Lợi dụng nhu cầu bảo vệ sức khỏe
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến nhất trong các bệnh ung thư ở cơ quan sinh dục nữ, và vắc xin HPV được coi là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa căn bệnh này. Lợi dụng việc nhu cầu tiêm vắc xin cao nhưng nguồn cung hạn chế, nhóm tội phạm đã lợi dụng tình trạng thiếu vắc xin và xâm nhập vào quá trình đặt lịch tiêm.
Ngày 28 tháng 2 năm 2023, Lương XX đã bị bắt giữ vì nghi ngờ liên quan đến tội lừa đảo. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định rằng từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2022, Lương XX và Vương XX đã lợi dụng cuộc trò chuyện với nhân viên chăm sóc khách hàng trên trang web đặt lịch tiêm vắc xin HPV chính thống để cài đặt một chương trình mã độc vào hệ thống, nhằm thu thập thông tin các đơn hàng được đặt lịch trước.
Sau đó, Vương XX tạo ra một trang web giả, tương tự như trang web gốc. Còn Lương XX thì sử dụng nền tảng tin nhắn để gửi tin nhắn lừa đảo với nội dung "Đặt lịch thành công" tới khách hàng. Những tin nhắn này sẽ kèm theo đường link dẫn đến trang web giả, khiến nạn nhân tin tưởng và nhấp vào.
Kế tiếp, chúng sẽ giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng, dựa vào các lí do như “điều chỉnh giá”, “ưu tiên đặt lịch” hoặc “đặt lại để được giảm giá” để các nạn nhân chuyển tiền vào ngân hàng của chúng.
Trong quá trình thẩm tra, sau khi xem xét tỉ mỉ các manh mối của vụ án, các kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân quận Hàn Giang, thành phố Dương Châu, Trung Quốc đã nhận ra sự việc không hề đơn giản như trên bên ngoài.
Lương XX đã thu thập trái phép hơn 200.000 thông tin của nhóm khách hàng đặt lịch hẹn trước. Trước khi vụ án bị phát giác, đối tượng đã gửi khoảng 20.000 tin nhắn lừa đảo. Tuy nhiên, bước đầu, cơ quan chức năng mới xác minh được 11 nạn nhân với số tiền chiếm đoạt hơn 70.000 NDT (khoảng 243 triệu đồng). Vấn đề đặt ra là có phải vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được tìm thấy?
Vạch trần thủ đoạn
Qua rà soát kỹ lưỡng hồ sơ vụ án và thẩm vấn các nghi phạm, nhiều câu hỏi dần lộ diện: Tin nhắn lừa đảo mà các nạn nhân nhận được có phải do chính nghi phạm trong vụ án này gửi không? Liên kết trang web giả mạo có thực sự do các nghi phạm tạo ra? Có thể loại trừ khả năng vẫn còn một nhóm lừa đảo khác thực hiện hay không?
Trước những nghi vấn này, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Hàn Giang đã ra lệnh bắt giữ đối tượng Lương XX và kiến nghị cơ quan công an truy bắt đối tượng hiềm nghi chính khác là Vương XX.
Ngoài ra, các công an được yêu cầu tập trung điều tra các vấn đề liên quan đến nguồn gốc tên miền và địa chỉ IP của trang web giả mạo, dòng tiền trong các tài khoản ngân hàng liên quan, việc xử lý đồng phạm và truy vết nguồn tiền lừa đảo nhằm hỗ trợ việc điều tra và thu thập chứng cứ.
Đến tháng 5 năm 2023, vụ án đã được chuyển giao để xem xét truy tố. Mặc dù số lượng nạn nhân đã xác minh tăng lên 25 người. Số tiền liên quan đã lên tới hơn 210.000 NDT (khoảng 731 triệu đồng). Tuy nhiên, các thông tin về những người tham gia, số tiền phạm tội cụ thể, nguồn gốc mã nguồn của trang web giả, tài khoản nền tảng gửi tin nhắn lừa đảo và cách phân chia số tiền lừa đảo vẫn còn nhiều nghi vấn, còn thiếu chứng cứ để định tội. Viện kiểm sát đã hai lần trả lại vụ án cho cơ quan công an để bổ sung điều tra.
Để làm rõ sự thật và tìm ra điểm đột phá, từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2023, viện kiểm sát đã cử đoàn điều tra tới các địa phương như Liêu Ninh và Hải Nam để tiếp tục điều tra bổ sung. Họ đã thu thập thông tin đăng ký và lịch sử trò chuyện từ công cụ trò chuyện của các nghi phạm, đồng thời truy vết thông qua số WeChat của người đăng ký và các từ khóa như "vắc xin HPV". Đội điều tra phát hiện thêm nhiều tài khoản liên quan đến vụ án. Các cuộc điều tra về dòng tiền của các tài khoản này đã giúp bước đầu xác định là một vụ lừa đảo mạng viễn thông.
Kết cục của những kẻ lừa đảo
Trong quá trình điều tra, các kiểm sát viên đã thu thập biên bản ghi lời khai từ các tòng phạm và đối tượng tình nghi, tiến hành kiểm tra hiện trường và thời gian phạm tội. Kết quả, số nạn nhân tăng lên 55 người, với tổng thiệt hại hơn 600.000 NDT (hơn 2 tỷ đồng). Mức án cho tội lừa đảo của hai nghi phạm chính được nâng lên khung hình phạt trên 10 năm tù giam và tiền phạt. Đồng thời, hai người này đã cài phần mềm độc hại để thu thập trái phép hơn 290.000 thông tin đặt lịch tiêm vắc xin HPV, hành vi này cấu thành tội xâm phạm quyền riêng tư của công dân.
Cuối năm 2023, viện kiểm sát đã truy tố hai bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm thông tin cá nhân công dân.
Gần đây, Tòa án Nhân dân quận Hàn Giang tuyên án: Lương XX bị phạt 12 năm tù và nộp phạt 150.000 NDT (khoảng 522 triệu đồng); Vương XX bị phạt 11 năm 9 tháng tù và nộp phạt 140.000 NDT (khoảng 488 triệu đồng). Đối với các đối tượng khác tham gia vụ lừa đảo, viện kiểm sát đã giám sát cơ quan công an khởi tố và truy tố thêm nhiều đối tượng liên quan trong đường dây. Các vụ án liên quan đang tiếp tục được xử lý.
Theo Baidu