Cứ mỗi mùa thi, rất nhiều sinh viên đại học lại bắt đầu diễn cảnh ăn thư viện, ngủ thư viện, thức đêm thức hôm, đoạn tuyệt tất cả mọi trò chơi giải trí. Tranh thủ trong khoảng thời gian có hạn còn lại để hoàn thành một nhiệm vụ bất khả thi. Đó là thi cuối kỳ. Rõ ràng một học kỳ phải kéo dài trong rất nhiều tuần, nhưng thành tích học tập có thể chỉ quyết định bởi tuần cuối cùng hay thậm chí là 3 ngày. Có lẽ đó là điều thường thấy trong cuộc sống thanh xuân tuổi trẻ.
Bình thường chẳng bao giờ động sách vở, thời gian mỗi ngày chủ yếu dành cho giường và điện thoại. Ban ngày thì gật gà gật gù, tự động dính lấy chiếc giường như một thói quen. Ban đêm phấn khích lạ thường, đắm chìm vào trong vào trong những âm thanh vui nhộn của tiếng gõ bàn phím.
Thi thoảng lại buông đôi câu than vãn cuộc sống vô vị, nhàm chán. Nhiều lúc muốn tìm lại bóng hình "phấn đấu học tập" của những năm cấp 3, trước khi đi ngủ thề độc "từ mai nhất định phải tu chí học hành". Nào ngờ, hôm sau tỉnh dậy mới phát hiện thì ra lời thề độc chỉ là câu nói đùa với bản thân. Cả một học kỳ gần như ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ như kẻ nằm dài chờ chết.
Những ngày tháng như vậy có khác gì với già trước tuổi? Giống như những gì mà Bob Dylan người nhận giải thưởng Nobel văn học thế giới năm 2016 đã từng nói:
"Colleges are like old-age homes, except for the fact that more people die in colleges"
(Trường đại học giống như viện dưỡng lão. Mà trên thực tế có rất nhiều người đã "chết" ngay từ trong trường đại học).
Rõ ràng mới bắt đầu được ¼ cuộc đời, mới hơn 20 tuổi đầu mà lại sống như những người già 60, 70 tuổi. Giống như sớm bước vào trạng thái chờ chết. Trong giai đoạn thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời lại sống thành một kẻ béo phì chỉ biết chơi điện thoại. Nhiều lúc không thể phân biệt rõ chúng ta đang thực sự sống 365 ngày hay chỉ sống 1 ngày và không ngừng lặp lại nó 365 lần.
Trước kia có bao nhiêu người cặm cụi đèn sách thì bây giờ có bấy nhiêu người nằm trên giường và chơi điện thoại. Tư thế không đổi, chỉ thêm vài lời ca thán "tại sao cuộc sống của người khác ý vị tuyệt vời, còn cuộc sống của mình lại nhàm chán và tẻ nhạt đến vậy?". Thế nhưng tuyệt đại đa số mọi nỗi khổ của cuộc đời đều đến từ việc: "Thể xác thích theo dòng xoáy còn tâm hồn lại khao khát phi thường".
Nghĩ lại chúng ta những ngày đầu mới bước vào đại học, cũng đã từng hăng hái, đầy hoài bão chí lớn. Trước khi bước vào giảng đường đại học từng được tẩy não bởi câu nói "cố lên, vào đại học sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều". Nhưng bước vào đại học mới phát hiện tất cả chỉ là ảo tưởng. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết chúng ta đều thực hiện theo câu nói tẩy não đó một cách triệt để.
Vừa mới trải qua kỳ thi đại học cam go, tốt nghiệp vẫn là cụm từ khá xa vời. Cuộc sống đại học, thoát ly khỏi vòng tay quản lý của cha mẹ, được tận hưởng cảm giác tự do không bị quản thúc. Lựa chọn cuộc sống "tạm bợ" trong độ tuổi đáng lẽ ra bạn có thể định hình lại chính mình, rơi vào vũng lầy an toàn và ổn định trên bề mặt. Thờ ơ với mọi chuyện của thế giới bên ngoài. Vô hình trung coi đại học là mồ chôn tuổi xuân, điểm kết thúc của cuộc đời.
Chuyên ngành học hoặc là do bố mẹ chọn hoặc là tự mình chọn bừa. Không bao giờ cầu tiến trong thành tích thi cử, chỉ cần qua loa đại khái không bị nợ môn là được. Nghiễm nhiên lựa chọn cuộc sống yên ổn với hiện tại. "Sống là phải tận hưởng" dường như sớm đã trở thành lý do không thể phản biện nhất của trạng thái sống "an lạc" này.
Chẳng mấy chốc, nhiệt huyết tuổi trẻ bị bào mòn trong vũng lầy an toàn. Những mục tiêu và lý tưởng trước đó dường như biến thành câu chuyện của người khác. Ngoài việc thỏa hiệp về thể xác, tư tưởng cũng từng bước lão hóa, trở thành những cái xác không hồn, không ý thức tự chủ.
Chật vật lăn lộn tới năm thứ 3, thứ 4, nhìn mọi người xung quanh đều đang bận rộn với chuyên môn của họ, chợt phát hiện cuộc sống của mình sao lại bất kham đến vậy. Hiếu kỳ thử nghiên cứu tìm hiểu bản thân muốn gì? Tương lai như thế nào? Nhờ người khác tư vấn, hy vọng họ có thể nói cho bạn biết bạn muốn gì. Thế nhưng càng nghe lại càng thấy mơ hồ. Hoặc cũng có thể bắt đầu làm lại những việc trước kia mà bạn không thể làm, những việc trước kia mà bạn đã từng tìm đủ mọi lý do để phủ định chính mình.
Thi công chức? - Đâu có dễ như vậy? Đừng nói đến việc thi đỗ, dù có thi đỗ cũng không thể cạnh tranh được với những người có ô dù, có mối quan hệ.
Học nghiên cứu sinh? - Học ngành gì? Chọn trường nào? Những chuyên ngành hoặc trường học mà bản thân tâm đắc luôn có vô vàn những đối thủ cạnh tranh xuất chúng. 4 năm đại học chưa chắc đã qua nổi, nói gì đến nghiên cứu sinh.
Đi làm luôn? -Vất vưởng sống xót sau 4 năm đại học, CV một màu trong trắng, nộp cho các doanh nghiệp chẳng khác gì đá chìm dưới đáy biển, không thể tìm được việc, phải làm sao?
…
Trong khi nham thạch nhiệt huyết trong lòng chưa kịp phun trào đã bị cái nhìn, giọng nói của người khác vùi dập; Hoặc cũng có thể là tự mình trốn tránh khi phải gánh vác trách nhiệm hoặc làm những công việc vất vả. Dù là học nghiên cứu sinh, thi công chức hay đi làm… đều sợ hãi bản thân đi sai đường, sợ mình phải hối hận. Bất giác giậm chân tại chỗ, trì hoãn không dám bước qua những cửa ải đầu tiên, không dám vượt qua những bước đi đầu tiên.
Cuối cùng vừa kêu gào bản thân vô dụng, vừa không chịu cố gắng thay đổi, lại sợ bản thân không làm được việc gì ra hồn. Thoáng cái đã đến ngày tốt nghiệp, trong khi người khác chuẩn bị bắt đầu cho một hành trình mới, một bước ngoặt mới trong cuộc đời mới chợt nhận ra bản thân vẫn như đang ở vạch xuất phát, chạy theo trong vô vọng. Quay đầu lại nhìn mới thấy mình đã chết trong mùa xuân rực rỡ của 4 năm đại học. Không thể chống đỡ lại được sự lạnh lẽo của hai chữ "tốt nghiệp".
Thực ra không ai có thể bịt được đôi mắt hay trói được đôi chân của chúng ta. Cuộc sống và tương lai cũng chưa bao giờ vứt bỏ chúng ta. Chẳng qua là do chúng ta hài lòng với hiện tại, tự mình nhốt mình và tự mình buông bỏ mình quá sớm.
Không muốn đột phá, không muốn thử thách và trải nhiệm. Không có dũng khí, quyết tâm và sự nhẫn nại để chiến đấu đến cùng. Thay vào đó là phó mặc số phận, làm con rfối cho đời giật dây. Rõ ràng tầm thường chẳng có tài cán gì vẫn cố an ủi bản thân rằng "không có gì quý hơn sự bình thường". Cuối cùng khổ sở vùng vẫy đấu tranh giữa nỗ lực phấn đầu và an nhàn ổn định. Có những người đang sống nhưng lại đã "chết". Chết từ những năm 20 tuổi nhưng chôn cất lúc 70 tuổi.
Dĩ nhiên, cuộc sống nhiều năm, sinh tử khó lường, phải sống như thế nào trong những năm đại học mới không giống như sống trong viện dưỡng lão? Tham gia nhiều hoạt động tập thể? Cố gắng nâng cao năng lực bản thân? Hay thực tập nhiều?... Không ai có khái niệm rõ ràng về điều này cả.
Thế nhưng chúng ta phải hiểu rõ một điều rằng, nếu như thực sự phải sống trong viện dưỡng lão, đó là khi bạn đã thực sự già yếu, đã kết thúc cuộc đời sự nghiệp và phải thực sự đối mặt với bến cuối cuộc đời. Đại học luôn không phải là bến đỗ cuối cùng của chúng ta, mà chỉ là một điểm xuất phát khác của cuộc đời. Chúng ta buộc phải tỉnh táo và thấu hiểu sự thật này.
Dưỡng lão trong trường đại học, sống như những cái xác không hồn, không có ước mơ, để rồi khi về già lại hối hận bản thân đã lựa chọn "cuộc sống tạm bợ" trong giai đoạn tuổi xuân tốt đẹp nhất cuộc đời.
Nhà tâm lý học người Mỹ đã từng nói rằng: "Tuổi đôi mươi có những điểm tốt nhưng đồng thời cũng có những điểm xấu. Xấu ở chỗ mỗi quyết định mà bạn đưa ra lúc này sẽ làm thay đổi cả cuộc đời còn lại của bạn".
Hy vọng chúng ta những người còn kém cỏi về năng lực đừng giậm chân tại chỗ. Đừng vội "chết" trong lúc tuổi xuân xanh của cuộc đời.