Chắc hẳn ai cũng nhớ trào lưu "Tây hóa" cách gọi tên các món ăn ở Việt Nam khi kết hợp tiếng Anh và tiếng Việt từng làm mưa làm gió một thời nhỉ? Dù chỉ là một trào lưu đùa vui của giới trẻ, nhưng không thể phủ nhận rằng việc phát âm tên gọi của đồ ăn Việt đúng là một thử thách với người nước ngoài.
Mới đây, một blogger về ẩm thực đang sinh sống tại Úc có hơn 600k lượt theo dõi trên mạng xã hội đã đăng tải một bài viết trên trang web Recipe Tin Eats của mình về đồ ăn Việt Nam. Bài viết này đã tổng hợp lại các món ăn đường phố ngon nhất nên thử một lần khi đến thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng chú ý nhất không phải giới thiệu về các món ăn, mà tác giả còn bổ sung phần phiên âm cách đọc các món này để giúp những người ngoại quốc dễ đọc hơn. Đây là cách đọc do chính chủ nhân trang web nghĩ ra, khiến nhiều người Việt vừa phải khen ngợi về sự sáng tạo vừa cảm thấy lạ mắt và buồn cười.
Bằng sự kết hợp nhiều nguyên liệu vào một tô bún với các hương vị đậm đà vừa có rau vừa có thịt, bún thịt nướng chắc chắn luôn có mặt trong các danh sách ăn uống ở Sài Gòn. Là một người nước ngoài từng ăn qua món này, tác giả bài viết phải công nhận đây là món ăn làm "bùng nổ" hương vị và kích thích vị giác nhất, rất thích hợp để ăn trong thời tiết nóng bức của Việt Nam. Tuy nhiên khi nhìn vào phiên âm, nhiều người bảo rằng nếu không có hình minh họa thì chắc họ không nhận ra luôn mất.
Miêu tả là một món ăn "biểu tượng" của Sài Gòn, cách phát âm "kom taam" làm mọi người phải gật gù vì khi đọc lên thì khá đúng với tiếng Việt. Nhưng điều này chỉ mang tính tham khảo vì khi đi ăn nếu nói "kom taam" thì người bán làm sao biết bạn muốn ăn sườn, bì hay chả chứ, có lẽ nên có thêm cách đọc của cơm sườn hay cơm chả thì sẽ dễ dàng hơn cho các du khách ngoại quốc đấy.
Đúng vậy, các bạn không nhìn sai đâu, "bun bo hway" là cách mà blogger này gọi món đặc sản của miền Trung. Nữ blogger chia sẻ rằng dù có nguồn gốc ở Huế như đây là món ăn nước không thể không ăn khi đến Hồ Chí Minh, với hương vị đậm đà, thịt bò tươi ngon ăn cùng các loại rau vô cùng hấp dẫn. Cách đọc lạ lùng này làm nhiều người "cười lăn cười bò" nhưng phải công nhận rằng nó cũng có vẻ hợp lý.
Món này thì không cần phải bàn cãi gì nữa, đến thành phố mang tên Bác mà không một lần thử ăn ốc thì quả là uổng phí đấy! Từ các quán ốc bình dân cho đến các nhà hàng sang trọng, ốc làm được không biết bao nhiêu loại nào nướng nào xào nào hấp với đủ mùi vị thơm ngon khó cưỡng. Thay vì gọi là "ốc", sao không học theo cách phát âm này xem thế nào, chỉ cần nhắn tin rủ bạn bè rằng "Đi ăn ock không?" là thấy mới lạ ngay dù lúc đọc cũng không khác biệt lắm
Một đại diện của Việt Nam vang danh quốc tế như phở thì chắc chắn phải nằm trong danh sách rồi, bài viết này còn đưa ra sự khác biệt của phở ở miền Nam với các miền khác nữa cơ. Không nói quá nhiều về mùi vị món ăn này, chỉ vỏn vẹn hai chữ "must try" thôi là đủ biết cô nàng blogger cũng giống như nhiều người khác thích món này đến mức nào.
Món ăn xuất hiện ở nhiều đường phố Sài Gòn này cũng không quá khó đọc, bằng chứng là cách phát âm cũng không quá khác biệt. Nữ blogger nói rằng dù không quá nổi tiếng, cũng không dễ dàng bắt gặp trên khắp nẻo đường thành phố, nhưng đây thực sự là một món ăn đáng để thử. Cô cũng cho rằng chữ "lot" trong phiên âm cũng một phần miêu tả được món này vì một phần bò lá lốt ăn kèm với rất nhều thứ: các loại thơm, dưa leo, xà lách, bánh tráng,…và còn phải chấm loại nước chấm "gây nghiện" nữa chứ.
Nghe có vẻ chẳng ăn nhập gì với từ tiếng Việt cả đúng không? Hai chữ "bún riêu" đơn giản vậy là lại khó phát âm đúng ghê gớm, nhiều bạn trẻ còn đùa sao lại phải phức tạp như vậy, chỉ cần gọi "boon real" là chuẩn ngay ấy mà.
Món ăn đường phố xuất hiện ở khắp nẻo đường Sài Gòn đây rồi, đến thành phố nhộn nhịp này cho dù là người bản xứ hay du khách quốc tế cũng nhất định phải ăn bánh mì. Dù đã xuất hiện trong từ điển Oxford như một cái tên riêng, nhưng để đọc theo thì cũng là một thách thức với nhiều người. Cách phát âm mới mẻ tự sáng tạo này thực ra cũng giúp ích được rất nhiều cho người nước ngoài ấy chứ!
Sau khi thấy cách đọc này, cộng đồng mạng Việt Nam bày tỏ cảm thấy khá đáng yêu và cũng cho rằng nữ blogger đã cố gắng sáng tạo cách đọc sao cho giống nhất, dù hơi buồn cười nhưng nhiều từ khi đọc lại khá chuẩn đấy chứ nhỉ?
Nguồn: Recipe Tin Eats