Giáo viên dò đường vượt suối vận động học sinh trở lại trường nơi biên giới

Linh Nga, Theo Giáo dục và Thời đại 15:12 03/02/2023
Chia sẻ

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giáo viên ở huyện biên giới Mường Nhé (Điện Biên) lại “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để huy động học sinh đến lớp.

Giáo viên dò đường vượt suối vận động học sinh trở lại trường nơi biên giới - Ảnh 1.

Thầy Tráng A Thào, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh.

Đến từng nhà, gặp từng trò

Theo thông lệ, sau mỗi kì nghỉ dài như Hè hoặc Tết Nguyên đán, học sinh vùng cao ở huyện biên giới Mường Nhé thường có tâm lý ngại trở lại trường học. Một phần do đường xá đi lại khó khăn, phần cũng bởi nhiều em vì hoàn cảnh gia đình, bố mẹ đi làm ăn xa không có người nhắc nhở, hoặc gia đình cần người để đi làm nương...

Sau gần 1 tuần đầu vận động, tỷ lệ học sinh ở huyện Mường Nhé đến lớp đã tăng dần qua từng hôm. Ngày 2/2, toàn huyện có xấp xỉ 92% học sinh đi học.

Để học sinh sớm trở lại học tập theo đúng lịch, trước mỗi kì nghỉ, Ban giám hiệu các trường trên địa bàn huyện Mường Nhé đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên về từng bản tuyên truyền, vận động học sinh và gia đình. Các trường đều chủ động có thông báo trước về thời gian nghỉ và ngày đi học lại để phụ huynh và học sinh nắm rõ. Bên cạnh đó, trước kỳ nghỉ Tết, các trường cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm, sinh hoạt phong phú thu hút học sinh tham gia, để các em thêm hứng thú đến trường.

Thầy Tráng A Thào, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch (xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé) cho biết: Công việc dạy học ở đây khó khăn nhất là duy trì sĩ số học sinh. Nhất là sau những kỳ nghỉ lễ, giáo viên của trường phải đến từng bản, gặp từng nhà để vận động học sinh trở lại trường.

Nhiều khi các em nghỉ đi nương xa cùng cha mẹ, giáo viên phải dò hỏi đường rồi leo dốc, vượt suối vào tận rẫy để vận động học trò đi học lại. Có khi một nhà phải đến mấy lần mới gặp được các em. Việc giáo viên phải vào tận bản, đến từng nhà, tìm từng học sinh để động viên các em đi học là một việc quá đỗi quen thuộc với những giáo viên nơi đây.

Giáo viên dò đường vượt suối vận động học sinh trở lại trường nơi biên giới - Ảnh 2.

Học sinh đi học sau kỳ nghỉ Tết.

Địa hình trên địa bàn huyện xa xôi, cách trở, các giáo viên rất vất vả để giúp các em trở lại trường học. Dù gặp nhiều khó khăn, gian nan, vất vả nhưng các thầy cô đều không nản lòng, hết sức cố gắng, nỗ lực vận động để đảm bảo sĩ số lên lớp cũng như chất lượng học tập.

“Đường xá đi lại khó khăn, dốc lên dốc xuống trơn trượt cộng thêm thời tiết vùng cao mùa này sương mù dày đặc, rét “cắt da cắt thịt”. Vì thế, nên ban ngày các thầy cô ở đây sẽ tranh thủ đi vận động học sinh, tối đến lại cặm cụi bên trang giáo án để chuẩn bị cho trò những bài giảng hay, truyền đạt được nhiều kiến thức”, thầy Thào chia sẻ.

Ngày học bình thường giáo viên có thể vào tiết học luôn, nhưng những ngày học sau nghỉ lễ, để tạo hứng thú hơn cho học sinh trước khi bước vào tiết học, thầy cô sẽ tổ chức cho các em nhiều hoạt động thư giãn như tập thể dục tại chỗ, chơi trò chơi hoặc giải câu đố vui…

Với niềm hân hoan, háo hức, đường đến trường vốn gian nan bởi qua nhiều con dốc… dường như cũng trở nên dễ dàng hơn. Em Hạng Thị Pàng, học sinh lớp 7B Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch chia sẻ: “Sau kỳ nghỉ Tết em rất háo hức quay lại trường đi học để được gặp thầy cô, bạn bè, được nói chuyện, chơi cùng mọi người. Đi học chúng em được ăn ngon, mặc ấm. Trong phòng ở nội trú có nhiều bạn cùng lớp nên ngoài giờ lên lớp chúng em cùng nhau học, cùng nhau sinh hoạt rất vui”.

Nỗ lực bằng nhiều giải pháp

Kể thêm khó khăn khi về bản tuyên truyền, vận động học sinh trở lại lớp, cô Kiềng Thị Thời, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Leng Su Sìn, (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé) chia sẻ: “Là người dân tộc Tày, nên tôi chỉ thạo tiếng phổ thông và tiếng dân tộc mình. Nhưng địa bàn tôi được phân công lại hầu hết học sinh là con em người Hà Nhì và Mông. Đó cũng là trở ngại rất lớn đối với tôi”.

Để hiểu và chia sẻ được với hoàn cảnh của từng học sinh, cô Thời đã cố gắng học thêm tiếng Mông và Hà Nhì. Nhờ đó, việc dạy học cũng đạt hiệu quả.

Giáo viên dò đường vượt suối vận động học sinh trở lại trường nơi biên giới - Ảnh 4.

Giáo viên đi từng nhà để vận động học sinh đến lớp.

Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho biết: Do đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Mường Nhé thường có tập tục ăn tết dài ngày. Cùng với đó sau tết lại thường tổ chức các lễ hội nên bà con cũng cho con em nghỉ học vui lễ cùng gia đình.

Để đảm bảo chất lượng, số lượng học tập, Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé đã phối hợp với các xã, đồn biên phòng trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động cho nhân dân vui chơi tết sớm hơn. Đồng thời, trong các hoạt động đều có lồng ghép nội dung thông tin kế hoạch giảng dạy, học tập để học sinh, phụ huynh chủ động nắm bắt.

Cũng theo thầy Phạm Thiết Chùy, với đặc thù của địa bàn biên giới thì giáo viên không đơn thuần chỉ làm nghề dạy học, mà họ còn như người cha, người mẹ của các em. Đơn cử như trường hợp học sinh nhỏ tuổi phải học xa trường, xa lớp; học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có bố mẹ, người thân ở gần hoặc học sinh có ý định lấy vợ, lấy chồng thì Ban giám hiệu các trường phải giao giáo viên chủ nhiệm chủ động nắm bắt cụ thể từng hoàn cảnh để kịp thời động viên, hỗ trợ.

Còn với số học sinh chưa đến trường, giáo viên cũng phải gặp gỡ gia đình, tìm hiểu nguyên nhân để có cách vận động phù hợp. “Cùng với việc giảng dạy trên lớp thì những ngày tới giáo viên toàn huyện sẽ tiếp tục về bản đưa học sinh trở lại trường”, thầy Chùy nói.

Nhờ có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ giáo viên các trường cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào vùng cao tại huyện Mường Nhé cũng đã quan tâm tới việc học của con em mình. Học sinh cũng hào hứng khi trở lại lớp học hơn trước. Do vậy, hai năm trở lại đây, tình trạng lớp học vắng bóng học trò sau mỗi đợt nghỉ Tết đã không kéo dài như trước.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày