Cộng đồng LGBT phản ứng khi “Táo quân 2018” gọi nhân vật Bắc Đẩu là "bọn phụ nữ một nửa"

Thục Hạnh - Hòa Hòa - Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 21:54 22/02/2018
Chia sẻ

Với những câu thoại như "Con chi sống trên Trời không phải nữ cũng chẳng phải nam" hay "bọn phụ nữ một nửa"... khi nói về nhân vật Bắc Đẩu, chương trình "Gặp nhau cuối năm 2018" của VTV đang gặp phải những tranh cãi cho rằng đã miệt thị cộng đồng LGBT.

Bắc Đẩu bị gọi là "bọn phụ nữ một nửa, đồ hifi”

Chương trình "Gặp nhau cuối năm" (Táo Quân) của Đài truyền hình Việt Nam từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều gia đình vào mỗi tối 30 Tết. Không chỉ thu hút khán giả qua những tình huống hài hước, phản ánh sâu cay nhiều mặt của xã hội, "Táo quân" còn ghi dấu ấn bởi đội ngũ diễn viên gắn liền với những vai diễn làm nên tên tuổi của chương trình.

Một trong những vai diễn luôn được khán giả tò mò chờ đón mỗi năm của "Táo quân" chính là Bắc Đẩu do diễn viên Công Lý thủ vai. Bắc Đẩu trước nay chưa hề một lần được công khai giới tính, nhưng tạo hình nhân vật này mỗi năm lại càng thêm duyên dáng, dần dà được gọi luôn là "cô Đẩu".

Cộng đồng LGBT phản ứng khi “Táo quân 2018” gọi nhân vật Bắc Đẩu là bọn phụ nữ một nửa - Ảnh 1.

Bắc Đẩu đầy nam tính trong năm đầu tiên lên chầu trời (2003).

Cộng đồng LGBT phản ứng khi “Táo quân 2018” gọi nhân vật Bắc Đẩu là bọn phụ nữ một nửa - Ảnh 2.

Sau 15 năm, Bắc Đẩu đầy nữ tính bên cạnh Ngọc Hoàng và Nam Tào.

Việc xây dựng nhân vật Bắc Đẩu đã tạo được nhiều ấn tượng và tiếng cười cho chương trình. Tuy nhiên cũng xoay quanh nhân vật này, chương trình "Táo quân 2018" đã gặp phải không ít tranh cãi, cho rằng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

Cụ thể, "cô Đẩu" bị đem ra làm trò cười khi Táo Tự Long trả lời câu hỏi của Nam Tào: "Con chi sống trên Trời không phải nữ mà cũng chẳng phải nam, là con Bắc Đẩu kia". Bắc Đẩu thậm chí còn bị Tự Long gọi là "bọn phụ nữ một nửa". Ngoài ra, nhân vật Nam Tào còn diễn dịch ý của Táo Quy hoạch cho Bắc Đẩu: "Ý câu vừa rồi là Đẩu không thẳng, Đẩu là đồ hifi ấy".

Clip tổng hợp những phân cảnh có nhiều ngôn từ miệt thị cộng đồng LGBT trong chương trình "Gặp nhau cuối năm" 2018. 

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Viện iSEE và Trung tâm ICS vừa có thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm. Trong thư, họ cho hay:

"Trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) luôn là đối tượng bị chương trình Gặp nhau cuối năm mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại. Nhân vật Bắc Đẩu luôn được đem ra gây cười về vấn đề giới tính".

Với những lập luận trên, Viện iSEE và Trung tâm ICS cho biết họ phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này.

Cộng đồng LGBT phản ứng khi “Táo quân 2018” gọi nhân vật Bắc Đẩu là bọn phụ nữ một nửa - Ảnh 4.

Phản hồi của Viện iSEE và Trung tâm ICS được đăng tải trên Facebook khiến dư luận quan tâm.

"Chúng tôi đồng ý cuộc sống luôn cần sự hài hước và tiếng cười, chương trình giải trí trên truyền hình là cần thiết; nhưng chúng tôi không cho rằng miệt thị người khác, làm tổn thương cộng đồng yếu thế là sự hài hước và nhân văn".

Trước phản ánh của Viện iSEE và Trung tâm ICS về chương trình "Táo quân 2018", nhiều người đã để lại ý kiến của mình. Trong đó có những bình luận đồng tình, cho rằng chương trình có nhiều "hạt sạn" đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng LGBT.

Anh T.A đồng tình với ý kiến trên: "Mình cũng thấy nhiều câu thoại hơi lố khi nói về Bắc Đẩu, chưa kể Bắc Đẩu mỗi năm càng được tạo hình thêm diêm dúa, tính tình càng đỏng đảnh. Việc này vô hình chung đã gây cho công chúng ấn tượng không tốt, thậm chí là phản cảm về cộng đồng LGBT".

Cộng đồng LGBT phản ứng khi “Táo quân 2018” gọi nhân vật Bắc Đẩu là bọn phụ nữ một nửa - Ảnh 5.

Năm 2016, "Cô Đẩu" xuất hiện với hình ảnh xinh đẹp và duyên dáng.

Bên cạnh đó nhiều người lại nghĩ, việc mang nhân vật Bắc Đẩu ra làm trò cười chỉ mang tính hài huớc, phản ánh những cách nghĩ thành kiến với cộng đồng LGBT trong xã hội hiện đại, không hề có ý miệt thị, xúc phạm.

Chị T.Đ chia sẻ: "Thực ra riêng Táo Quân mình thấy chương trình chỉ đang phản ánh những thực tại còn xảy ra trong xã hội chứ không phải có ý miệt thị gì. Xã hội vẫn còn rất nhiều người có cái nhìn lệch lạc về LGBT và Táo quân cũng chỉ phản ánh lại về những "hạt sạn" này".

"Đằng sau tiếng cười là sự tổn thương đối với rất nhiều người"

Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh Huỳnh Minh Thảo - Giám đốc truyền thông của Trung tâm ICS.

Cá nhân anh và các bạn trong cộng đồng LGBT cảm thấy như nào sau khi xem một vài phân cảnh có nhiều ngôn từ mang tính miệt thị trong chương trình "Gặp nhau cuối năm" vừa rồi?

Tôi không thể nhớ hết tất cả những câu thoại của các tập Táo Quân ở những năm trước, nhưng nhớ mỗi lần nhân vật này xuất hiện thì đều là đề tài bàn tán về cách ăn mặc, trang điểm, làm lố trên sân khấu. Tuy vậy, phải đến năm nay, giọt nước mới tràn ly, khi nhân vật Bắc Đẩu liên tục bị trêu chọc, bêu rếu tấn công về ngoại hình của mình.

Tôi nhớ cảm xúc của mọi người sau khi chương trình phát sóng là thảng thốt, rất nhiều bạn nhắn tin cho tôi bảo là em cảm thấy hơi bất ngờ vì Táo Quân năm nay lại tấn công, trêu chọc về giới tính và hình thể của người khác đến vậy.

Có bạn than phiền: "Một chương trình phát sóng đài Quốc Gia mà còn như thế thì xã hội kỳ thị hay định kiến người chuyển giới thì cũng không khó hiểu"... Sau đó, tôi tìm mọi cách để xem lại và cũng có cảm giác tương tự. Mặc dù không thể chối cãi tính giải trí và rất nhiều nội dung được đầu tư khác của chương trình, nhưng việc đem hình thể, bản dạng giới của người khác ra trêu chọc là việc không nên..

Cộng đồng LGBT phản ứng khi “Táo quân 2018” gọi nhân vật Bắc Đẩu là bọn phụ nữ một nửa - Ảnh 6.

Cũng trong năm 2016, cô Đẩu thay trang phục màu hồng nhẹ, cách điệu phần tay áo rất "hợp thời".

Anh đánh giá vai trò của truyền thông như thế nào trong việc định hướng suy nghĩ của mọi người về cộng đồng LGBT trong xã hội hiện đại?

Việt Nam là một trong số những quốc gia Châu Á đang trên tiến trình thừa nhận quyền của cộng đồng LGBT một cách rất tích cực. Điều này chứng minh qua hàng loạt những tín hiệu từ pháp luật, xã hội, sự phát triển và cởi mở của truyền thông, giải trí và cả những cam kết quốc tế.

Trong những buổi họp quan trọng của Liên Hiệp Quốc, đại diện Việt Nam luôn bỏ phiếu ủng hộ cho các tiến trình bình đẳng của cộng đồng LGBT. Tuy vậy, nhận thức xã hội không thể một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được. Điều này cần sự chung tay của rất nhiều bên từ cộng đồng LGBT, những nhà nghiên cứu, giáo dục... và đặc biệt là những cơ quan truyền thông.

Một tín hiệu phát ra từ các cơ quan truyền thông uy tín có thể sẽ mang lại tích cực hay ngày càng khắc sâu hơn những định kiến với cộng đồng LGBT và cả những nhóm yếu thế khác. Dù phía trước còn rất nhiều mục đích, chúng tôi vẫn luôn hy vọng và xem đó là điều đúng nên làm.

Vậy theo anh, sự hài hước của một tiểu phẩm, chương trình nên được lồng ghép như thế nào để tránh tổn thương cho những đối tượng vô tình được nhắc đến?

Nếu nhìn xa hơn, chúng ta sẽ dần thấy những dạng gây cười bằng hình thức miệt thị về hình thể, xu hướng tính dục, bản dạng giới, sắc tộc, đặc điểm cá nhân... đang ngày một giảm đi ở hầu hết các nền văn hóa tiến bộ khác trên thế giới. Thay vào đó, tiếng cười sẽ được đầu tư để xoáy sâu vào những thói hư tật xấu, những điều chưa tốt của xã hội.

Không chỉ là giới và tính dục mà việc bạn mập, ốm, xấu, đẹp, khuyết tật, lạ lùng... cũng không nên đem vào làm trò cười cho bất kỳ ai. Có thể chúng ta từng vô tình bật cười vì những lời trêu đùa như vậy, nhưng nếu bạn hiểu đằng sau tiếng cười đó sẽ là những ám ảnh, sự tổn thương của rất nhiều người khác, tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ phải suy nghĩ lại. Một xã hội nhân văn thì cách "hài hước" cũng nên được điều chỉnh để ngày càng nhân văn hơn, không đẩy ai lại phía sau.

Tối cùng ngày, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với đạo diễn Táo Quân Đỗ Thanh Hải tuy nhiên ông chưa có phản hồi.

Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) là một tổ chức khoa học và công nghệ tư nhân. iSEE công bố tôn chỉ hoạt động vì quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội, nhằm hướng đến một xã hội văn minh, thịnh vượng, tự do, bình đẳng, nơi mọi người được đối xử công bằng và những giá trị nhân bản được tôn trọng.

Trung tâm ICS – Tổ chức tư nhân thúc đẩy và bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới, đa dạng giới và tính dục Việt Nam, có sứ mệnh liên kết và xây dựng cộng đồng LGBTIQ sống tích cực, vận động và bảo vệ quyền của cộng đồng LGBTIQ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày