* Chia sẻ của thầy giáo Đào Tử (Trung Quốc)
ẦM ẦM! Vừa bước xuống dưới lầu, tôi đã nghe tiếng sấm rền vang từ chân trời xa. Đang định tranh thủ lúc trời chưa mưa để về nhà cho nhanh, thì đột nhiên, chuông điện thoại reo lên dồn dập.
"Thầy giáo Đào Tử à, tôi thật sự hết cách với con bé rồi! Tôi hết lòng vì nó, mà cuối cùng lại thành tôi sai!"; "số tôi sao mà khổ thế này, dốc hết tâm can nuôi nó lớn, mà lại hóa ra nuôi phải đứa vong ân bội nghĩa!". Tiếng than thở, oán trách vang lên qua điện thoại, dồn dập, đầy bất an, hoà cùng tiếng sấm nổ ngoài trời.
Ảnh minh hoạ
Người mẹ trong điện thoại là phụ huynh của một học sinh chán học mà tôi vừa mới tiếp nhận. Con chị năm nay đang chịu áp lực chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp 2. Trong mắt người mẹ, giai đoạn này con phải toàn tâm toàn ý cho việc học, cố gắng thi đỗ vào một trường cấp 2 tốt. Nhưng thực tế, đứa trẻ cứ lần lữa, kéo dài việc làm bài tập đến tận nửa đêm.
Mỗi lần chị kiểm tra bài tập của con là lại tức muốn chết: Bài thì để trống, bài thì không hiểu, bài thì làm qua loa, lộn xộn đủ kiểu. Điều khiến chị giận hơn cả là, trước khi làm bài, mỗi lần hỏi con: "Có chỗ nào không hiểu không?" thì con bé lại lắc đầu. Kết quả? Bài làm thì không thể nào chấp nhận nổi!
Chị không thể hiểu nổi: "Nếu không biết làm, sao không hỏi? Thà làm cho xong chuyện, chứ nhất quyết không chịu thừa nhận mình không biết! Nó sắp cấp 2 rồi, đâu phải con nít mẫu giáo chưa biết gì!".
Chị tức giận quát mắng, lớn tiếng chất vấn con. Còn con bé thì ngược lại, vừa khóc vừa tủi thân trách mẹ không tôn trọng, làm tổn thương mình. Người mẹ ấm ức gọi cho tôi, than vãn trong cơn giận dữ rằng mình nuôi phải đứa con vong ân. Nhưng sau khi tiếp xúc trực tiếp với đứa trẻ, tôi lại có cảm nhận hoàn toàn khác.
Cô nhóc rất thông minh, nhiều thứ chỉ cần giảng qua là hiểu ngay. Bài tập không phải là cậu không làm được, mà là cách dạy dỗ của mẹ khiến em cảm thấy chán nản, bực bội, và vô thức chống đối, làm ngược lại mẹ.
Trong sự nghiệp giáo dục, tôi đã gặp không ít những trường hợp giống hệt câu chuyện của đứa trẻ này.
Điểm chung giữa các em là: Các bà mẹ của các em thường giáo dục con theo hai kiểu — hoặc là đánh mắng thô bạo, hoặc là lải nhải giảng đạo lý không hồi kết.
Khi mâu thuẫn leo thang, phản ứng đầu tiên của các bậc cha mẹ là: "Tôi nuôi phải đứa con vong ân! Nó chẳng biết ơn cha mẹ gì cả!".
Nhưng vấn đề ở chỗ là: Người mẹ trong gia đình chính là hình mẫu cho tương lai của đứa trẻ.
Người mẹ truyền cho con nguồn năng lượng thế nào, đứa trẻ sẽ lớn lên với thái độ sống như vậy. Mẹ là người thế nào, con cái rồi cũng sẽ bước trên con đường như thế.
Quá trình nuôi dạy con, thực chất cũng chính là quá trình cha mẹ tự giáo dục, tự điều chỉnh chính mình. Muốn nuôi dạy một đứa trẻ xuất sắc, thay vì chỉ biết dạy con bằng những đạo lý lớn lao, tốt nhất là hãy bắt đầu bằng cách trở thành một người mẹ tốt trước đã.
Người ta từng làm một thí nghiệm về mối liên hệ giữa cảm xúc của mẹ và cảm xúc của trẻ sơ sinh. Ban đầu, người mẹ vui vẻ trò chuyện với em bé, và đứa trẻ cũng đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ. Nhưng khi mẹ bỗng nhiên lạnh lùng, không biểu lộ cảm xúc, thì em bé nhanh chóng cảm nhận được điều bất ổn.
Ban đầu, bé cố gắng cười để "gọi" mẹ trở lại trạng thái bình thường. Nhưng khi mẹ vẫn tiếp tục giữ bộ mặt lạnh lùng, bé bắt đầu cảm thấy tủi thân, nhìn mẹ với ánh mắt buồn bã, và rồi oà khóc nức nở.
Trong cảm xúc của người mẹ, ẩn chứa cả tương lai của đứa trẻ.
Một người mẹ hiền hòa, nhẹ nhàng, sẽ giúp con luôn cảm thấy hy vọng, dù cuộc sống có khó khăn, con vẫn thấy ánh sáng phía trước.
Ngược lại, một người mẹ hay cáu giận, thất thường, sẽ khiến con lớn lên trong lo âu, sợ hãi. Mỗi ngày sống trong gia đình, đối với con, đều như bước trong sương mù, đầy rẫy những đám mây đen u ám.
Nhà giáo dục nổi tiếng Inamori Kazuo từng nói: "Lời nói và hành động của cha mẹ chính là giáo trình tốt nhất cho con cái. Cha mẹ hạng nhất sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ hạng nhất". Trên hành trình giáo dục con, việc quan trọng nhất là giúp con xây dựng một bộ "tam quan" đúng đắn — đó chính là món quà quý giá nhất bạn có thể trao cho con.
Có một đoạn video từng khiến cả mạng xã hội xúc động và lan toả rộng khắp. Một cụ già lưng còng, chậm rãi bước vào quán ăn. Cụ bẽn lẽn hỏi giá món ăn, và khi biết giá, cụ chỉ gọi một bát cơm trắng. Vừa ngồi xuống, cụ nhận được điện thoại từ con cháu. Trong cuộc gọi, cụ nói mình ăn ngon lắm, bảo con cháu yên tâm, và dặn chúng phải ăn uống đầy đủ, đừng tiết kiệm quá mức.
Tất cả cảnh ấy đều lọt vào mắt một người phụ nữ đang ngồi ăn gần đó. Chị lặng lẽ quan sát, vừa cảm động vừa xót xa. Chị liền lặng lẽ ra quầy gọi thêm cho cụ già một suất cơm thịt, và dặn kỹ nhân viên: "Nhớ nói đây là quán đang làm khuyến mãi, đừng bảo là tôi mua cho cụ".
Chị đã không chỉ trao đi lòng tốt, mà còn giữ trọn thể diện cho người nhận.
Lát sau, chương trình thực tế của đài truyền hình tiết lộ với chị rằng đây là một thử nghiệm xã hội. Người phụ nữ ngớ người ra, rồi lập tức rưng rưng nước mắt, tươi cười nói với cụ già: "Tôi thật sự mừng vì cụ không gặp cảnh nghèo túng như thế… giờ tôi yên tâm rồi!".
Lời nói của chị đã chạm đến trái tim hàng triệu người xem.
Nhiều cư dân mạng bình luận: "Một người phụ nữ có tâm thiện lương và tam quan đúng đắn như vậy, chắc chắn sẽ là một người mẹ hạnh phúc và nuôi dạy nên những đứa con tử tế".
Đúng vậy! Cha mẹ sống chính trực, sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ rộng lượng, hiền hoà.
Gia đình được cha mẹ vun đắp bằng những giá trị đúng đắn, sẽ luôn ấm áp, ngập tràn hy vọng. Và theo thời gian, gia đình ấy cũng sẽ tích luỹ được nhiều phúc khí hơn.
Ngày xưa, nhiều người quan niệm: Con gái học đại học là vô ích, chỉ tổ phí tiền.
Trước quan điểm đó, một MC nổi tiếng từng nói: "Sự khác biệt lớn nhất chính là: Dù gia cảnh nghèo, nhưng người đã học qua đại học thì tinh thần sẽ giàu có. Dù sống trong cảnh thiếu thốn, họ vẫn biết biến cuộc sống thành thơ". Trong một gia đình, nếu người mẹ giàu có về tinh thần, thì con cái sẽ được sưởi ấm tâm hồn, và cả nhà sẽ sống trong sự bình an, thoải mái.
Tôi thường nghe nhiều bậc phụ huynh than: "Con tôi bình thường quá, chẳng có chí tiến thủ". Nhưng họ lại chẳng mấy khi tự hỏi: "Mình đã truyền cho con những giá trị gì?". Mỗi đứa trẻ sinh ra như tờ giấy trắng. Chúng sẽ trở thành người như thế nào, phần lớn phụ thuộc vào cha mẹ.
Nuôi dạy con, thực chất là một hành trình tu luyện. Một người mẹ giỏi giang, có thể vượt qua mọi hình thức giáo dục cao siêu. Sự "khoe giàu" cao cấp nhất trong một gia đình, chính là cha mẹ không ngừng hoàn thiện, tự tôi luyện bản thân.
Hãy nhớ: Giáo dục tốt nhất, chính là đồng hành cùng con, không quên tự trưởng thành, để cả hai cùng nhau gặp gỡ phiên bản xuất sắc hơn của chính mình.