Bé 2 tuổi đánh vào mặt mẹ vì bị giật điện thoại, mẹ ôm mặt khóc nức nở: "Mình sai rồi..."

An Chi, Theo Phụ nữ số 14:58 06/05/2025
Chia sẻ

Người mẹ đau đớn vì sự thờ ơ của chính mình trong suốt 2 năm đầu đời của con.

"1 ngày có 24 giờ mà mình không dành nổi 30 phút cho con", đó là câu nói đọng lại sau cùng trong tâm sự đầy day dứt của một người mẹ trẻ, sau khi chứng kiến chính đứa con 2 tuổi của mình tát vào má chỉ vì không được cầm điện thoại.

Câu chuyện được chia sẻ trong một hội nhóm dành cho mẹ bỉm đã khiến nhiều người rơi nước mắt và không ít người giật mình nhìn lại chính mình.

Người mẹ kể, sau khi sinh con được 3 tháng, chị đã đi làm trở lại, nhờ bà nội chăm giúp. Thời gian đầu còn tranh thủ đi, về trong ngày, nhưng sau vì công việc tăng ca, chị chuyển hẳn sang chế độ ở lại công ty, mỗi tuần mới về một lần. Công ty cách nhà 15km, làm ca đêm liên tục, nên thời gian dành cho con gần như bằng không.

Chị tin tưởng giao con cho bà nội và nghĩ rằng miễn có người chăm lo, bé sẽ ổn. Cho đến khoảng 5 tháng gần đây, chị bắt đầu thấy con có biểu hiện khác lạ: Con không mặn mà khi mẹ về, không đáp lại khi được gọi tên, chỉ chăm chăm đòi điện thoại. Đỉnh điểm là một đêm, chị giật điện thoại khỏi tay bé thì bé gào khóc, rồi bất ngờ tát thẳng vào má mẹ.

Người mẹ sốc, đau và cả bàng hoàng. Nhưng đáng sợ hơn là khi chị phát hiện con mình đã lệ thuộc nặng nề vào điện thoại, ăn phải vừa xem, ngủ cũng lướt màn hình, đi vệ sinh không rời máy. 2 tuổi mà đôi mắt đã đờ đẫn, khả năng tập trung gần như bằng 0. Bé không thích chơi với ai, chỉ có thiết bị điện tử là bạn thân.

Bé 2 tuổi đánh vào mặt mẹ vì bị giật điện thoại, mẹ ôm mặt khóc nức nở:

Tâm sự nghẹn lòng của mẹ bỉm

Chị viết ra câu chuyện không để ai thương hại, chỉ mong những người mẹ như mình có thể nhận ra sớm: Tiền bạc có thể kiếm cả đời, nhưng tuổi thơ của con chỉ có một lần. Nếu cha mẹ không hiện diện trong những năm tháng đầu đời, hậu quả đôi khi phải trả giá bằng sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của trẻ.

Chị cũng gửi lời khuyên đến các mẹ: Hãy đưa con đi khám tâm lý hành vi sớm nếu thấy dấu hiệu bất thường. Tiền khám không bằng 1/3 chi phí can thiệp về sau, và càng không bằng giá trị của một đứa trẻ được lớn lên đúng cách.

Bởi đôi khi, chỉ một cái tát nhỏ của con, cũng đủ để khiến người mẹ tỉnh ra rằng: "Điện thoại không nuôi con bằng tình yêu, và không ai thay được vai trò của một người mẹ bên con mỗi ngày".

Dưới phần bình luận, rất nhiều người đã gửi lời khuyên tới mẹ bỉm này.

Bé 2 tuổi đánh vào mặt mẹ vì bị giật điện thoại, mẹ ôm mặt khóc nức nở:

Bé 2 tuổi đánh vào mặt mẹ vì bị giật điện thoại, mẹ ôm mặt khóc nức nở:

Bé 2 tuổi đánh vào mặt mẹ vì bị giật điện thoại, mẹ ôm mặt khóc nức nở:

Chia sẻ của cư dân mạng

Dưới phần bình luận, rất nhiều người bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của người mẹ. Ai làm cha làm mẹ rồi cũng hiểu, không ai muốn rời xa con cái, nhưng cuộc sống mưu sinh đôi khi buộc ta phải chọn lựa giữa ở bên con và kiếm tiền lo cho tương lai.

Tuy nhiên, từ câu chuyện này cũng rút ra được một bài học lớn dành cho tất cả các bậc phụ huynh: Dù bận rộn đến mấy, cha mẹ vẫn cần cố gắng đồng hành cùng con, nhất là trong những năm tháng đầu đời, giai đoạn hình thành nhận thức và cảm xúc rất quan trọng.

Nếu bắt buộc phải nhờ người thân trông con, bố mẹ nên trao đổi rõ ràng về quan điểm nuôi dạy, đặt ra các giới hạn cần thiết, đặc biệt là trong việc cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử. Việc buông lỏng quản lý có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý và hành vi của trẻ, mà đôi khi, đến lúc nhận ra thì đã quá muộn để quay đầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày