Gửi các bạn luôn hỏi "Đồng tính có gì tự hào mà phải diễu hành VietPride ồn ào hàng năm?"

Minh Đức - Ảnh: Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 06:56 29/08/2018
Chia sẻ

Nếu đấy là câu hỏi của bạn hay của bất cứ ai đang đọc bài viết này, hãy để tôi - một người đồng tính không có gì quá nổi bật trả lời cho bạn. Điều mà người ta thực sự TỰ HÀO là gì.

Cứ đến hẹn lại lên, vào khoảng tháng 8-9 hàng năm, Vietpride lại được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiểu nôm na, đó là một sự kiện dành cho cộng đồng LGBT trên cả nước. 

“VietPride” - cái tên được lấy cảm hứng từ các chương trình, sự kiện Gay Pride trên toàn cầu mà khởi nguồn của nó chính là nước Mỹ. Pride Month (tháng tự hào), Pride Parade (diễu hành tự hào) hay Taiwan Pride… đều là những sự kiện mà bạn có thể vô tình bắt gặp ở đâu đó trên báo. Không khí cũng tưng bừng như một lễ hội vậy; cờ hoa nhạc và cả nhiều hoạt động ý nghĩa khác nữa.

Ngày hội tự hào LGBTI+ ở Sài Gòn: Những khoảnh khắc đáng nhớ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ rợp cờ cầu vồng - Thực hiện: Hoàng Long/ Kingpro

Nhưng có một bộ phận không nhỏ người dị tính không thích mấy sự kiện này. Ban đầu là họ cấm đoán, bôi xấu, dè bỉu đả kích. Họ còn lập những sự kiện như “Ngày dị tính”, “Straight Pride” (Tự hào là “trai thẳng”) để bỡn cợt, đùa giỡn những tuần lễ Pride của cộng đồng LGBT. 

Gửi các bạn luôn hỏi Đồng tính có gì tự hào mà phải diễu hành VietPride ồn ào hàng năm? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, đến khi các sự kiện cộng đồng dần nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người hơn, cánh xấu tính lại chuyển sang công kích bằng cách khác; ra điều cấp tiến và hiểu biết. Câu chuyện kiểu như này.

“Nếu các bạn LGBT muốn được bình đẳng, tại sao lúc nào cũng làm quá lên với những thứ TỰ HÀO, hoạt động này hoạt động kia?

Có phải vì các bạn LGBT luôn cho rằng mình là đồng tính hay song tính thì có gì đặc biệt hơn người khác nên TỰ HÀO?”.

Thứ nhất, những người LGBT không “muốn được” - đó không phải là món đồ chơi mà một đứa trẻ con nhõng nhẽo muốn, rồi bắt ai đó phải cho chúng nó bằng được. Bình đẳng là quyền mà những người LGBT có cũng như tất cả nhóm người khác trong xã hội. Họ không khao khát mà chỉ đang lấy lại thứ vốn thuộc về mình, quyền mà nhiều người tước đi rồi giữ khư khư như đặc quyền của riêng mình.

Thứ hai, không ai “tự hào” vì là người đồng tính, song tính hay chuyển giới cả. Cũng giống như việc bạn khen một anh chàng đồng tính giỏi nghệ thuật hay cô gái chuyển giới nấu ăn khéo, nói chuyện nhẹ nhàng rằng: “Cậu giỏi thật đấy, đúng là đồng tính/chuyển giới có khác”; sự dí dỏm và vô duyên đôi khi chỉ cách nhau gang tấc và trong trường hợp này, nó chạy thẳng về điểm cuối của vô duyên. Đó không khác gì một hình thức phân biệt giới tính hay sự phủ nhận nỗ lực của một con người; họ giỏi vì họ có năng lực,có sự cố gắng chứ không phải vì họ đồng tính/dị tính.

Gửi các bạn luôn hỏi Đồng tính có gì tự hào mà phải diễu hành VietPride ồn ào hàng năm? - Ảnh 3.

Vậy, chúng tôi tự hào vì điều gì? Chữ PRIDE luôn viết in hoa, to đậm đấy minh chứng cho điều gì?

Chúng tôi không tự hào vì mình là người LGBT, chúng tôi tự hào vì mình đã vượt lên định kiến mà sống.

Giữa một xã hội mà những định kiến còn bén rễ sâu vào trong suy nghĩ của mỗi người, không kể những người lớn tuổi mà cả các bạn trẻ của gen Y, gen Z; được sống là chính mình không phải một điều đơn giản. Một xã hội bình đẳng không đồng nghĩa với việc ai cũng có hạnh phúc, huống chi là một xã hội còn nhiều sự kỳ thị. Bạn không cần một giây nào để thú nhận với bố mẹ rằng “à, con dị tính bố mẹ ơi” nhưng biết sao không, có người đánh đổi cả tuổi thanh xuân chỉ để nói: “Bố mẹ ơi, con đồng tính”. Thậm chí, có người còn ôm nó đi đến tận cuối đời.

“Có một đám người trai không ra trai, gái không ra gái trên phố; trông chẳng ra đâu vào đâu”, người ta vẫn ném những câu nói như vậy vào đám đông của VietPride. Họ thấy một đám người kỳ dị trên phố, tôi thấy một cuộc đời, chính xác hơn là những trang sách về nhiều cuộc đời mà nếu chịu khó hiểu, bạn sẽ thấy nó không thua gì nhiều câu chuyện tấm gương vượt khó. Hãy hỏi 10 người đồng tính bất kỳ rằng đã bao giờ họ thấy tổn thương, trầm cảm, thấy dằn vặt với chính mình, thấy ngột ngạt hay tiêu cực hơn là muốn tự tử, tôi có thể cam đoan là không dưới 8 người đã từng trải qua những cảm giác ấy.

VietPride hay bất cứ Pride nào trên toàn thế giới, người ta cũng mong sẽ thay đổi được suy nghĩ của cộng đồng.

Họ không xuống phố để nói “này, nhìn tôi đi mọi người, tôi đồng tính và tôi tự hào lắm!”. Bộ quần áo ấy là một sự dũng cảm, nụ cười ấy là bao lần gắng gượng và niềm vui ấy có thể che đi bao nỗi đớn đau của những lần tiêm hormone, phẫu thuật.

Lần hồi về lại lịch sử của những tuần lễ hay ngày tự hào, không ai có thể quên câu chuyện tại nước Mỹ. Tháng 6 được chọn là tháng tự hào LGBT tại Mỹ đầu tiên nhằm kỷ niệm cuộc đấu tranh của những thành viên cộng đồng LGBT với phía cảnh sát diễn ra tại StoneWall, New York, Mỹ vào năm 1969. Kể từ đó, phong trào đấu tranh về quyền của người LGBT phát triển mạnh hơn tại đất nước này rồi lan ra toàn thế giới. Đó không phải ký ức trong tiếng nhạc, điệu nhảy; người ta thấy xung đột, đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT. Dù câu chuyện buồn ngày xưa không còn nhưng những cuộc đấu tranh trong tư tưởng, trong nhận thức vẫn còn tới tận ngày nay. Có lẽ với tôi, Vietpride hay bất cứ Pride nào trên toàn thế giới, người ta cũng mong sẽ thay đổi được suy nghĩ của cộng đồng.

Gửi các bạn luôn hỏi Đồng tính có gì tự hào mà phải diễu hành VietPride ồn ào hàng năm? - Ảnh 5.

Những người LGBT mong muốn có đươc sự bình đẳng như tất cả nhóm người khác trong xã hội.

“Khi nào còn hô khẩu hiệu TỰ HÀO, khi đó sẽ còn kỳ thị” - câu nói có thể làm tổn thương bất cứ người LGBT nào, như một sự kỳ thị công khai; trách người ta hiểu chưa tới hay trách cộng đồng chưa làm sao để mọi người hiểu?

Nghịch lý thay, chừng nào còn kỳ thị, người ta sẽ còn hô vang những khẩu hiệu như vậy. Sự kỳ thị vẫn cứ âm thầm như dịch bệnh, ngay cả tại quốc gia đã hợp thức hóa hôn nhân cùng giới như Mỹ, cái tư tưởng “đồng tính là sai, song tính là sai, chỉ có dị tính đúng” vẫn tồn tại, ở một góc nào đó. Tại những nước châu Á với tư tưởng khép kín, có lẽ sẽ cần một bước đi dài thật dài.

Nếu hỏi tôi Vietpride hay các tuần lễ Pride khác có mục đích gì, tôi không nghĩ rằng đó chỉ là sự kiện để cộng đồng cố gắng thay đổi suy nghĩ của đám đông kỳ thị. Với cá nhân tôi, Vietpride là sự kiện để mọi người khích lệ nhau dám sống một cuộc sống không có trong thường nhật; được thoải mái là chính mình, không còn sự kỳ thị và hằn học. Một đám đông không sợ hãi sẽ là một đám đông chiến thắng. Khi những cánh tay cùng đan chặt và đồng lòng cho hạnh phúc của bản thân, chắc chắn sẽ có phép màu xảy đến mà thôi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày