Giáo viên TP.HCM buồn vì hiếm có bài văn hay

Nguyễn Quyên, Theo Pháp Luật Tp HCM 16:20 05/07/2019
Chia sẻ

TP.HCM đã hoàn tất công tác chấm thi môn Ngữ văn, nhiều giáo viên nhận xét ít có bài làm đạt điểm cao, để lại ấn tượng.

Nhiều thí sinh mất điểm phần đọc hiểu

Một giáo viên tham gia chấm thi cho biết thí sinh dễ mất điểm ở phần đọc hiểu đặc biệt ở câu 1. Câu này yêu cầu tìm thể thơ nhưng thí sinh không nắm rõ. Đáp án là thể thơ tự do nhưng nhiều em lại ghi là thể thơ tự do 7 chữ, 8 chữ. Nhiều em cố giải thích nhưng lại không đúng ý, không có chữ tự do. Hay có em ghi thể thơ thất bát. Câu hỏi này thực tế rất dễ lấy điểm nhưng nhiều em lại mất điểm.

Câu 2 hỏi về nội dung cùa 2 câu thơ, nhiều em cũng bị mất điểm. “Tôi có cảm giác như các em không đọc thơ, chỉ cần thấy biển là các em liên tưởng đến vấn đề biển đảo rồi suy luận ra chủ quyền của đất nước nên trả lời sai hết. Hơn nữa, câu hỏi này lại liên quan đến câu nghị luận xã hội cho nên nhiều em làm phần này từ đầu đến cuối nói về ý chí bảo vệ biển đảo quê hương. Rất tiếc là các em cũng bị mất điểm vì không đúng với nội dung, trọng tâm của bài”, giáo viên này nhận xét.

Cạnh đó, đáp án câu 2 gồm 2 ý nói về sự khó khăn vất vả cực nhọc và thái độ của tác giả. Thế nhưng trong tất cả các bài viết mà giáo viên này chấm chỉ có một em đạt được trọn điểm, còn lại đều bỏ sót ý niềm thương cảm của tác giả.

Tiếp đó là câu 3, nội dung nêu tác dụng của phép điệp là nhấn mạnh vẻ đẹp phong phú của biển cả, tạo giọng điệu hào hứng, say mê. Nhưng đa số thí sinh đều bỏ sót ý thứ 2 nên chỉ được nửa điểm.

Ngoài phần đọc hiểu, câu nghị luận văn học cũng gây khó cho thí sinh. Thể ký mặc dù khó nhưng đã có sẵn dữ liệu, vì thế chỉ cần bám vào dữ liệu để làm bài. Tuy nhiên số thí sinh cảm thụ ổn lại rất ít. Câu này được 5 điểm, nhưng phổ điểm thí sinh đạt nhiều chỉ từ 2,5 đến 3 điểm, điểm 4 khá ít và chủ yếu dành cho những em có cảm nhận sâu sắc.

Cũng theo giáo viên này, trong quá trình chấm có một số bài thi bị điểm liệt do các em chỉ chép lại toàn bộ đề thi rồi không làm gì. Cũng có một số bài thi “chém gió” nhưng không nhiều vì năm nay đề đã trích sẵn văn bản.

“Trong những bài thi mà tôi chấm không có bài viết nào để lại ấn tượng sâu sắc. Dù đề không hề khó nhưng điểm lại không cao. Thứ nhất có lẽ là do phần đọc hiểu ra thể loại thơ khiến các em khó cảm hơn, vì thế khó lấy được điểm trọn vẹn. Thứ hai, đặc điểm của thể ký thí sinh thường không thích, không hào hứng. Hơn nữa suy nghĩ của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện trong đoạn văn bản khá hay cho nên thí sinh khó lột tả hết được xúc cảm đó", cô giáo này cho hay.

Hiếm bài thi ấn tượng

Là Trưởng môn chấm thi môn Ngữ văn tại TP.HCM, bà Trương Thị Bích Thủy , Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương, quận 1, cho biết bài làm của thí sinh phản ánh “băn khoăn” của giáo viên dạy Văn khi đọc đề. Các thầy cô đã nhận định chính xác về cách làm bài của thí sinh đối với phần đọc hiểu và câu nghị luận xã hội (NLXH).

Chất lượng bài thi cho thấy thí sinh trả lời chung chung câu 2 và câu 4 phần đọc hiểu. Câu nghị luận xã hội đa số viết đoạn văn với câu từ không gợi cảm xúc, không thể hiện suy nghĩ sâu sắc, không sáng tạo mới mẻ. Người chấm mong đọc được những “điểm sáng lóe lên” trong diễn đạt của thí sinh nhưng rất ít.

Từ khi đọc đề thi, giáo viên đã nói về câu lệnh trong phần làm văn nghị luận xã hội: “Sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” hay là “sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống”. Thế nhưng đa số thí sinh nói chung chung về “ý chí”, có cảm giác nếu câu lệnh nào thí sinh cũng viết như vậy. Vậy nên từ lúc họp triển khai đáp án đến thống nhất biểu điểm hướng dẫn và trong khi chấm, cán bộ chấm thi thực hiện chấm theo đáp án và hướng dẫn về vấn đề cần nghị luận là “sức mạnh ý chí của con người”.

Theo bà Thủy, qua thống kê, bài thi đạt điểm trung bình và khá có tỉ lệ hơn 85%. Tỉ lệ điểm dưới trung bình 10,5% và tỉ lệ điểm giỏi khoảng 2%. Con số này thể hiện mức độ phân hóa của đề thi. Điểm thi đạt độ an toàn cao cho thí sinh khi tính điểm Tốt nghiệp THPT. Đối với tuyển sinh Đại học, các khối – ngành lấy điểm môn Văn đòi hỏi mức độ phân hóa cao hơn có lẽ chưa đáp ứng được.

Bà Thủy cũng cho biết thêm, công tác chấm thi được tổ chức nghiêm túc. Năm nay, các thao tác hồ sơ giấy tờ yêu cầu thực hiện nhiều hơn đối với một bài chấm. Ban lãnh đạo Sở GD&ĐT cập nhật và chỉ đạo xử lí kịp thời, hiệu quả. Giáo viên ý thức cao về nhiệm vụ... nên dù khá căng thẳng và áp lực, giáo viên cũng tuân thủ thực hiện tốt công tác chấm thi, đảm bảo độ chính xác cao trong chấm vòng 1, vòng 2.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày