Giới trẻ và trào lưu đổi giày lan tỏa thông điệp thấu hiểu

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 17:30 27/01/2021

Thời gian vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu đổi giày, hàng loạt bức ảnh cũng như video thú vị đã ghi lại những khoảnh khắc các cá nhân đổi giày cho nhau.

Hướng đến mục tiêu xóa bỏ định kiến giới, Thử Thách Đổi Giày của dự án Nhà Nhiều Cột đã ra đời và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Trong gần 1 tháng phát động, chiến dịch đã thu hút hơn 1.300 người trực tiếp tham gia và chia sẻ về thông điệp "Xỏ giày để thấu hiểu" của chiến dịch.

Với hình ảnh xỏ giày tượng trưng cho sự mở lòng, nhiều chia sẻ, câu chuyện về sự thấu cảm đã được người chơi hé mở. Qua đó, thử thách khuyến khích người tham gia mở lòng và đặt mình vào vị trí của người khác để thấu cảm hơn những khó khăn, áp lực riêng, đặc biệt là những áp lực từ định kiến giới.

Nhà văn Phan Ý Yên - tác giả của nhiều cuốn sách được giới trẻ yêu thích như "Suốt một mùa đông", "Người lớn cô đơn", "Đường về nhà", "Em là để yêu"... đã chia sẻ thông qua thử thách này: "Đàn ông không cần hiểu chỉ cần thông cảm cho phụ nữ. Phụ nữ có thể hiểu hoặc không nhưng đừng mặc định rằng đàn ông là những gã siêu nhân bất tử. Rồi làm con đối với bố mẹ. Bố mẹ đối với con cái. Vị trí nào cũng quan trọng để tạo nên mái ấm. Mà vị trí nào cũng có những nỗi niềm vất vả riêng."

Giới trẻ và trào lưu đổi giày lan tỏa thông điệp thấu hiểu - Ảnh 1.

Hình ảnh tham gia Thử Thách Đổi Giày của nhà văn Phan Ý Yên

Không chỉ nhận được sự hưởng ứng của cá nhân, Thử Thách Đổi Giày còn có sự tham gia của các vlogger/page về phong cách sống nổi tiếng, trong đó có Nhà Có Hai Người - cùng chung quan điểm rằng vai trò nào cũng quan trọng và sự sẻ chia: "Với tốc độ phát triển hiện nay của thế giới nói chung và nước mình nói riêng, mình tin rằng, trong tương lai, sẽ không còn những khái niệm lỗi thời 'đàn ông là trụ cột', 'phụ nữ chỉ nên ở nhà làm nội trợ', mà đơn giản là ai làm tốt việc gì thì làm việc nấy… Từ giờ cho đến lúc đó, 'em' và 'anh', chúng ta cứ hãy là hai người bạn đồng hành luôn đặt mình vào vị trí của người kia và thương một niềm thương bình dị, sẵn sàng san sẻ những việc trong khả năng mỗi người làm tốt."

Giới trẻ và trào lưu đổi giày lan tỏa thông điệp thấu hiểu - Ảnh 2.

Hình ảnh tham gia Thử Thách Đổi Giày của fanpage Nhà Có Hai Người

Thử Thách Đổi Giày như cầu nối, chất xúc tác giúp người tham gia phần nào nói lên tình cảm chân thành của mình đối với những người xung quanh. Bạn Lê Dương Phương Thảo, sinh viên Trường Đại học Kiểm sát bộc bạch khi đi giày của người cha: "Nhưng khi xỏ chân vào đôi giày và nghĩ về tất cả những điều mà ba đã và đang trải qua, mình hiểu. Là ba đã phải chịu quá nhiều áp lực vất vả, và ba làm như vậy chỉ vì muốn mình không phải chịu vất vả như ba."

Giới trẻ và trào lưu đổi giày lan tỏa thông điệp thấu hiểu - Ảnh 3.

Hình ảnh tham gia Thử Thách Đổi Giày của bạn Lê Dương Phương Thảo

Bạn Hiếu Đặng, đã lồng ghép câu chuyện tuổi thơ "Tấm Cám" khi tham gia thử thách: "Có lẽ xuyên suốt mẩu truyện, không ai phù hợp với vị trí đứng đầu hậu cung bằng Tấm - bề ngoài ngoan hiền, bên trong lanh lợi, chưa kể nắm trong tay vũ khí sát thủ nước mắt đàn bà, thứ đã giúp cô đi trẩy hội và gặp định mệnh đời mình. Còn Cám, một cô gái sống trong nhung lụa từ bé, ngây thơ, luôn nghe lời mẹ đã không ướm vừa đôi giày auth. Quả thật, để ngồi ở một vị trí không ai ngồi được, bạn phải vừa vặn những đôi giày không ai xỏ được!"

Giới trẻ và trào lưu đổi giày lan tỏa thông điệp thấu hiểu - Ảnh 4.

Hình ảnh tham gia Thử Thách Đổi Giày của bạn Hiếu Đặng

Không phải ngẫu nhiên mà Thử Thách Đổi Giày được phát động trong một thời gian ngắn nhưng lan tỏa được mạnh mẽ những thông điệp tích cực trong thời gian vừa qua. Với 1.349 lượt trực tiếp tham gia và chia sẻ về chiến dịch, 1.349 cuốn sách sẽ được quyên góp cho "Tủ sách giáo dục giới tính", gửi tới các em nhỏ ít có điều kiện tiếp cận ở miền Trung qua hoạt động cứu trợ của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.

Có thể thấy rằng, bất kể giới tính, tuổi tác, ngành nghề, ai cũng có những khó khăn riêng và mang trên vai ít nhiều những áp lực cuộc sống. Cuộc sống này sẽ tươi đẹp hơn nếu mỗi chúng ta dừng lại một chút, mở lòng mình lắng nghe và thấu hiểu. Nếu có sự sẻ chia, con người không chỉ sống thương yêu nhau hơn, mà còn giảm bớt những kỳ vọng cho nhau. Tuy đặt mình vào vị trí của người khác là chuyện chẳng dễ dàng, nhưng việc quan tâm lẫn nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất sẽ giúp ta giải tỏa phần nào những áp lực.

Nếu bạn quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới, đừng quên theo dõi thêm những hoạt động thú vị sắp tới của Nhà Nhiều Cột tại fanpage https://www.facebook.com/NhaNhieuCot/ nhé!

Nhà Nhiều Cột là một dự án xã hội được khởi xướng và thực hiện bởi Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication. Chiến dịch được tài trợ bởi Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Úc.