Nếu như trước đây đột quỵ thường xảy ra phổ biến ở người cao tuổi thì hiện nay đột quỵ đang ngày một trẻ hoá.
Thống kê của Tổ chức Đột Quỵ Mỹ cho thấy có khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi trong khoảng từ 18 tới 45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua.
Theo thống kê của Trung tâm Cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện 115, trong các ca nhập viện do đột quỵ thì đột quỵ não chiếm tỷ lệ cao nhất (85%) và có xu hướng tăng đều qua các năm, từ 10,351 người (2016) tăng lên 11,787 (2018), đặc biệt xuất hiện những ca tuổi đời còn rất trẻ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm có khoảng 17 triệu người đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu người phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho cả gia đình và cộng đồng.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, từ 200/100.000 người/năm (1990) lên đến 250/100.000 người/năm (2010). Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ và 11.000 ca tử vong do đột quỵ.
Đột quỵ đang xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ (Ảnh minh hoạ)
GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết: "Đột quỵ tại Việt Nam và trên thế giới đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Tại Việt Nam người trẻ xuất hiện đột quỵ tăng.
Nguyên nhân xuất phát từ các thói quen xấu, do phong cách và lối sống, chế độ ăn uống, lạm dụng rượu bia, ăn đồ ăn nhanh - chiên rán, uống nhiều đồ uống có ga, ăn quá mặn, ít ăn rau và hoa quả nên tỷ lệ mỡ máu cao và tăng huyết áp.
Nhu cầu đời sống xã hội, căng thẳng trong công việc, làm tăng ca, stress, lối sống văn phòng tĩnh tại, ngồi lì bàn giấy và sử dụng máy tính, điện thoại thông minh quá nhiều thời gian, ít tập luyện làm tăng huyết áp".
Ngoài ra, các yếu tố như ô nhiễm môi trường, hút thuốc, coi thường bệnh tật và sức khoẻ, nghĩ tuổi trẻ không bị tăng huyết áp, mỡ máu, béo phì đã khiến cho người trẻ đến gần với căn bệnh đột quỵ sớm hơn.
Theo GS. Thông cách phòng đột quỵ ở người trẻ tốt nhất là cần thay đổi lối sống không hợp lý - khoa học, tăng cường tập luyện. Đối với người hút thuốc cần phải sớm bỏ thuốc lá và không lạm dụng rượu bia. Người thừa cân béo phì cần phải giảm cân.
Bên cạnh đó, người dân cần phải có ý thức đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là duy trì điều trị những bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
"Nếu những người trẻ có một trong các biểu hiện như tăng huyết áp (cơn bốc hỏa, đau đầu, mệt mỏi, giảm hiệu suất lao động và làm việc, mất ngủ, đo huyết áp thấy >130/90mmHg, mỡ máu cao, béo phì) là cần phải thăm khám đánh giá để dự phòng tăng huyết áp, RL chuyển hóa lipid. Đây là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tăng huyết áp, là nguyên nhân cơ bản gây đột quỵ", GS. Thông chia sẻ.
Nhận biết và phòng ngừa đột quỵ: Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng, do đó việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng. Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như:
- Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng.
- Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn.
- Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch.
- Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.
- Giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.
Khi bắt gặp những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.