Chùa Láng nằm ở đâu? Thờ ai?
Chùa Láng (chùa Chiêu Thiền hay Chiêu Thiền Tự) tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175) nên đến nay đã gần 900 tuổi. Theo báo Trí thức trẻ, Chữ Chiêu Thiền tự được giải thích rằng: "Đất phúc cõi thiêng duy có chùa Chiêu Thiền bậc nhất. Vì có điềm tốt rõ rệt, nên gọi là "Chiêu". Đây là nơi sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh nên gọi là "Thiền"".
Chùa tọa lạc tại 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Ngôi chùa này cách trung tâm thành phố khoảng 5km.
Vào năm 1962, nơi đây đã được Nhà nước công nhận là một trong 12 Di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội.
Theo thông tin trên báo Trí thức trẻ, dựa theo cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn cho biết: "Tương truyền chùa đó là do Lý Thần Tông dựng lên để thờ Từ Đạo Hạnh. Ở Láng Thượng còn có chùa Nền, chùa làm trên nền nhà cũ của Từ Vinh là cha của Từ Đạo Hạnh và chùa Thưa thờ người chị của Từ Đạo Hạnh".
Theo dân gian, vị thiền sư này đã đầu thai làm con trai của nhà quý tộc Sùng Hiền Hầu (em vua Lý Nhân Tông), sau đó được nối ngôi làm vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 - 1138) khi vua không có con. Vì sự tích ấy, Lý Anh Tông, con trai của Lý Thần Tông đã cho dựng nên chùa Láng để thờ phụ vương và tiền thân của ngài là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, trong đó có các lần quan trọng nhất vào các năm 1656, 1901 và 1989.
Công trình 'bát quái' độc đáo giữa Chùa Láng
Chùa Láng nổi tiếng với nhà Bát giác, một công trình kiến trúc độc đáo xây theo hình bát giác, gợi liên tưởng tới bát quái trong Kinh Dịch phương Đông.
Nhà Bát giác là nơi đặt tượng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh và được biết đến như một biểu tượng kiến trúc đặc sắc của chùa Láng.
Theo báo Vnexpress miêu tả, toà nhà Bát giác chồng 2 tầng, 16 mái, lợp ngói vảy cá, chạm khắc tinh xảo. Phần đỉnh nóc của nhà bát giác có họa tiết hình 4 con phượng đang múa (phượng vũ). Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn tượng trưng cho sự tồn tại của 8 triều vua nhà Lý, tầng mái phía dưới lại đắp hoạ tiết những dải sấu miệng ngậm các đầu đao hài hòa.
Nhà Bát Giác. (Ảnh: Vinpearl)
8 con rồng trên mái nhà Bát Giác tượng trưng cho 8 đời vua của nhà Lý. (Ảnh: MIA)
Nhà Bát Giác là nơi đặt tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh. (Ảnh: MIA)
Không gian thờ tự ở Chùa Láng lưu giữ nhiều bức tượng quý giá. (Ảnh: Vìnearl)
"Thế gian không chùa nào sánh kịp"
Theo báo Lao động thủ đô, đây là ngôi chùa rất đẹp được miêu tả rõ trong tấm bia có niên đại Thịnh Đức thứ tư (1656): “Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp".
Hiếm có ngôi chùa nào ở Hà Nội được vây quanh bởi cảnh sắc thiên nhiên phong phú như chùa Láng. Xung quanh vườn tháp, vườn rau hay ao chùa đều có cây xanh rợp bóng. Chẳng thế mà, chùa Láng được mệnh danh là "đệ nhất tùng lâm" (bởi nơi này từng có rừng thông đẹp nhất phía Tây thành" ở đất kinh kỳ xưa).
Trên cổng có tấm hoành phi đề chữ "Thiền Thiên Khải Thánh". Hai bên cổng có hai tượng voi canh cửa tạo nét uy nghi, trầm lắng. (Ảnh: Trí thức trẻ)
Cổng Tam Quan
Cổng tam quan của chùa có bốn cột vuông, phía trên là 3 mái vòm gắn liền với sườn cột chứ không phủ trùm lên trên. Kiểu kiến trúc này có sự tương đồng với cổng trong cung của phủ vua chúa.
Cổng tam quan bề thế (Ảnh: Vinpearl)
Điện thờ uy nghi
Theo Kiến thức du lịch, chùa Láng trước đây được ghi nhận có tổng cộng 100 gian nhà. Tất cả đều được xây dựng theo phong cách kiến trúc nội công ngoại quốc. Kiểu kiến trúc này đã có từ thời xưa với đặc điểm nổi bật là hai hàng lang dài kết nối nhà tiền đường và hậu đường với nhau, tạo nên một khung hình chữ nhật đóng kin. Ở giữa thường bố trí nhà thiêu hương hoặc Thượng điện.
Vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm của ngôi chùa 900 tuổi. (Ảnh: Vinpearl)
Nhà tiền đường rộng lớn với kiến trúc nội công ngoại quốc. (Ảnh: MIA)
Ngoài ra, Chùa Láng còn nổi tiếng gần xa khi sở hữu 198 pho tượng lớn nhỏ quý giá, trong đó nổi tiếng nhất là tượng vua Lý Thần Tông ngồi trên ngai vàng và pho tượng Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều bảo vật quý giá khác như 31 câu đối, 39 bức hoành phi, 15 bia đá…
Trong số 15 bia đá của chùa, nổi bật là tấm bia đá xanh có niên đại Thịnh Đức thứ tư (1656) cao 1,4 mét, rộng 0,8 mét. Trán bia có hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, hai diềm bia chạm phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ với đôi cánh rướn bay lên trời xanh. Tấm bia này xứng đáng được coi là một kiệt tác điêu khắc nghệ thuật đá thời Lê.