Nhắc đến người chuyển giới, trong tâm trí của số đông vẫn hằn rõ những hình ảnh không mấy tích cực, tươi sáng. Cứ là người chuyển giới thì sẽ phải trông nhếch nhác, lôi thôi một tí, nói chuyện bằng cái giọng the thé khó chịu nghe xong chỉ muốn tránh xa. Rồi thì người chuyển giới sẽ sống trong những căn nhà cấp 4 lụp xụp với ánh đèn lập loè. Và cả cái suy nghĩ cho rằng ai chuyển giới xong cũng muốn đi làm ca sĩ hát hội chợ hay mua vui ở đám ma, đám cưới.
Nhưng nếu có đủ thời gian tìm hiểu và tiếp xúc với những con người này, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống của họ thật ra cũng giống như bao người khác. Ừ thì họ có một “dị bản" khác hẳn so với sự mong đợi từ xã hội, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ sẽ là một chuỗi những ngày đau thương, không lối thoát, không tương lai như nhiều người vẫn tưởng.
Rất nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ đang có được một cuộc sống theo đúng như ý muốn của mình. Họ vui vẻ, tự tin, biết mình là ai trong xã hội. Họ tận hưởng trọn vẹn thanh xuân, không chút tiếc nuối, không để những lời gièm pha của người đời bóp chết tư tưởng bên trong.
Nhân ngày 20/10, chúng tôi muốn mang đến một câu chuyện khác hơn về những “người phụ nữ” này. Họ là 3 trong số vô vàn những người đã, đang và sẽ chuyển giới tại Việt Nam. Mỗi người một độ tuổi, một cuộc sống, một ước mơ khác nhau nhưng đều có chung một điểm là chưa bao giờ ngừng vươn lên để được sống như những người phụ nữ thực sự.
Người đầu tiên mà chúng tôi gặp, đồng thời cũng là người trẻ nhất trong số 3 nhân vật chính là Tây Hà - cô gái 24 tuổi đang trong quá trình “hoàn thiện bản thân". Hà tiếp đón chúng tôi trong một căn hộ chung cư xinh xắn nằm tại quận Tân Phú, TP.HCM.
Dù cơ thể còn “vương vấn” vài đường nét của một cậu thanh niên nhưng khi ngồi trò chuyện với Hà, chính sự nhẹ nhàng trong cách chia sẻ cùng những suy nghĩ lúc thì tinh tế, lúc thì ngây thơ đã khiến chúng tôi cảm nhận được cái nữ tính đến trong từng tế bào, từng hơi thở của cô gái này.
Cũng giống như bao người chuyển giới khác, tuổi thơ của Hà là những tháng ngày phân vân về con người thật của chính mình. Hà nói rằng vì ngày xưa ở dưới quê, thông tin còn hạn hẹp nên có biết chuyển giới là gì đâu, chỉ biết mình thích mặc váy, thích tết tóc và có tình cảm với các bạn nam mà thôi. Người ta quen gọi Hà là “bê đê", là “bóng lải cái". Hỏi Hà có buồn không, cô nàng cười hì hì bảo nghe riết thành quen, bê đê cũng dễ thương mà, việc gì phải buồn.
18 tuổi bắt đầu sống xa nhà, với người bình thường đã là một khó khăn, với một người luôn mang trong mình ước mơ được chuyển giới lại là một câu chuyện khác. Nhưng Hà may mắn gặp được những người bạn cùng phòng rất tốt. Từ lúc chân ướt chân ráo bước vào Sài Gòn cho đến khi đã trở thành một cô gái của tuổi 25, lúc nào bên cạnh Hà cũng có những cậu bạn thân ấy kề vai sát cánh. “Hồi đó mình là con trai nên ở chung một phòng thì thoải mái, không cả nể gì. Đến lúc Hà bắt đầu để tóc dài, mặc váy và có những đường nét con gái thì mấy bạn biết giữ ý giữ tứ, mỗi khi thay đồ đều nói mình quay đi chỗ khác hoặc chủ động vào nhà vệ sinh. Tuổi trẻ của Hà đáng nhớ là nhờ có những người bạn này.”
Phân vân một hồi, chúng tôi quyết định hỏi Hà về chuyện tình cảm - một chủ đề khá nhạy cảm với người chuyển giới. Không chút giấu diếm, Hà chia sẻ rằng bản thân mình từng yêu rất nhiều người, chỉ có điều tất cả đều là đơn phương. Nhưng điều đó không làm Hà chùn bước. Với cô gái trẻ này, không có khái niệm “ban ơn" hay thoả hiệp với những mối quan hệ tạm bợ, chắp vá. “Người mà Hà quen sau này nhất định phải là một người hiểu, chấp nhận và tôn trọng mình. Nếu không tìm được người phù hợp thì ở vậy cho rồi.”
Sự nữ tính của Hà toát lên từ chính những cử chỉ nhỏ, mà dễ thấy nhất chính là việc cô nàng không ngừng vuốt ve mái tóc của mình. Cô nàng trân quý mái tóc như một báu vật vì “nuôi cực khổ lắm chứ đâu dễ dàng mà có được.” Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên mà Hà phải làm đó là ngắm nhìn mình trong gương với mái tóc suôn dài. Ừ thì tóc thôi mà! Nhưng đâu ai hiểu chính mái tóc là lời tuyên ngôn âm thầm nhưng rõ ràng nhất của một người chuyển giới, rằng: “Nhìn xem! Tôi là một người phụ nữ đích thực!”.
Nói về ước mơ của mình, Hà “bắt" chúng tôi không được cười, vì ước mơ lớn nhất của Hà chính là được làm… Hoa hậu. Dù từng bị bạn bè chê cười khi nói ra điều này nhưng suốt bao năm qua, đó vẫn là một ước mơ rất nghiêm túc và chân thành. Hà khoe chúng tôi chiếc vương miện Á Hậu trong một cuộc thi sắc đẹp dành cho cộng đồng LGBT. “Giờ là Á, mốt là Hoa!” - cô nàng nửa đùa nửa thật.
Là trưởng nhóm của một nhóm những người chuyển giới, Jessica chính là đầu mối quan trọng giúp chúng tôi đến được với hai nhân vật còn lại. Và bản thân chị cũng là một câu chuyện, một bức tranh thú vị khác về người chuyển giới.
Sở hữu ngoại hình xinh đẹp, lung linh với một giọng nói ồm ồm rất đặc trưng - đó là ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi gặp Jessica. Chị tự nhận mình vốn yểu điệu từ nhỏ. Mới 3, 4 tuổi, chị đã biết mình mang tâm hồn của một người con gái. Lớn hơn một chút, cái suy nghĩ đó càng rõ ràng. “Cấp 1, cấp 2, đừng hòng mà chị chơi ba cái trò bạo lực giống tụi con trai. Đổ mồ hôi là phải lau liền, không được để lâu. Đi học tóc tai phải chải ngôi ngay thẳng, sáng bóng. Quần áo là lượt tử tế chứ có chết cũng không mặc áo nhăn nha haha.”
Cười nói vô tư là thế nhưng hoá ra để có được ngày hôm nay, chị cũng đã phải trải qua rất nhiều chông gai. Trước khi đến được với những công việc ổn định, Jessica đã từng đi hát show, làm tóc mướn, buôn bán đủ thứ… chỉ để có tiền trang trải qua ngày. Rồi cả những lúc cảm thấy chán ghét cơ thể mình, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nung nấu ý định chết quách cho rồi vì xung quanh không có ai ủng hộ.
Sau một thời gian đấu tranh, chị quyết định mình phải trở thành một người phụ nữ. “Trước khi chuyển giới phải tiêm hooc-môn nữ. Lúc mua về được mừng lắm. Ai dè tiêm lần đầu thì bị sốt, co giật, sợ quá khóc luôn.” Tiếp đó, chị bồi hồi kể về quá trình chuyển giới của mình. Nếu ghi chép lại cặn kẽ từng chi tiết một ra đây, chắc hẳn nhiều người đọc xong sẽ ngất xỉu mất. Nhưng để gói gọn lại hành trình tìm kiếm bản thân, chị Jessica chỉ nói vỏn vẹn: “ừ thì đau rồi sẽ qua!”.
Cũng trong những lúc đau đớn nhất, chị tìm được tình yêu của đời mình. Đó là người đàn ông đã chọn ở lại, yêu thương một người phụ nữ đã từng gặp nhiều va vấp. Đến nay cả hai đã bên nhau được gần 3 năm.
Nói về những gì mình đang có ở thời điểm hiện tại, Jessica chia sẻ: “Chị tự tin với cuộc sống của mình. Chị có thể không hoàn hảo nhưng chị yêu cơ thể và khuôn mặt này. Chị thích cảm giác được mặc những chiếc đầm đẹp rồi bước ra ngoài. Chị thấy mình rất may mắn.”
Bên cạnh những khó khăn mà mọi người chuyển giới đều gặp, Jessica nửa đùa nửa thật rằng với hình hài này, nhiều khi người ta ấn tượng về mình mãi. “Lần đầu đi làm những thứ liên quan tới giấy tờ đúng là khó thiệt. Nhưng mà một lần là nhớ mãi mãi về sau. Bây giờ mỗi lần quay lại những chỗ cũ, người ta thấy mình xong còn ồ lên “ủa Jessica đó hả em?” rồi còn ưu tiên giải quyết cho mình nữa.
Những lúc mình đi làm phim, nhiều khi diễn viên chính còn không được mời đồ ăn nhiều bằng chị đó nha! Hết người này lại đến người kia mời. Đồ ăn một đống không ăn hết luôn. Ai nói làm người chuyển giới là chỉ toàn gặp khó khăn chứ.”
Không chỉ tìm được một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ cho riêng mình, chị Jessica còn là một nhà hoạt động cộng đồng, đóng góp một phần rất lớn vào việc bảo vệ cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Nhiều năm liền, chị đã đại diện Việt Nam phát biểu trong hội nghị giữa các nước trên thế giới về đồng tính, chuyển giới.
“Trong cuộc đời, chẳng ai muốn phải để dao kéo đâm xuyên qua người hay uống thuốc thay cơm. Nhưng những người chuyển giới phải chấp nhận xài thuốc suốt cuộc đời, phải đem thân mình lên bàn mổ, để người ta mổ xẻ đủ thứ. Vì sao? Vì những người như tôi muốn sống thật với bản thân mình. Cảm giác phải sống trong một hình hài không phải của mình nó đau đớn lắm. Bây giờ tôi có thể chết đói, già nua, bệnh tật. Nhưng ít nhất tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã được sống thật với bản thân” - đây là một phần nội dung trong phần phát biểu của chị Jessica tại Quốc hội. Ngày hôm đó, đã rất nhiều người rơi nước mắt khi nghe phần chia sẻ này. “Lúc đó, chị biết rằng mình đã thành công.”
“Đây là cái nhà hay cái lâu đài vậy?” - ekip chúng tôi đã phải thốt lên như vậy khi lần đầu đến nhà của chị Tuyết, nhân vật cuối cùng trong dự án này. Cơn mưa tầm tã khiến cuộc gặp gỡ bắt đầu trễ hơn dự kiến, 11h30 tối, chị Tuyết ân cần trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà khang trang, ấm cúng.
Chị Tuyết chuyển giới vào năm 33 tuổi - tức trễ hẳn 13 năm so với độ tuổi trung bình và phù hợp nhất cho sự thay đổi lớn này. “Chị là một trong những người Việt Nam đầu tiên sang Thái chuyển giới đó. Khoảng năm 2004-2005 Việt Nam bắt đầu mở cửa, mình mê quá nên vừa nghe tin là gom hết tiền bạc qua Thái làm liền. Chẳng có thông tin gì trong tay, chẳng quen biết ai. Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là ước mơ, là cuộc đời của mình, mình phải làm. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy liều quá.”
Sáng là thanh niên quần áo chỉnh tề làm trong nhà nước, tối về trang điểm mặc váy đi chơi với bạn bè - đó chính là cuộc sống của chị Tuyết khi còn trẻ. Là một người học hành giỏi giang, được mọi người nể trọng và có vị trí ổn trong xã hội nên việc “sống thật" của chị cũng gặp không ít gian nan. Cụ thể nhất là ở lần đầu tiên phẫu thuật, chị chỉ dám dao kéo bộ phận sinh dục chứ không dám làm phần trên vì sợ đi làm sẽ phát hiện. Hơn 10 năm được đào tạo để trở thành một nhân viên cấp cao, đến lúc có được vị trí mà nhiều người mong ước thì chị Tuyết quyết tâm dứt áo ra đi để sống theo cách mình muốn, mặc kệ sự cấm cản từ xung quanh.
Chị Tuyết nói chuyện rất từ tốn, bình thản, tựa như một người đã trải qua đủ những sóng gió mà cuộc đời ban tặng và giờ đang ngồi hồi tưởng lại câu chuyện của chính mình. Sinh ra trong thời điểm mà khái niệm LGBT ở Việt Nam gần như chưa xuất hiện nhưng chị Tuyết chưa bao giờ rụt rè, e sợ bản ngã của mình. “Chị có ăn có học đàng hoàng, sống tử tế, không làm hại ai nên mình tự tin lắm. Ra đường người ta nói gì, kệ! Chị không sợ gì hết. Cứ thế sống như một người bình thường. Nhờ vậy mà chị đã vượt qua hết mọi thứ và có được ngày hôm nay. Bây giờ nếu ra đường có ai gọi chị là bê đê thì chị chỉ cười thôi. Để cho người ta tự ngẫm nghĩ và thấy xấu hổ về bản thân mình.”
Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất về người phụ nữ 46 tuổi này đó là chuyện tình cảm của chị. Chị và anh nhà gặp nhau khi cả hai còn rất trẻ, chỉ vừa đôi mươi, và tất nhiên khi đó chị Tuyết vẫn mang hình hài của một chàng thanh niên. Hai người yêu nhau hơn 10 năm rồi mới tiến tới hôn nhân. Hoàn cảnh gặp gỡ thì vô cùng buồn cười. Anh làm ở một quán cơm gần nơi chị Tuyết làm, một hôm chị (lúc này vẫn đang trong hình hài con trai) đi ăn cùng cô bạn, người bạn này thích anh quá nên nhờ chị làm “bà mai” hẹn hò. Đến ngày hẹn thì người bạn kia cáo bận, vậy là hai người đành đi chung với nhau, một bữa, rồi hai bữa, tình cảm cứ thế nảy nở và gắn kết một cách rất tự nhiên.
Chị Tuyết không ngừng tự hào khi kể về người đàn ông của đời mình. Niềm hạnh phúc ấy lớn đến nỗi đang chia sẻ giữa chừng, chị Tuyết bất ngờ vào phòng và mang ra hơn 10 album ảnh cưới của mình để khoe với chúng tôi. “Chị nè, còn đây là ổng. Hồi đó ổng đẹp trai nên nhiều gái theo lắm nhưng cuối cùng ổng vẫn chọn chị. Ổng nói là tại thấy chị chân thật, biết suy nghĩ nên cứ thương hoài, thương hoài vậy đó.”
Sau nhiều năm gắn bó thì cách đây vài tháng, em bé đầu lòng của cả hai cũng đã được chào đời nhờ phương pháp mang thai hộ. Từ ngày có em bé, cuộc sống của chị Tuyết bận rộn hơn. Công việc bình thường vốn đã chiếm gần hết thời gian, giờ có thêm em bé nữa nên không lúc nào ngơi nghỉ. Nhưng với chị Tuyết, đó là một niềm hạnh phúc.
Vượt qua bao chông gai cuộc sống, giờ đây ở tuổi trung niên, chị Tuyết đã có một cơ ngơi đáng nể, một người chồng thương yêu mình hết mực và cả một em bé kháu khỉnh - làm một người phụ nữ, còn có thể đòi hỏi điều gì được nữa chứ?
Với dự án lần này, chúng tôi không muốn làm một sản phẩm với mục đích kể khổ hay khắc hoạ những khó khăn, bất cập trong cuộc sống của những người chuyển giới mà thay vào đó sẽ là một bức tranh khác về họ: đẹp hơn, sống động hơn và cũng ngập tràn niềm hy vọng.
Giờ đây, hãy ngừng tỏ lòng thương hại, tiếc nuối với những người chuyển giới. Thứ mà họ cần chính là sự công nhận cũng như một lời chúc mừng. Vì sao ư? Vì hôm nay là ngày 20/10. Và họ - những người phụ nữ này xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp hơn bất kì ai.