Tập 7 Cơ Hội Cho Ai là cuộc đối đầu giữa cặp đôi ứng viên: Bùi Ngọc Anh, 24 tuổi, cử nhân ngành Kinh tế Đối ngoại trường đại học Ngoại thương. Nữ ứng viên có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing, đặc biệt là Marketing phát triển thương hiệu tại các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, cô nàng Gen Z này cũng là một nhà sáng tạo nội dung có liên quan đến giáo dục, kỹ năng, tin học văn phòng trên nền tảng mạng xã hội.
Phạm Huyền Trinh, 23 tuổi, cử nhân ngành Kinh tế Quốc tế trường đại học Kinh tế Quốc dân. Nữ ứng viên có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực content marketing, 1 năm kinh nghiệm làm biên tập viên cho hệ thống trang cộng đồng, 1 năm đồng hành dẫn dắt và phát triển nhóm sản xuất nội dung, xây dựng phát triển cộng đồng hơn 400,000 người bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cô nàng sinh năm 1999 này còn sở hữu kênh TikTok cá nhân với hơn 30 nghìn người theo dõi.
Chủ đề phản biện dành cho 2 ứng viên là: "Công ty có nên áp dụng chính sách quản lý hoạt động sử dụng mạng xã hội của nhân viên hay không?". Ngọc Anh cho rằng đây là bài toán quản lý con người theo hình thức từ trên xuống. Theo đó, đối với cấp manager, chỉ nên tập trung vào kết quả công việc. Đối với các nhân sự cấp thấp hơn, doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống kiểm soát, định lượng để quản lý các hạng mục công việc, thời gian làm việc, thông quá đó đánh giá chính xác hiệu quả mang lại. "Giả sử công việc đã được hoàn thành, thì thời gian họ lướt web 100 tiếng/ tuần với 100 nhân sự, thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, đáng báo động nếu thời gian lướt mạng xã hội quá nhiều, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc" - Nữ ứng viên bổ sung.
Mặt khác, Huyền Trinh đưa ra quan điểm khá rõ ràng. Đối với những công việc bắt buộc dùng mạng xã hội như Marketing và những công việc có sự bảo mật thấp, thì không nên áp dụng cơ chế quản lý sử dụng mạng xã hội đối với nhân viên và ngược lại. Theo cô, việc áp dụng chính sách quản lý sử dụng mạng xã hội đối với nhân viên có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là doanh nghiệp có thể quản lý được thời gian sử dụng mạng xã hội và nội dung đăng tải trên trang cá nhân của nhân viên. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể hạn chế được những rủi ro có khả năng xảy ra và kịp thời xử lý, đồng thời, có thể phân tích, đánh giá và thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của nhân viên. Nhưng ngược lại, một doanh nghiệp lúc nào cũng quản lý nhân viên làm gì, đăng gì trong giờ làm việc sẽ gây nên sự bất mãn, sự ức chế, lâu dài sẽ làm giảm hiệu suất công việc.
Kết thúc vòng Đối mặt, Huyền Trinh giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ với điểm số 4/5 và bước tiếp vào vòng Chinh phục.
Dù phải dừng cuộc chơi sớm, thế nhưng Ngọc Anh vẫn nhận được nhiều thiện cảm và offer từ phía Sếp Tiến và Sếp Nga. Nếu Sếp Nga chiêu mộ cô nàng Gen Z sở hữu 1,3 triệu follower cho vị trí Trợ lý giám đốc truyền thông; Sếp Tiến thuyết phục Ngọc Anh "đừng ra Hà Nội, hãy ở lại Sài Gòn" và gia nhập vào đội anh để tạo ra hàng trăm kênh đạt triệu follow. Trước thiện chí từ phía 2 Sếp, Ngọc Anh quyết định sẽ đầu quân về với sếp Tiến nếu đạt được những thỏa thuận sau chương trình.
Mở đầu vòng Chinh phục, Sếp Trí đặt câu hỏi cho Huyền Trinh: "Đối với một người làm nội dung như em, thì số lượng hay chất lượng quan trọng hơn? Ngoài ra, đánh giá số lượng thì dễ rồi, nhưng để đánh giá chất lượng thì như thế nào?".
Nữ ứng viên khẳng định cả số lượng và chất lượng đều quan trọng đối với những người làm nội dung. Và cách để đánh giá chất lượng của bài đăng là thông qua các chỉ số tiếp cận thực tế của bài viết đó trên các nền tảng.
Mức lương kỳ vọng của Huyền Trinh là 15 triệu đồng. Cô nàng Gen Z nhận được 4 lời mời làm việc: vị trí Chuyên viên Marketing với mức lương 16 triệu đồng; vị trí Phụ trách nhóm mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng; vị trí Chuyên viên nội dung mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng; vị trí Manager of Digital Content với mức lương 20.006.789 đồng. Kết quả chung cuộc, Huyền Trinh quyết định đầu quân về ASIM cho vị trí Chuyên viên nội dung mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng.