Mới đây, GS Dương Quang Trung lần thứ hai nhận được giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất tại Hội nghị GLOBECOM 2019. Trước đó, anh cũng nhận được giải thưởng tương tự tại hội nghị này năm 2016.
GS Dương Quang Trung.
Trong khoảng hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, GS Dương Quang Trung đã giành nhiều giải thưởng danh giá: 1 trong 8 nhà khoa học giành giải Fellowship của Hội Khoa học hoàng gia Anh Quốc từ năm 2016 đến năm 2021 (trị giá 1 triệu USD); giải thưởng Newton Prize 2017 của Chính phủ Anh (trị giá 200 nghìn bảng Anh); giải thưởng Nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất năm 2016 của ĐH Queen’s; được ĐH Queen’s vinh danh là nhà khoa học có công trình nghiên cứu mang tính đột phá sáng tạo năm 2018.Anh là nhà khoa học còn khá trẻ, năm nay vừa tròn 40. Hiện tại, anh đang giảng dạy tại ĐH Queen’s Belfast (vương Quốc Anh).
Anh cũng đoạt giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất (Best Paper Award) tại các hội nghị hàng đầu về ngành Viễn Thông và mạng 5G như hội nghị IEEE GLOBECOM 2016 và 2019 tại Mỹ, hội nghị IEEE ICC 2014 tại Australia, hội nghị IEEE VTC 2013 tại Đức.
Cũng trong năm 2019, GS Dương Quang Trung góp tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có trích dẫn nhiều nhất thế giới năm 2017 do Tạp chí PLoS Biology công bố.
Các nhà khoa học Việt Nam và Vương Quốc Anh tham dự hội thảo “UK-Vietnam Workshop in IoT 2018” tại trường Queen's. |
Dương Quang Trung sinh ra và lớn lên tại thành phố cổ Hội An, Quảng Nam, trong một gia đình cơ bản có ba mẹ là công chức nhà nước, đến nay đã về hưu. Dù cả gia đình không có ai làm nghề giáo hay nghiên cứu khoa học, nhưng với anh, gia đình luôn là nền tảng quan trọng nhất, là động lực hằng ngày để anh phấn đấu.
Việc học của cậu bé Dương Quang Trung ngày nhỏ cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Suốt những năm tháng học trò, Dương Quang Trung tự nhận mình không phải là cậu học sinh giỏi trong các kỳ thi. Nên dù luôn được góp tên trong danh sách dự thi học sinh giỏi nhưng chưa từng giành được giải thưởng nào. Đến nay, khi đã thành danh tại “trời Tây”, Dương Quang Trung vẫn giữ ấn tượng về Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An. Ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 50 năm.
GS trẻ bồi hồi: “Đối với tôi, phố cổ Hội An hay ngôi trường Trần Quý Cáp không chỉ là quê hương, là cái nôi đã sinh tôi ra, mà đó còn là nơi để tôi quay về. Tôi biết rằng ở nơi đó, có người thân, thầy cô và những người bạn luôn dõi theo từng bước đi và ủng hộ mình. Đó là nguồn động lực vô cùng lớn lao”.
“Con đường tôi đi không trải hoa hồng”
Dương Quang Trung từng là sinh viên xuất sắc của ĐH Bách khoa TPHCM, anh đạt tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Viễn thông. Ngay từ khi còn học đại học, Dương Quang Trung đã được tạo thói quen nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Anh, anh cảm thấy may mắn vì điều đó giúp anh có nền tảng tốt cho quá trình đi du học sau này.
GS Dương Quang Trung làm chủ tọa tổ chức sự kiện cho các sinh viên ASEAN tham dự về smart cities và IoT, tháng 8 năm 2018. |
Mặc dù vậy, anh cũng chia sẻ với VietNamNet: “Con đường tôi đi không trải hoa hồng. Tôi từng gặp khá nhiều thất bại”.
Thất bại, hay điều khó khăn đầu tiên mà anh nói chính là khoảng thời gian sau tốt nghiệp đại học. Mặc dù cầm tấm bằng loại giỏi trong tay, nhưng khi nộp hồ sơ du học thạc sĩ, anh bị từ chối với khá nhiều lý do. Phải mất một năm để anh hoàn thiện hồ sơ cá nhân và xin được học bổng toàn phần của chính phủ Hàn Quốc cho sinh viên tài năng ngành IT (học bổng IITA).
Sau khi có bằng Thạc sĩ, năm 2007, anh tiếp tục nộp hồ sơ học Tiến sĩ chuyên ngành hệ thống Viễn thông, và cũng nhận được học bổng toàn phần.
“Tính ra phải mất 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mới nhận được bằng Tiến sĩ, so với nhiều bạn trẻ hiện nay thì đó là khoảng thời gian khá dài. Nhưng tôi nghĩ rằng, chính những bước đi chậm mà chắc đó, đã tạo ra nền tảng cơ bản tốt cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi sau này”, GS nói.
Tận tâm trong vai trò của “người đưa đò”
Tốt nghiệp Tiến sĩ vào cuối năm 2012, vào đầu năm 2013, Dương Quang Trung được nhận vào ngạch Giáo Sư của trường ĐH Queen’s Belfast, không phải trải qua giai đoạn hậu Tiến sĩ (thông thường phải mất từ 3 năm đến 5 năm hay nhiều hơn).
Queen’s Belfast là 1 trong 24 trường ĐH hàng đầu của Vương quốc Anh. Riêng ngành Viễn Thông thì trường Queen’s được xếp hạng 28 trên thế giới, thứ 2 ở Vương Quốc Anh và thứ 5 ở Châu  (theo bảng xếp hạng của Thượng Hải - Shanghai Ranking).
Công tác tại ngôi trường này đến nay đã 6 năm, GS Dương Quang Trung không thể nhớ hết số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh của mình, bởi con số khá lớn. Riêng Tiến sĩ, anh đã đào tạo hơn 10 người, trong đó, nghiên cứu sinh người Việt chiếm đa số.
“Tôi có một nghiên cứu sinh người Việt, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ đã sang Canada làm việc. Năm ngoái, bạn ấy cũng đã đoạt giải thưởng “Best Paper Award” tại hội nghị lớn của ngành Viễn Thông là IEEE ICC 2018. Giải thưởng của bạn cũng chính là phần thưởng cho một người hướng dẫn như tôi”, GS hạnh phúc nói.
Chương trình “Trại hè nghiên cứu Khoa học 2016” do GS Dương Quang Trung tổ chức tại Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng. |
Chia sẻ về vấn đề chảy máu chất xám, GS Dương Quang Trung cho rằng không nên có khái niệm này. Theo GS trẻ, bất cứ ai làm công việc giúp gây dựng cho xã hội nói chung và cho Việt Nam nói riêng đều là đóng góp chất xám. “Khoa học không phân biệt biên giới hay chính trị”, anh nhấn mạnh.
Điều đó được thể hiện thông qua việc anh vẫn sắp xếp thời gian về nước ít nhất 4-5 lần mỗi năm, để tham gia các hội thảo khoa học, trình bày các báo cáo chuyên đề, làm việc với các nhóm nghiên cứu, hỗ trợ các bạn sinh viên.
Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng là nơi anh tổ chức “Trại hè nghiên cứu Khoa học” thường niên. Đến nay, qua 5 kỳ, hơn 60% các học viên tham dự trại hè đã xin được học bổng toàn phần ở nhiều quốc gia phát triển như: Mỹ, Anh, Úc, Đức, Canada, Bỉ, Nhật, Ý…
(Ảnh: NVCC)