Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ còn 2 cá thể

Minh Hoa (t/h), Theo Người Đưa Tin 10:03 18/09/2024
Chia sẻ

Loài động vật này vô cùng quý hiếm, cả thế giới chỉ còn lại hai cá thể và các nhà khoa học đang nỗ lực cứu loài này khỏi tuyệt chủng.

Najin và Fatu, một cặp mẹ con tê giác bị vô sinh, là những cá thể cuối cùng của loài tê giác trắng phương Bắc (Ceratherium simum cottoni).

Loài này từng được tìm thấy trên khắp Trung Phi nhưng gần như bị xóa sổ do nạn săn trộm bất hợp pháp, và đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ còn 2 cá thể- Ảnh 1.

Fujin và Najin ăn cỏ cùng nhau, chúng là 2 cá thể cuối cùng của một loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Ảnh: Justin Mott/Washington Post.

Nhưng vì cả Najin và Fatu đều không thể mang thai nên các chuyên gia đang chuyển sang đổi mới về di truyền và sinh sản.

Các nhà nghiên cứu tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego ở California đã xem xét tế bào da lấy từ 12 con tê giác trắng phương Bắc khác nhau được lưu trữ trong Vườn thú đông lạnh (Frozen Zoo), một kho lưu trữ vật liệu di truyền từ hơn một nghìn loài khác nhau.

Họ đã sử dụng mô hình máy tính để xem sẽ như thế nào nếu vật liệu di truyền của những con tê giác này được dùng để tạo ra tế bào tinh trùng và trứng, sau đó chuyển thành phôi và cho loài tê giác trắng phương Nam có quan hệ gần gũi (Ceratherium simum simum) "mang thai hộ".

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ còn 2 cá thể- Ảnh 2.

Hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sống trên Trái đất.

Nhóm phát hiện ra rằng có thể khôi phục quần thể tê giác trắng phương Bắc qua nhiều thế hệ mà không cần Fatu và Najin.

"Việc có nguồn gene nhất quán trong Vườn thú đông lạnh giúp chúng tôi có thể liên tục tạo được các cá thể mới và đưa chúng trở lại quần thể", nhà nghiên cứu Aryn Wilder tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego cho biết.

Mô hình của họ tiết lộ rằng sau 10 thế hệ, những con tê giác trắng phương Bắc trong các mô phỏng này không phải là loài cận huyết, thay vào đó, chúng là một nhóm khỏe mạnh, đa dạng về mặt di truyền.

Đó là tin tốt cho tương lai của phân loài vì những động vật cận huyết có xu hướng dễ mắc bệnh hơn và ít có khả năng sống sót hơn.

Tuy nhiên, con đường đi đến thành công trọn vẹn vẫn còn dài và đầy thử thách. Các nhà nghiên cứu phải kích thích hóa học các dòng tế bào da đông lạnh này thành tế bào gốc trứng và tinh trùng có khả năng sống sót.

Cũng chưa có gì đảm bảo rằng những con tê giác trắng phương Nam có thể mang phôi của tê giác trắng phương Bắc thành công.

Ngay cả khi chuyển phôi thành công, quá trình mang thai cũng cần phải được theo dõi và nuôi dưỡng chặt chẽ, và kể cả khi một con tê giác khỏe mạnh được sinh ra, sẽ cần nhiều nỗ lực chăn nuôi hơn để thiết lập một quần thể khả thi.

Tuy nhiên, có một cách khác để phục hồi tê giác trắng là nhân bản: Các dòng tế bào được lưu trữ có thể được sử dụng để tạo ra bản sao di truyền của động vật đã chết.

Tê giác trắng (Ceratotherium simum) phân bố ở miền nam châu Phi. Loài này dài 3,4 - 3,8 mét, đặc điểm nhân dạng là có "môi vuông" rộng để gặm cỏ trên mặt đất, hai sừng lớn và một cái bướu ở phía sau cổ. Đây là loài tê giác lớn nhất còn sống.

Có hai phân loài tê giác trắng: Tê giác trắng phương Nam và Tê giác trắng phương Bắc. Trong đó, tê giác trắng phương Nam là quần thể tê giác phổ biến nhất trên thế giới, với dân số khoảng 20.000 con. Chúng thuộc diện sắp bị đe dọa trong Sách Đỏ IUCN.

Trái ngược với phân loài phương Nam, tê giác trắng phương Bắc chỉ còn duy nhất 2 cá thể. Hi vọng cuối cùng cho sự tồn tại của phân loài tê giác này là công nghệ di truyền của tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày