Giới trẻ Trung Quốc tự mở 'nhà nghỉ hưu' để chữa lành, tìm lại chính mình sau 2 tuần rèn thân-tâm-trí

Vũ Anh, Theo Nhịp sống thị trường 12:59 17/09/2024
Chia sẻ

Họ cùng trồng rau, pha trà, trò chuyện dưới bóng mát của cây và tận hưởng làn gió từ sông.

Fan Wenqiang đã thuê ngôi nhà cũ nằm bên bờ sông tỉnh Giang Tây cho mình và 3 người bạn sinh năm 1990. Với họ, đây là nơi giúp phục hồi tâm trí, chữa lành sau khoảng thời gian dài làm việc mệt mỏi.

Fan nói ngôi nhà ở trong tình trạng hư hỏng lúc anh mới nhận, vậy nên cả nhóm đã sơn lại tường, thay dây điện và xây nhà vệ sinh ngoài trời. Mục đích sau cùng là tạm lánh khỏi nhịp sống vội vã của thành phố.

Fan là nhà thiết kế với lịch làm việc tương đối linh hoạt. Anh lái xe từ nhà ở Nam Xương đến đây ít nhất 3 lần/tuần. Họ cùng trồng rau, pha trà, trò chuyện dưới bóng mát của cây và tận hưởng làn gió từ sông. Võng nghỉ ngơi dưới tán cây bưởi luôn được chuẩn bị sẵn phòng trường hợp Fan buồn ngủ.

Lối sống chậm rãi trước đây chỉ phù hợp với những người đã nghỉ hưu, song nay lại được nhóm bạn trẻ Trung Quốc áp dụng. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường lao động, người trẻ bắt đầu khao khát một cuộc sống đơn giản, yên bình và thư thái.

Guan Feng, 34 tuổi, đã nghỉ việc và tiếp quản homestay dưới chân núi Lu, Giang Tây. Nơi đây được quảng cáo là nhà nghỉ hưu, giúp giới trẻ tránh xa sự đông đúc và chăm sóc tâm trí, cơ thể.

Chia sẻ với Think China, Feng nói cô từng đón những khách hàng suy sụp tinh thần sau một dự án kinh doanh không thành công. Họ tuân thủ lịch trình đều đặn, leo núi, đọc sách, điều chỉnh tâm lý và thường sau khoảng nửa tháng ‘nghỉ hưu’, sẽ tìm lại chính mình.

Dù hình thức nhằm giúp giới trẻ thư giãn nhưng một số ý kiến cho rằng thuê nhà nghỉ hưu chỉ phù hợp với người có điều kiện kinh tế. Những ai không đủ tài chính để ‘chữa lành’ chỉ biết ngậm ngùi tự động viên bản thân.

Huang Linkai, 33 tuổi, bị sa thải ở công ty công nghệ Thâm Quyến năm ngoái. Anh tạm thời làm tài xế taxi vì không thể tìm được công việc phù hợp trong suốt 6 tháng qua.

“Tôi rất muốn 'nghỉ hưu' nhưng không thể, bởi nếu ngừng làm việc, ai sẽ trả phí sinh hoạt cho gia đình tôi”, anh nói.

Theo Wei Zhizhong, chuyên gia phòng tư vấn tâm lý Yiweiduxin, trụ sở Quảng Châu, “nhà nghỉ hưu” chỉ là dự án thương mại nhằm làm dịu lo âu của giới trẻ và đáp ứng nhu cầu tâm lý của họ. Dưới tác động của mạng xã hội, chúng đã trở thành sản phẩm tâm lý tiêu dùng. Ông cho rằng lo âu của giới trẻ hiện nay tập trung ở công việc, phát triển bản thân, vậy nên “nhà nghỉ hưu”chỉ là liều thuốc giảm đau tạm thời chứ không giải quyết được gốc rễ. Chỉ có hành động tích cực và nỗ lực kiên trì mới có thể giúp các bạn trẻ thực sự cải thiện giá trị bản thân.

Các cuộc khảo sát trước đây cho thấy Thế hệ Z là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi trên cả nước. Áp lực tinh thần trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chậm lại khiến nhiều người chán nản, thậm chí buông bỏ ước mơ.

Giới trẻ Trung Quốc tự mở 'nhà nghỉ hưu' để chữa lành, tìm lại chính mình sau 2 tuần rèn thân-tâm-trí- Ảnh 1.

Chu Yi, 23 tuổi sống ở Thượng Hải, Trung Quốc, đã nghỉ việc tại công ty thời trang cách đây 2 năm vì thường xuyên phải tăng ca và không hợp với sếp của mình. Hiện tại, Chu Yi làm việc 1 ngày/tuần cho một công ty lữ hành. Thời gian còn lại, cô luyện tập xăm để hoàn thành khóa học nghề xăm kéo dài 6 tháng.

“Đối với tôi, công việc không có nhiều ý nghĩa. Hầu hết chỉ để làm hài lòng quản lý thôi. Vì thế, tôi quyết định không làm việc nữa”, Yi nói. “Mức lương hiện tại của tôi tuy không nhiều nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Thời gian rảnh rỗi có giá trị hơn vài nghìn nhân dân tệ”.

Cách đây 5 năm, Luo Huazhong, cũng giống như Yi, nhận ra rằng mình chẳng còn hứng thú làm điều gì hết. Anh quyết định bỏ công việc tại một nhà máy để về quê sinh sống. Cuộc sống hiện tại vẫn ổn với các công việc lặt vặt cùng khoản tiết kiệm nhỏ.

Động viên nhóm tuổi này trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn là một nhiệm vụ quan trọng đối với các quan chức Trung Quốc. Zhou Yun, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan, cho biết mặc dù có vẻ như một số thanh niên đã chọn rời xa cuộc sống bon chen của xã hội hiện đại, nhưng không thể ngó lơ sự bi quan của họ về tương lai.

“Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và thị trường lao động vẫn thắt chặt, thách thức sâu sắc đối với những người trẻ tuổi là vượt qua những bất bình đẳng xã hội cứng nhắc và triển vọng kinh tế mờ nhạt”, ông Zhou nói.

“Giới trẻ ngày nay nhận thấy rằng nếu không nỗ lực cạnh tranh, họ sẽ bị xã hội gạt bỏ. Thế nhưng dù cho cố gắng thế nào thì nhiều người cũng không tìm thấy thành công cho bản thân mình”, Giáo sư Biao Xiang của đại học Oxford-Anh nhận định.

Theo: Think China, SCMP

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày