhanh chóng phát hiện ra điểm bất thường trong hành tung của Jin Seok (Im Si Wan). Kẻ khủng bố nhanh chóng bị vạch mặt. Cùng lúc đó, dưới mặt đất, thanh tra cảnh sát In Ho (Song Kang Ho) cũng ráo riết tiến hành cuộc điều tra nhằm giải nguy cho những người đang mắc kẹt trên không trung.
Vụ khủng bố sinh học cũng đặt ra một bài toán khó cho chính quyền Hàn Quốc. Lực lượng phản ứng nhanh lập tức được thành lập dưới sự lãnh đạo của bộ trưởng Sook Hee (Jeon Do Yeon). Tuy nhiên, thời gian càng trôi đi, vấn đề càng vượt quá tầm tay. Bởi ngay từ đầu, thứ họ phải đối mặt không đơn thuần chỉ là một vụ bắt cóc con tin.
Emergency Declaration thuộc dòng phim bom tấn thảm họa. Đây là mảng đề tài không còn mới lạ với điện ảnh thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Hollywood thường có xu hướng biến thiên tai thảm họa thành phông nền cho một người anh hùng cứu thế. Nhưng trong phim Hàn, biến cố nằm ngoài tầm kiểm soát sẽ luôn là cái cớ để khơi thêm hàng trăm vấn đề phức tạp. Trong bức tranh ấy, không có nhân vật chí thiện, càng không tồn tại khái niệm anh hùng đơn độc.
Tạo hình của Lee Byung Hun trong Emergency Declaration
Trên website chính thức của Cannes, cây bút Manon Ruffel giới thiệu về Emergency Declaration: "Bộ phim liên tục di chuyển từ bầu không khí ngột ngạt bên trong chiếc máy bay với diễn biến trên mặt đất - nơi những mâu thuẫn về chính trị và đạo đức nảy sinh song song các vấn đề với giới truyền thông. Đây là một bộ phim ly kỳ, với sức ảnh hưởng thêm mạnh mẽ nhờ sự cộng hưởng của tình hình thế giới hiện tại".
Emergency Declaration bấm máy vào đầu năm 2020, ngay trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn thế giới. Đây là tình huống ngang trái khi quá trình sản xuất bộ phim xoay quanh căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị gián đoạn bởi một đại dịch chết người trong đời thực. Chia sẻ về sự trùng hợp này, đạo diễn Han Jae Rim thừa nhận: "Tôi không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến mọi điều mình tưởng tượng ra trong kịch bản đều đã thành sự thật".
Một dự án nhiều toan tính của điện ảnh Hàn
Hạng mục không tranh giải của LHP Cannes là sân khấu để Hàn Quốc giới thiệu với khán giả quốc tế những bộ phim thương mại hoành tráng và đậm tính giải trí. Chùm tác phẩm "khoe khéo" một nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc hiện đại, với những công nghệ tiên tiến và tầm nhìn không thua kém các quốc gia Âu Mỹ.
Trước khi trở thành hiện tượng toàn cầu, Train to Busan cũng từng được công chiếu tại LHP Cannes ở hạng mục không tranh giải. Đây là tác phẩm gây tiếng vang hơn cả trong số những phim từng được Hàn Quốc gửi tham sự hạng mục Out of Competition của LHP Cannes kể từ năm 2008. Ta có thể đọc được tham vọng tạo ra một tác phẩm với sức ảnh hưởng ngang ngửa Train to Busan của điện ảnh Hàn Quốc thông qua Emergency Declaration.
Emergency Declaration mở đầu chậm rãi với cuộc điều tra của cảnh sát In Ho
Tác phẩm của đạo diễn Han Jae Rim được đầu tư xấp xỉ 19,2 triệu USD. Con số cao hơn đáng kể so với nhiều tác phẩm lấy đề tài thảm họa tiêu biểu của Hàn Quốc như The Tower (2012), The Flu (2013) - đều tiêu tốn chưa quá 10 triệu USD - hay Ashfall (2019) với 17,7 triệu USD. Peninsula (2020), phần hậu truyện lấy bối cảnh hậu tận thế của Train to Busan cũng chỉ cần số vốn đầu tư 16 triệu USD để hoàn thành. Emergency Declaration cho thấy sự phóng tay của nhà sản xuất nhằm tạo ra một trải nghiệm điện ảnh hoành tráng, nhắm đến một mục tiêu xa hơn thị trường nội địa.
Đảm nhận các vai diễn quan trọng trong bộ phim là Song Kang Ho, Jeon Do Yeon và Lee Byung Hun. Lee Byung Hun từng góp mặt trong nhiều tác phẩm hành động kinh phí lớn của Hollywood. Song Kang Ho cũng là cái tên đã quen thuộc với giới mộ điệu điện ảnh bên ngoài Hàn Quốc, đặc biệt sau thành công của Parasite (2019). Jeon Do Yeon cũng đi vào lịch sử khi là nữ diễn viên Hàn Quốc đầu tiên giành giải diễn xuất tại LHP Cannes.
Các nhà làm phim Hàn Quốc đã có một kế hoạch tỉ mỉ để quảng bá hình ảnh Hàn Quốc thông qua Emergency Declaration
Ngoài ba gương mặt chính, Emergency Declaration cũng quy tụ dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt thường đảm nhận các vai diễn gai góc như Kim Nam Gil hay Kim So Jin. Cuối cùng, trong vai thiên tài ác quỷ, Im Si Wan - thành viên nhóm nhạc nam ZE:A - dù trẻ tuổi đời và non tuổi nghề so với các bạn diễn, vẫn để lại dấu ấn khó lu mờ.
Các ngôi sao của Emergency Declaration không chỉ là dàn diễn viên kỳ cựu của màn ảnh rộng xứ kim chi, mà còn là những gương mặt thương hiệu, giúp nhận diện điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế. Khán giả quốc tế có thể xa lạ với cái tên Han Jae Rim, nhưng bộ ba Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Jeon Do Yeon chắc chắn đủ để khơi gợi trong họ cảm giác quen thuộc cũng như sự tin tưởng vào chất lượng nội dung tác phẩm.
Sự lặp lại công thức phim thảm họa
Trong Emergency Declaration, vụ phát tán virus gây bệnh trên máy bay đã nhanh chóng trở thành một thảm họa nhân đạo. Không quốc gia nào sẵn sàng đánh liều an nguy của người dân để chào đón KI501 - giờ có thể ví như một thứ vũ khí sinh học - hạ cánh. Sự chối bỏ còn đến từ chính nội bộ đất nước Hàn Quốc, khi xã hội bị chia rẽ bởi câu hỏi có nên cho máy bay hạ cánh hay không. Thậm chí những người đứng đầu đất nước cũng khó thống nhất câu trả lời.
Sau cùng, chính những người đang mắc kẹt trên máy bay với khát khao sống cháy bỏng đặt trong ba tiếng "trở về nhà" cũng bắt đầu băn khoăn về số phận của chính mình. Họ còn thân nhân, còn ước mơ dang dở, còn tình yêu, còn tương lai phía trước… để chiến đấu. Họ có quyền được sống, được nhận sự giúp đỡ khi hoạn nạn. Nhưng họ dường như cũng không còn được chào đón và ngược lại, được yêu cầu chịu trách nhiệm thực hiện một sự hy sinh lớn lao.
Im Si Wan đã thành công hóa thân thành tên giết người biến thái
Song song với cuộc hành trình truy dấu tên khủng bố và tìm kiếm thuốc giải đầy kịch tính, Emergency Declaration cũng không ít lần bóp nghẹt trái tim khán giả khi đặt ra những mâu thuẫn về đạo đức và nhân tính, về cái tôi và chúng ta. Kịch bản phim nhiều lớp lang sự kiện: ta có một vụ án mạng mà chân tướng kẻ thủ ác còn chìm trong bóng tối, một tên biến thái đang âm mưu gây án trên máy bay, cuộc đối đầu với các tập đoàn mờ ám, trận chiến căng thẳng trên mặt trận ngoại giao…
Kết nối những sự kiện giật gân nhưng rời rạc ấy là mạch truyện giàu cảm xúc về những người đàn ông sẵn sàng hy sinh tính mạng vì vợ, con. Trong cơn tuyệt vọng, In Ho sẵn sàng dùng cách cực đoan nhất để bảo vệ gia đình. Jae Hyuk chấp nhận đối mặt với vết thương tâm lý bởi hy vọng khép lại quá khứ nhiều đớn đau và cùng con gái hướng tới tương lai tươi sáng. Nhưng trong trận chiến này, đứng chắn giữa họ và viễn cảnh "gia đình yên ấm" là quá nhiều trở ngại.
Nếu thay thế chiếc máy bay bằng một đoàn tàu, Emergency Declaration không tạo ra khác biệt quá rõ nét so với Train to Busan. Bộ phim đều có những người đàn ông xả thân vì gia đình, có những cuộc tranh cãi chạm đến mâu thuẫn trong bản chất con người, có sự bất lực đến từ những người đứng mũi chịu sào… Cả hai tác phẩm đều phê phán sự vô cảm trong xã hội hiện đại đối lập với giá trị bất biến là tình cảm gia đình. Cơn đói của đám thây ma cũng có thể đem so với sự ích kỷ của dư luận khi sau cùng, chúng đều đẩy nạn nhân tới chỗ chết.
Nhân vật của Lee Byung Hun gợi nhắc vai của Gong Yoo trong Train to Busan
Điện ảnh thế giới đã có quá nhiều bộ phim về những vụ khủng bố trên không. Do đó, khó trách Emergency Declaration khi khiến khán giả, vào lúc này hay lúc khác, chợt liên tưởng tới Airplane! (1980), Snakes on a Plane (2006) hay thậm chí, Top Gun: Maverick (2022). Thêm vào đó, việc thân thế nhân vật của Lee Byung Hun bị tiết lộ từ rất sớm trong nửa đầu phim cũng khiến hào hứng khán giả dành cho hồi ba ít nhiều bị sứt mẻ. Mọi tình tiết được cài cắm nhằm tạo bất ngờ, kịch tính cho cao trào lớn nhất phim đều không thắng được sự chờ đợi khoảnh khắc Jae Hyuk "vượt lên chính mình".
Tổng thể, Emergency Declaration chỉn chu về cả phần hình ảnh lẫn nội dung. Tác phẩm xứng đáng là một trong những đại diện cho nền điện ảnh Hàn Quốc tân tiến, một chín một mười với Train to Busan. Tuy nhiên, về sâu xa, phim vẫn đang thiếu vắng tính độc nhất khi diễn biến Emergency Declaration cũng là dàn bài chung cho nhiều tác phẩm lấy đề tài thảm họa khác từng được Hàn Quốc sản xuất. Xem phim, khán giả khó tính không tránh khỏi những cái nhíu mày kiểu "phim này sao lại giống phim kia".
Ảnh: Showbox