Các cầu thủ đẳng cấp như Oscar đang bị ngăn đường gia nhập giải Super League
Theo đó, như mùa giải trước thì năm nay, phí chuyển nhượng trong một thương vụ mua bán cầu thủ nước ngoài vẫn chỉ tối đa là 45 triệu Nhân dân tệ (6,6 triệu USD), với cầu thủ nội là 20 triệu (3 triệu USD). Số lượng cầu thủ đăng ký cho một trận đấu là 23, trong đó mỗi đội được đăng ký tối đa 5 cầu thủ nước ngoài.
Mức trần 3 triệu USD áp lên các cầu thủ nội được cho là hợp lý bởi trong đội hình ĐT Trung Quốc, người đắt giá nhất cũng chỉ là 850 ngàn USD (trung vệ nhập tịch Jiang Guangtai). Do vậy, khó có trường hợp một CLB đưa ra cái giá điên rồ để mua cầu thủ nội.
Vấn đề sẽ chỉ phát sinh ở trường hợp cầu thủ ngoại. Mức trần 6,6 triệu USD đang gây nên tranh cãi rất lớn trong dư luận Trung Quốc bởi chuyện một giải đấu hạn chế phí chuyển nhượng là điều rất hiếm thấy. Thậm chí động thái từ CFA được cho là đang "kìm hãm sự phát triển" của các CLB nói riêng và bóng đá Trung Quốc nói chung.
Thời các CLB chiêu mộ ngoại binh rầm rộ giờ đã xa
"Thị trường chuyển nhượng vẫn bị can thiệp thô bạo"; "Thay đổi liên tục nhưng chỉ khiến cho giải đấu tệ hơn"; "Tất cả đều là thụt lùi"... Đây là những bình luận tiêu biểu của người hâm mộ Trung Quốc trên mạng xã hội Sohu.
Với động thái áp trần trong thời gian gần đây, có thể khẳng định CFA muốn giúp các CLB tránh khỏi cảnh vung tay quá trán như trước. Nhưng mặt khác, quyết định này cũng thừa nhận sự sa sút của giải VĐQG Trung Quốc, mất sức hút với lực lượng "lính đánh thuê".
Cách đây chỉ vài năm, việc những thương vụ 10-20 triệu USD vẫn thường xuyên diễn ra. Trong tốp 10 thương vụ mua lớn nhất xứ tỷ dân, thấp nhất cũng có giá tới 17 triệu USD, trong khi cao nhất là trường hợp Oscar vào năm 2016 (80 triệu USD). Với mức trần đang áp, các CLB Trung Quốc càng khó chiêu mộ cầu thủ chất lượng cao từ bên ngoài.