Giờ còn được đi làm là mơ ước của nhiều người: Hết thời dân văn phòng hứng lên là nhảy việc, chi tiêu cũng cắt giảm tối đa

Nguyệt, Theo Nhịp sống thị trường 00:01 16/05/2024

Nhiều dân văn phòng bày tỏ, họ không còn dám nhảy việc nhiều như trước vì sợ rơi vào cảnh thất nghiệp dài ngày.

Trong tình trạng thị trường tuyển dụng khó khăn như hiện nay, nhiều dân văn phòng lâm vào tình cảnh khốn khó vì không thể tìm được công việc mong muốn.

Nếu như trước đó, tình trạng nhân sự dễ dàng bỏ việc khiến các chủ doanh nghiệp đau đầu thì giờ đây, có nhiều người chấp nhận làm tăng ca, nhận thêm công việc để có thể giữ nguyên vị trí giữa bão sa thải. Số khác lại nhận định, không chỉ công việc văn phòng mà tìm cơ hội trong lĩnh vực freelancer cũng khó nên càng khiến họ chịu thỏa hiệp với công ty để không rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Không còn than thở khi tăng ca, chấp nhận OT để thoát cảnh thất nghiệp

Bảo Hân (25 tuổi) nhớ lại cách đây 2 năm, cô từng dứt khoát bỏ vị trí ổn định, lương cao ở TP.HCM về lại Hà Nội sinh sống, dù khi đó, cô chưa tìm thấy công việc ổn định ở đây. Bởi lúc đó, Bảo Hân có sự tự tin về bản thân và cơ hội tìm kiếm việc làm. Đây là một quyết định mà cô bạn cho rằng hiện tại, mình sẽ không dễ dàng đưa ra giữa bối cảnh bão sa thải.

"Giờ mình còn không dám nhảy việc, chứ chưa nói đến chuyển sang thành phố khác sinh sống, mà trong tay chưa có việc làm hay một kênh tạo ra thu nhập", Hân tâm sự.

Giờ còn được đi làm là mơ ước của nhiều người: Hết thời dân văn phòng hứng lên là nhảy việc, chi tiêu cũng cắt giảm tối đa - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chỉ trong vài tháng qua, nhiều nhân sự trong bộ phận của Hân bị sa thải đồng nghĩa khối lượng công việc của những người ở lại cũng gia tăng. Nếu như ngày trước, Hân có thể về nhà từ 5h chiều và không vướng bận công việc thì giờ đây, cô thường xuyên phải tăng ca để giải quyết hết deadline còn tồn đọng.

Hân chia sẻ: "Dù phải tăng ca nhưng mình không còn than thở nhiều như trước, bởi vì giờ có việc làm đã tốt rồi. Tần suất OT của mình hiện tại đang là 2-3 buổi/tuần - một ngưỡng mà bản thân chấp nhận được. Còn trước kia, mình ít khi OT lắm. Vì công ty mình từng đề cao sự tách biệt giữa công việc và cuộc sống, cũng như mình luôn cố gắng hoàn thành hết việc trong giờ làm.

Ở thời điểm hiện tại, mình nghĩ mọi người chỉ nên cân nhắc nhảy việc khi chắc chắn về cơ hội tìm thấy việc làm mới. Nhiều người bạn của mình cũng nghỉ việc do không theo kịp áp lực, tuy nhiên hiện tại họ vẫn đang gặp khó khăn để quay lại thị trường lao động, bởi nhu cầu tuyển dụng của các công ty không còn nhiều như trước."

Công việc freelancer không còn dễ kiếm

Vũ Duy (26 tuổi, Hà Nội) cũng gặp áp lực khi khối lượng công việc freelancer đã giảm 1/3 so với trước đây. Nếu như trước kia, Vũ Duy có thể tự tin xin nghỉ việc vài tháng ở nhà vì còn có công việc tay trái thì giờ đây, anh cho rằng đó là "điều không thể".

Vũ Duy chia sẻ: "Đây không phải là năm đầu tiên mình làm freelancer. Nhưng đây là năm khó khăn nhất khi tìm kiếm công việc tay trái của mình. Suy thoái kinh tế khiến các công ty thắt chặt ngân sách cho các mảng hoạt động. Cũng vì thế không chỉ dân văn phòng mà freelancer cũng khốn đốn.

Hiện tại, mình cũng không quá thích công việc chính nhưng công việc freelancer đang bấp bênh nên chưa dám nhảy việc. Giai đoạn này, mình nghĩ mọi người cần kiên nhẫn, có thể tạm chấp nhận mức lương không quá cao nhưng đổi lại mang về sự ổn định".

Giờ còn được đi làm là mơ ước của nhiều người: Hết thời dân văn phòng hứng lên là nhảy việc, chi tiêu cũng cắt giảm tối đa - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Vũ Duy chia sẻ, trước kia anh là người yêu thích sự tự do, do đó chuyện nhảy việc 1-2 công ty trong một năm không phải điều to tát.

"Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên mình cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định nhảy việc. Dù mình khá tự tin bản thân là người có kinh nghiệm, đa nhiệm và còn có quỹ dự phòng cho các tình huống bất trắc như thất nghiệp dài ngày mà không kiếm được việc làm. Thế nhưng, cân nhắc về yếu tố thị trường việc làm còn hẹp thì mình nghĩ, cứ đứng yên một chỗ là giải pháp ổn thoả nhất".

Chi tiêu cũng cần cắt giảm tối đa

Dù mức lương thậm chí còn nhỉnh hơn so với thời gian trước, song Bảo Hân đã "chắt bóp" nhiều khoản chi tiêu cho cá nhân như tiền ăn uống, đi du lịch. Vì cô cho rằng không biết bao giờ mình rơi vào danh sách sa thải của công ty.

"Giờ mình thất nghiệp thì khó khăn lắm, vì vẫn còn nhiều khoản chi phí như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống,... Mình lại mới bỏ tiền làm ăn chung với bạn nên nếu thất nghiệp thì có lẽ không còn đồng nào mà ăn. Giữa thời điểm lay-off còn diễn ra khắp nơi thì mình nghĩ, tiết kiệm nên là ưu tiên số một thay vì chỉ hưởng thụ", Hân nói. 

Còn về phía Vũ Duy, do tổng thu nhập sụt giảm mạnh vì công việc freelancer không còn dễ kiếm nên chàng trai cũng cần học cách chi tiêu hợp lý.

Anh chàng cho hay: "Dù thu nhập có giảm thì mình vẫn luôn dành 50% tiền lương văn phòng để riêng vào quỹ dự phòng nhằm phòng ngừa biến cố xảy đến. Còn lại bao nhiêu, mình mới tính toán đến chuyện dùng cho chi phí sinh hoạt và đầu tư. Mình đang ấp ủ vài dự định đầu tư cho bản thân, nhưng nghĩ lại số tiền cần bỏ ra cũng lớn nên vẫn đang phân vân có nên thực hiện chúng hay không.

Cá nhân mình thấy giữa bối cảnh thị trường lao động hiện nay, chấp nhận hạ mức sống là một cách làm hay và an toàn. Còn nếu ai tính nhảy việc thì cần có một khoản tiền bằng vài tháng sinh hoạt, để dự phòng trường hợp bạn thất nghiệp dài ngày nhưng không kiếm được việc làm và không thể xin tiền từ gia đình".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày