"Gương mặt thân quen" ra mắt khán giả từ năm 2013 và hiện đã kéo dài được đến mùa thi thứ 6. Ngay từ khi phát sóng, chương trình đã nhận được nhiều sự chú ý bởi format mới lạ, hấp dẫn: 6 nghệ sĩ tham gia hoá trang, bắt chước các nghệ sĩ Việt Nam hoặc Quốc tế với hình tượng thay đổi qua từng tập.
6 thí sinh mùa giải 2018
Tuy nhiên, "Gương mặt thân quen" đang bị đánh giá là ngày càng mất đi sức hút ban đầu. Dù đã có cố gắng đổi mới dàn giám khảo với sự góp mặt của những cái tên cá tính, luôn có phát ngôn thú vị như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, dù có mời hẳn cả những gương mặt viral như Chi Pu, hay kèm theo những ồn ào về việc giả nhân vật quá lố như Duy Khánh, Hà Thu, thì chương trình năm nay vẫn không đọng lại quá lâu trong tâm trí người xem truyền hình. Vậy lí do nằm ở đâu?
Format cũ kỹ
"Gương mặt thân quen" gây ấn tượng cho khán giả bởi format mới lạ dù được mua bản quyền ở nước ngoài. Trải qua từng tập ở mỗi mùa thi, khán giả lại được dịp trông ngóng xem tuần này nghệ sĩ mình yêu thích sẽ hóa thân thành ai và mang lại điều gì bất ngờ. Tuy nhiên, cũng vì format đơn giản như vậy nên dù hình tượng các nhân vật được thay đổi liên tục theo từng mùa cũng không tránh khỏi cảm giác cũ kỹ, gây nhàm chán nơi người xem.
Ngoài ra, "Gương mặt thân quen" luôn trân trọng nghệ thuật dân tộc hoặc muốn nhiều khán giả trẻ biết đến nhiều hơn những giọng ca bất hủ một thời ở trong nước lẫn quốc tế, chương trình đã khéo léo "cài cắm" để các thí sinh tham gia hóa thân thành những giọng ca vàng từ thời "ông bà anh".
Hùng Thuận hóa Lobo
Đỗ Phú Quí hóa Cher
Tuy nhiên, việc "cài cắm" này đôi khi bị "lạm dụng" quá đà. Bên cạnh những khán giả lớn tuổi thì chương trình vẫn đang thu hút được một bộ phận khán giả trẻ, việc để thí sinh hóa thân thành các ca sĩ trẻ đang gây sốt hiện nay sẽ giúp "Gương mặt thân quen" được ngóng chờ nhiều hơn.
Nhưng chương trình có vẻ như đang quên mất điều này. Lấy ví dụ ở mùa thi thứ 6 mới nhất, số lượng ca sĩ trẻ được chọn hóa thân chỉ đếm trên đầu ngón tay như Taylor Swift, Miu Lê, Hari Won, Karik, Bảo Anh... còn lại là nhường chỗ cho các tên tuổi lão làng trong làng giải trí mà các thí sinh lẫn khán giả chưa chắc đã biết rõ. Tất nhiên, việc "bắt chước" các tên tuổi gạo cội sẽ có phần khó hơn, thí sinh cũng bị thử thách nhiều hơn, kèm theo đó độ tương tác với khán giả thì chắc chắn sẽ bị giảm đi.
Nguồn thí sinh ngày càng cạn kiệt, thiếu đi những tiết mục đáng nhớ
Làng giải trí Việt Nam có số lượng nghệ sĩ vô cùng dồi dào nhưng không phải ai cũng muốn đi... "bắt chước" người khác nên việc tuyển chọn thí sinh cho từng mùa "Gương mặt thân quen" đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Các nghệ sĩ tham gia chương trình đều khá nhiệt tình, "chịu chơi" đầu tư cho từng phần thi nhưng số lượng tiết mục ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả ngày một ít đi.
Ngược về thời gian 3, 4 năm trước, Hoài Lâm bất ngờ trở thành hiện tượng khi chiến thắng đến 4 tuần ở mùa thi thứ 2, đặc biệt màn hóa thân thành Sơn Tùng M-TP cũng khiến anh chàng thu về lượng fan khổng lồ. Thanh Duy, Quốc Thiên, Hòa Minzy... cũng có nhiều tiết mục khiến khán giả nhớ mãi.
Tuy nhiên, các tiết mục ở những mùa sau đã không còn gây được dấu ấn mạnh mẽ đối với khán giả nữa. Nhiều phần thi tại mùa 6 dù được khen ngợi nhưng vẫn nhanh chóng chìm vào quên lãng, gây ồn ào nhất là màn hóa thân thành Taylor Swift của Á hậu Hà Thu nhưng theo hướng tiêu cực nhiều hơn.
Hoài Lâm giả Sơn Tùng M-TP
Hòa Minzy đóng giả Mỹ Linh
Quốc Thiên giả Hồng Ngọc - Đàm Vĩnh Hưng
Kết quả khó hiểu
Như đã đề cập ở trên, "Gương mặt thân quen" từng gây tranh cãi khá nhiều với cách cho điểm của ban giám khảo khi các tiết mục liên quan đến dân ca, cải lương... đều được chấm điểm cao hơn hẳn các ca khúc nhạc trẻ. Lấy ví dụ như tiết mục hóa thân thành EXO của Jun Phạm ở mùa 5.
Giám khảo Hoài Linh có chia sẻ rằng "Thực ra với cái tuổi như vầy (ám chỉ 3 giám khảo) mà coi mấy nhóm nhạc teen teen nhảy nhảy thì tôi cũng không quen gì mấy". Và giám khảo Hoài Linh cũng dành cho Jun Phạm số điểm thấp nhất - 7 điểm khiến nam ca sĩ bị đẩy xuống áp chót bảng xếp hạng. Cư dân mạng sau đó cũng có màn tranh luận sôi nổi về cách cho điểm của giám khảo Hoài Linh.
Khán giả cho rằng giám khảo cũng ít nghe và không thích nhạc Hàn Quốc nên thường cho điểm thấp
Nếu để ý kỹ sẽ thấy điểm chung của các Quán quân "Gương mặt thân quen" từ mùa 2 trở về sau là đều lựa chọn các tiết mục mang đậm nét văn hóa dân tộc. Điều này khiến khán giả khẳng định "chắc nịch" rằng cứ hóa thân thành nghệ sĩ của thể loại nhạc này thì nghiễm nhiên sẽ trở thành người chiến thắng.
Các khán giả cho rằng ban giám khảo thiên vị dòng nhạc dân ca và cải lương
Khán giả từng vô cùng tiếc nuối khi ban giám khảo loại đi những thí sinh tiềm năng, tạo được nhiều tiếng cười như Hòa Minzy, Đỗ Duy Nam, Khương Ngọc... Hòa Minzy đoạt giải thí sinh được yêu thích nhất cũng như nhận được lượt view cao chót vót, để lại dấu ấn còn nhiều hơn Quán quân của mùa giải năm đó cũng là một bằng chứng cho thấy sự chấm điểm khá "khó hiểu" của ban giám khảo.
Hòa Minzy gây bất ngờ khi bị loại trước Chung kết
Các Quán quân những mùa gần đây luôn khiến số đông ngỡ ngàng, và sau đó là lặn mất tăm hoặc không có bước tiến nào đáng kể. Điều mà các MC luôn nhắc đi nhắc lại trên truyền hình, số điểm là từ khán giả và sự đánh giá công tâm của giám khảo dường như đã không còn ý nghĩa gì nữa. Không ít người nghi ngờ có sự dàn xếp, cũng không thiếu những tin đồn mua giải, ưu ái... Chưa cần biết đúng sai ra sao, nhưng khi kết quả không còn thỏa mãn số đông, khán giả sẽ mất dần hứng thú khi theo dõi chương trình. Và điều gì đến sẽ phải đến, họ sẽ lựa chọn những món ăn tinh thần phù hợp hơn cho việc giải trí.
Tạo ra phiên bản nhí khiến chương trình đã loãng nay còn loãng hơn
Việc tạo ra thêm một phiên bản nhí để tăng thêm sức hút cho phiên bản người lớn dường như lại là một nước cờ sai lệch hoàn toàn của ban tổ chức "Gương mặt thân quen". Việc kết hợp một thí sinh nhí với một nghệ sĩ lớn trong một format có phần cũ kỹ khiến cho chương trình tạo cảm giác nhàm chán nơi khán giả. Ngoài ra, nguồn thí sinh đáng lẽ có thể xuất hiện ở phiên bản người lớn thì nay phải tham gia phiên bản nhí khiến cho số lượng thí sinh đã ít nay còn rơi vào tình trạng hao mòn.
Việt Nam thật sự không nhiều tài năng như những đất nước phát triển khác, việc nở rộ các show thực tế về thi thố tài năng càng khiến cho tất cả các chương trình "dắt tay nhau đi xuống". Không có nhân tố mới lạ, không có nguồn thí sinh dồi dào, lạm dụng khai thác các nhân tài một cách triệt để... đã khiến khán giả không còn chút hào hứng nào khi mở TV.
Kết:
Nếu muốn "Gương mặt thân quen" đổi format nhằm tạo sự mới mẻ cho khán giả thì dường như hơi khó vì dù sao chương trình cũng đang làm đúng theo phiên bản gốc của nước ngoài. Chương trình nào rồi cũng phải rơi vào tình trạng "bão hòa", gây nhàm chán nơi khán giả và "Gương mặt thân quen" cũng vậy. Thế nên, việc duy nhất nên làm có lẽ là đầu tư vào các tiết mục và tìm kiếm thí sinh chất lượng.
Nên nhớ rằng, một chương trình thành bại luôn luôn dựa vào chất lượng. Giả có hay hay không, bắt chước có giống hay không mới là điều mà khán giả trông đợi. Đây không phải là chương trình "vượt lên số phận", tìm kiếm cơ hội đổi đời... mà nên là sân chơi của những người thực sự có năng khiếu.