Chẳng nhiều thì ít, nhưng năm nào cũng vậy, ở những gia đình miền Bắc, cứ đến Tết là nhà nào cũng nhất định phải có vài chiếc bánh chưng thì mới gọi là có Tết.
Thật vậy. Bánh chưng là thứ bánh mà Tết năm nào cũng phải có, nhà nào cũng phải có. Nhà thì đôi chục cái, nhẹ hơn thì mười mấy, nhà ít cũng phải có dăm bảy chiếc. Trước là để cúng tổ tiên, vài chiếc để mang đi biếu, sau là bày ra cho mâm cỗ những ngày xuân không thể thiếu đi hương vị quen thuộc.
Hồi còn đi học, đứa nào mà chẳng biết đến sự tích bánh chưng - bánh giầy Lang Liêu. Rồi chăm chỉ hơn thì còn đọc cả những đoạn tản văn nói về gói bánh chưng biết bao thi vị. Lúc ấy đã thấy việc gói bánh chưng là một cái gì đó thú vị lắm.
Ngày xưa, mỗi nhà đều tự gói bánh chưng cho gia đình mình. Bởi vậy, không chỉ bọn trẻ nông thôn mà ngay cả trẻ con thành phố cũng được trải nghiệm hoạt động mang đậm chất truyền thống này.
Hoạt động gói bánh chưng chẳng khác nào một dịp sum họp quây quần có các thành viên trong gia đình, thậm chí còn khiến người ta hào hứng hơn cả những bữa cơm nữa.
Cứ 27, 28 Tết, cả nhà lại quây quần trên một manh chiếu giữa nhà hoặc giữa sân. Người rửa lá, lau lá, người vo gạo, người thái thịt... Lũ trẻ con quây quần xung quanh, cũng xăm xắn ra cái điệu chăm chỉ và quan trọng lắm. Rằng mình cũng gói bánh chưng đấy nhé!
Các công đoạn gói bánh chưng trông thì không hề phức tạp chút nào. Đầu tiên cứ xếp vài lớp lá, rải một lần gạo, đặt một lớp nhân đỗ, thêm thịt lợn đã ướp sẵn, lại rải một lớp đỗ và một lớp gạo nữa rồi gói lại, buộc lạt là xong. Nhìn bà nhìn mẹ thoăn thoắt đôi tay, thấy việc gói bánh chưng có gì khó chứ?
Nhưng không hề dễ chút nào đâu nhé...
Trong ký ức của nhiều đứa trẻ ngày xưa, gói bánh chưng dịp Tết mỗi năm là điều gì đó thiêng liêng lắm, quý giá lắm. Ừ thì đó, cả năm mới có một lần mà.
Để có một chiếc bánh chưng ngon và đẹp "đúng chuẩn", lá dong phải được chọn ra những chiếc vừa vặn nhất, mà phải là lá bánh tẻ thì bánh mới đẹp và khi gói không bị rách. Gạo nếp vo sạch để ráo nước rồi xóc thêm chút muối. Có nhiều nhà còn cho thêm một lần nước lá giềng cho bánh thêm xanh.
Rồi tới đỗ xanh là phải chọn những hạt vàng đều, rửa sạch, cầu kỳ hơn thì đồ lên để bánh chưng luộc xong ăn nhân sẽ ngon hơn. Thịt lợn thì nhất định phải có cả nạc cả mỡ, thái miếng to bản rồi ướp gia vị, hành khô, muối, hạt tiêu đầy đủ.
Chiếc khuôn gói bánh chưng cả năm mới được dịp "toả sáng" một lần, đã được cọ rửa chờ khô từ sớm. Những người khéo tay hơn thì chẳng cần dùng khuôn, người ta gọi là "gói vo". Cứ thế xếp mấy chiếc lá, cũng đổ gạo rồi xếp nhân, gấp lá rồi vỗ vỗ mấy cái là chiếc bánh chưng đã vuông vức chẳng khác gói khuôn là mấy.
Rồi đến công đoạn buộc lạt, tưởng đơn giản mà lại rất phức tạp. Buộc chặt quá thì bánh luộc xong lồi lõm, xấu. Buộc lỏng quá thì bánh dễ bị bung ra. Bởi vậy mới nói, lựa làm sao cho chiếc bánh được buộc vừa khít, gạo và nhân bên trong chín đều mà bánh nhìn đẹp mới là khó.
Nhiều công đoạn thế, nhưng đứa trẻ nào cũng hào hứng muốn được tự tay làm một chiếc bánh, mà phải là bánh chưng tí hon nhé! Như thế mới độc, mới lạ. Còn nhớ, mỗi anh chị em đều giành phần làm một chiếc bánh chưng của riêng mình. Lúc luộc xong, chiếc thì méo mó, chiếc quấn lạt chằng chịt, có chiếc thì buộc lỏng tay nên khi luộc xong chiếc bánh chẳng còn giữ được hình dáng ban đầu, "cao thủ" hơn còn có đứa quên cho... nhân vào nữa. Thế nhưng gói bánh chưng lúc ấy vẫn vui lắm, thú vị lắm, tự hào lắm!
Thích nhất là đến lúc luộc bánh. Tất cả những chiếc bánh chưng gói xong được xếp vào một chiếc nồi thật to, chất đầy những củi ở xung quanh rồi đốt lửa. Đây là lúc mọi người cùng nghỉ ngơi, quây quần nói chuyện hoặc chơi trò chơi. Mấy đứa trẻ lại được dịp tranh nhau lãnh nhiệm vụ quan trọng là canh nồi bánh, ấy vậy mà cuối cùng vẫn cứ lăn quay ra ngủ khò hết cả lũ.
Bánh chưng không như bánh khác, mỗi lần luộc phải mất 8 - 10 tiếng. Nồi bánh khi sôi xong nhất định phải giảm lửa. Người ngồi canh nồi bánh cũng rất quan trọng bởi phải căn củi lửa sao cho vừa vặn, rồi khi nước cạn lại phải đổ thêm vào. Lơ là chút thôi là bánh sẽ cháy, nồi bánh sẽ đi tong ngay...
Thế nhưng...
Thời buổi bây giờ, còn được mấy đứa trẻ được trải nghiệm những điều ấy?
Thời buổi bây giờ, đếm được mấy bạn nhỏ có cơ hội tự tay mình gói một chiếc bánh chưng, hay cùng bà cùng mẹ ngồi lau lá gói bánh, trông bếp lửa?
Rồi bây giờ, liệu rằng bọn trẻ có còn hào hứng với công việc gói bánh chưng, luộc bánh chưng ngày Tết?
Nghe kể thì thấy cũng hay thật đó, thú vị thật đó. Nhưng chẳng biết khi được tự mình trải nghiệm sẽ thế nào nhỉ?
Tất cả những điều trên, giờ này có lẽ chỉ còn trong lời kể của mẹ, của bà, qua những câu văn mẫu, rồi phim ảnh... Chứ thế hệ 9x, 10x ngày nay, liệu mấy ai có được những trải nghiệm này nữa.
Ngày xưa, chỉ dịp Tết mới có bánh chưng, nên với trẻ con lúc bấy giờ thì việc đón những mẻ bánh chưng là điều gì đó thiêng liêng lắm.
Ngày nay, ngày thường cũng có thể làm bánh chưng bởi cứ ra hàng mua là có. Đồ ăn ngày Tết ngày càng đa dạng hơn, từ những món mới, rồi đồ ăn ngoại nhập. Bọn trẻ con bây giờ cũng chẳng còn "nghiện" bánh chưng như hồi trước. Ấy là chưa kể, bánh chưng ngày Tết cũng được dịch vụ hoá, cứ gọi điện đặt mua là xong chứ chẳng cần mất công chuẩn bị phức tạp. Bởi vậy mà rất nhiều người bây giờ chẳng biết đến hoạt động gói bánh chưng những ngày giáp Tết.
Thế nhưng, có một điều chắc chắn là, bánh chưng vẫn mãi không thể thiếu trong ngày Tết của người dân miền Bắc. Và dù chẳng được tự tay gói những chiếc bánh chưng, nhưng cứ nhắc đến là người ta lại thấy bồi hồi, xao xuyến...