Hàng nghìn năm nay, các bậc cha mẹ Trung Quốc luôn xây dựng hình tượng “cha hổ, mẹ mèo” trong phương pháp nuôi dạy con. “Cha hổ” đề cập đến những người cha nghiêm khắc, vô cùng kỷ luật uốn nắn con, nhiều lúc sử dụng biện pháp mạnh; trong khi đó “mẹ mèo” sẽ là người dịu dàng, hiền từ trong mắt con, người mẹ giữ vai trò là người động viên, khuyến khích và yêu thương con theo cách tâm lý và mềm mỏng.
Trong một tập phát sóng chương trình truyền hình “Siêu não thiếu niên đoàn” của Đài truyền hình Giang Tô, cậu bé Gao Peiqi với trí tuệ siêu phàm dù đã vượt qua các vòng thi, nhưng vẫn không thể chiến thắng do không đủ thời gian trả lời một câu hỏi. Cuối cùng, cậu bé đã bật khóc.
Sau đó, bố cậu bước ra giữa sân khấu, ôm chầm lấy con trai và động viên: “Con trai, chiến thắng cũng giống như kẹo ngọt, nếu ăn quá nhiều con sẽ sâu răng. Thất bại cũng giống như liều thuốc, nó có thể chữa bệnh cho con. Cố lên con!”
Bố của Gao Peiqi động viên con (Ảnh: NetEase)
Trong thời đại ngày nay, khái niệm “cha hổ, mẹ mèo” đã không còn phổ biến ở Trung Quốc như trước, mà thay vào đó là “mẹ hổ, cha mèo”. Những ông bố sẽ xây dựng hình tượng người cha hiền từ trên con đường trưởng thành của con cái, làm người bạn đồng hành cùng con.
Người cha sẽ đổi vai trò với người mẹ, động viên nhẹ nhàng khi chúng bị mẹ mắng. Nếu như con có điều gì không dám nói với mẹ, chúng sẽ trình bày với cha. Cổ ngữ Trung Quốc có câu: “Nghiêm phụ từ mẫu”, ngày nay đã trở thành “Nghiêm mẫu từ phụ”, tức là xây dựng hình tượng người cha hiền từ và người mẹ nghiêm khắc trong gia đình.
Giáo sư nổi tiếng Li Meijin cho rằng: Thực ra, phương pháp giáo dục gia đình tốt nhất nên có sự kết hợp “Nghiêm mẫu từ phụ”, tức là một người mẹ nghiêm khắc và một người cha hiền từ. Người mẹ nên cứng rắn và kỷ luật khi dạy con, còn người cha nên mềm mỏng, tâm lý.
Giáo sư nổi tiếng Li Meijin hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc (Ảnh: NetEase)
Trong một tập phát sóng của chương trình truyền hình đài Đông Nam, Giáo sư quan sát thấy, hầu hết các khách mời là những người "lần đầu làm cha" đều cho câu trả lời là hai từ "nghiêm khắc" khi được người dẫn chương trình phỏng vấn "Bố của bạn là người như thế nào?".
Một khách mời chia sẻ, ấn tượng sâu sắc nhất trong tâm trí anh ta về cha mình chính là những câu la mắng "kém cỏi như một con lợn", hình ảnh roi vọt, đánh đập con vì không nghe lời.
"Cách giáo dục của cha đối với chúng tôi là dùng vũ lực để giải quyết", anh chia sẻ. Vì sợ bị đánh, anh chọn cách trốn chạy, ít gần gũi với cha mình. Thậm chí, khi anh bước vào tuổi trung niên, anh và cha vẫn còn "chiến tranh lạnh".
Khách mời chương trình chia sẻ về ấn tượng với cha mình (Ảnh: NetEase)
Lời nói nặng nề của người cha đã khiến người đàn ông này gần như sống trong mặc cảm, lâu ngày cảm thấy mình vô dụng, khiến anh tự ti trước mặt đồng nghiệp, thậm chí anh còn cảm thấy sự tồn tại của bản thân chính là một sai lầm.
Thực ra, những người cha khắt khe như vậy là vì muốn tốt cho con mình, muốn dạy con mạnh mẽ hơn, yêu thương con theo cách “cho roi cho vọt”. Đồng thời thể hiện sự uy nghiêm của người cha để con biết sợ và vâng lời. Nhưng đôi khi phương pháp giáo dục con như thế này lại chưa đúng cách.
Giáo sư Li Meijin cho rằng, những lời la mắng của người cha sẽ vô tình trở thành sự bạo hành tinh thần đối với con cái.
Nghiên cứu của Đại học Cambridge cũng cho thấy, lời la mắng của cha ảnh hưởng nhiều hơn đến tâm lý của con so với những lời la mắng của người mẹ. Những lời nói này khiến khoảng cách giữa cha và con ngày càng tăng, thậm chí, một số đứa trẻ có thể trở nên “lạc lối” vì phải chịu những tổn thương của bạo lực ngôn từ.
Bạo lực ngôn từ cũng giống như “sát thủ thầm lặng” đối với tinh thần của mỗi đứa trẻ. Đã có nhiều trường hợp con trả thù cha vì không thể chịu đựng sự áp bức tinh thần mỗi khi nghe cha mình la mắng.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, đối với một số bé trai luôn xem cha mình là thần tượng từ khi còn nhỏ, chúng nghĩ rằng cha luôn đúng, sau này sẽ bắt chước cách dạy con cực đoan của cha, giáo dục thế hệ con cái của chúng theo phương pháp này. Đối với trẻ em gái, cách giáo dục này sẽ khiến các em có xu hướng bị ám ảnh bởi bạo lực, sang chấn tâm lý và có cái nhìn không tốt về đàn ông sau khi trưởng thành.
Là một người cha, cần phải giao tiếp nhẹ nhàng với con và thấu hiểu nỗi lòng của con, thay vì chỉ trừng phạt con và thể hiện hình ảnh một người cha nghiêm khắc, luôn cho rằng mình đúng.
Trong mỗi gia đình, xét đến cùng, người mẹ luôn là những người “hiền từ”. Ấn tượng của người mẹ trong mắt con chính là sự dịu dàng và nhân hậu. Người mẹ hiền luôn mong muốn con của mình hạnh phúc. Vì vậy, thay vì nói “không” - điều đó có nguy cơ làm “mất lòng” con, nhiều người mẹ dễ dàng nhượng bộ và để trẻ có được bất cứ thứ gì chúng muốn.
Ảnh minh họa
Người mẹ dịu dàng với con là không sai, nhưng không thể quá nhẹ nhàng nuông chiều con. Người mẹ phải có những nguyên tắc kỷ luật và sự uy nghiêm của riêng mình.
Một đứa trẻ thèm gì được nấy, không có thì trở nên cáu gắt, được nuông chiều bằng mọi cách, và nó càng lấn lướt hơn. Những người mẹ thường cho rằng “trẻ con thì không biết gì”, nhưng thực tế, lâu dần thói quen nuông chiều và không kỷ luật đối với yêu cầu của chúng sẽ khiến con ngày càng đòi hỏi những nhu cầu vô lý, và sẽ nổi loạn khi không được đáp ứng.
“Mẹ nghiêm” không có nghĩa là dạy con trẻ bằng cách đánh đập, mắng mỏ, mà đề cập đến thái độ và yêu cầu nghiêm khắc. Hãy tạo cho trẻ một “giới hạn” mà trẻ không được chạm vào nó. “Cha hiền” không phải là sự hiền từ đến mức vô kỷ luật, nhu nhược, đáp ứng mọi nhu cầu và bảo vệ con mù quáng, mà chính là sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc con có lý trí.
Tuy nhiên, để phương pháp giáo dục gia đình đạt hiệu quả nhất, phải có sự kết hợp giữa “cha hiền” và “mẹ nghiêm”. Điều này không chỉ đòi hỏi người mẹ phải cố gắng xây dựng hình ảnh một người mẹ nghiêm khắc, mà còn cần sự tôn trọng từ phía người cha. Vì vậy, là chồng, đừng bao giờ thể hiện thái độ thiếu tôn trọng vợ trước mặt con mình, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến đánh giá của đứa trẻ đối với cha mẹ.
Theo NetEase