Giá vàng chạm đỉnh, dân văn phòng than thở: Lương giảm nhưng vàng tăng bốc đầu

Nguyệt , Theo Phụ Nữ Số 00:00 25/10/2024
Chia sẻ

Giữa thời điểm giá vàng “nóng rực”, nhiều người ngậm ngùi tiếc nuối vì tiền lương không đuổi kịp đà tăng của giá vàng.

Những ngày vừa qua, giá vàng "nóng rực" khi chạm đỉnh giá 89 triệu đồng/lượng ở cả vàng miếng và vàng nhẫn trong chiều ngày 23/10. Sau đó, giá vàng đồng loạt lao đốc nhưng vẫn duy trì ở mốc rất cao là 87-88,9 triệu đồng/lượng.

Trong khoảng thời gian giá vàng tăng vùn vụt, những chủ đề liên quan đến kim loại quý này lại được thảo luận rôm rả. Người vui nhất thì chắc chắn là hội đang nắm vàng trong tay. Tuy nhiên, cũng có nhiều dân văn phòng ngậm ngùi thở dài vì giá vàng cao ngất. Tiền lương chưa tăng mà giá vàng đã “bốc đầu” tăng vùn vụt khiến họ tiếc nuối vì đã không tích tiền mua vàng sớm hơn.

Giá vàng chạm đỉnh, dân văn phòng than thở: Lương giảm nhưng vàng tăng bốc đầu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Buồn của dân văn phòng: Lương giảm nhưng vàng tăng giá

Thanh Thủy (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ thời điểm mới đi làm, bố mẹ cô khuyên con gái nên tích tiền mua vàng hàng tháng. “Vì theo quan điểm của phụ huynh, mua nhà đất quá đắt, chứng khoán rủi ro nên cứ mua vàng thì vừa ‘kinh tế’ mà còn an toàn”, cô nàng chia sẻ.

Nghe lời phụ huynh, Thanh Thủy cũng cố gắng tích góp, dành tiền để mỗi lần mua 1 chỉ vàng. Tuy nhiên, từ hai năm trở lại đây, cô nàng đã tạm bỏ thói quen mua vàng vì vàng tăng quá nhanh, nhưng tiền lương thì giảm đi.

Đầu năm nay, cô bạn làm công việc văn phòng và nhận thêm công việc freelancer thì có tổng thu nhập 23-25 triệu/tháng. Tuy nhiên, sau khi mất công việc freelancer thì thu nhập của cô đã giảm chỉ còn ½ so với trước đây.

Cô nàng chia sẻ: “Nếu tính ra thì tiền lương một tháng của mình chỉ đủ mua 1 chỉ vàng. Mà giờ mua vàng thì vất vả, mình phải đăng ký mua, sau đó đi xếp hàng nên mình đã không còn mặn mà với chuyện mua vàng. Điều này là dễ hiểu vì trên thị trường vàng, nguồn cầu đang vượt quá cung.

Ngoài ra, giờ giá vàng đang cao chót vót, nên mình không dám đu đỉnh. Mình sợ vừa mua thì vàng quay đầu giảm, lúc đó phải đợi một thời gian thì mới thu hồi vốn, chứ không tính đến chuyện có lãi.

Trước mình mua vàng để tích sản. Tuy nhiên vào lúc này, mình không dám bỏ tiền lớn mua vàng vì sợ một ngày cần dùng đến tiền luôn. Nhu cầu mua vàng tích sản giờ phải xếp sau thanh toán tiền điện nước ăn uống hàng ngày rồi”.

Một trường hợp khác, Quỳnh Chi (26 tuổi) cũng ngậm ngùi tiếc vì khi vàng giá rẻ đã không quan tâm đến kênh đầu tư này. Đến lúc khi giá vàng tăng cao thì cô nàng khó mua vì tốc độ tăng lương không chạy theo kịp tốc độ tăng của giá vàng.

Cô nàng cho hay: “Mình đi làm văn phòng nhận lương 12-13 triệu. Đầu năm nay, khi giá vàng nhẫn 64 triệu/lượng thì mình có thể mua được 2 chỉ bằng tiền lương 1 tháng. Nhưng giờ giá vàng nhẫn lên 89 triệu/lượng thì mình chỉ còn mua được 1 chỉ.

Hôm trước, mình ngồi nói chuyện với bố mẹ thì nhận ra: Thời bố mẹ chỉ có thể mua được 1 chỉ vàng bằng 1 tháng lương. 20 năm sau, khi mình đi làm, 1 tháng lương cũng được quy đổi ra 1 chỉ vàng. Giá vàng vẫn sẽ tăng cao, nếu mình không làm việc chăm chỉ thì mấy năm sau chỉ sợ tiền lương không đuổi kịp đà tăng của vàng”.

Giá vàng chạm đỉnh, dân văn phòng than thở: Lương giảm nhưng vàng tăng bốc đầu- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cũng trong sự tiếc nuối vì không mua vàng sớm như Quỳnh Chi là Đỗ Hậu (34 tuổi, giáo viên). Cách đây 3 năm, cô nàng thường xuyên tích lũy tiền lương để đều đặn mua vàng. Tuy nhiên, do chứng kiến thị trường vàng liên tục tăng giá khiến Đỗ Hậu không dám mua vàng vì luôn trong tâm lý sợ mua đỉnh.

“Mình chứng kiến giá vàng từ mốc 55 triệu tăng lên 89 triệu đồng mỗi lượng mà thấy tiếc nuối. Trong giai đoạn này, mình chỉ tích lũy được vài chỉ trong nhà vì không dám mua vàng vào. Giờ vàng đã tăng 14 triệu mỗi lượng, mà lương mình trong 3 năm qua chỉ tăng 3 triệu. Nếu chỉ trông cậy vào đồng lương từ nghề chính để mua vàng thì quả thật không thể mua nổi với đà tăng của vàng”, cô nàng than thở.

Lời khuyên mua vàng khi giá cao ngất

Cũng giống như Quỳnh Chi và Đỗ Hậu, nhiều người đều do dự về quyết định mua vàng. Sau đó đến khi bỏ lỡ rồi thì mới thấy tiếc nuối vì giờ giá vàng đã tăng cao hơn so với tiền lương hàng tháng kiếm được.

Giữa lúc giá vàng nóng sốt, câu hỏi được nhiều người quan tâm là có nên mua vàng ngay lúc này hay không.

Anh Nguyễn Minh Tuấn (Founder của TOPI, nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân) cho lời khuyên: Trước tiên cần coi vàng là một tài sản trong danh mục đầu tư dài hạn chứ không phải là một tài sản đầu cơ mua đi bán lại trong ngắn hạn.

- Nếu chỉ mua đi bán lại vàng trong ngắn hạn và nghĩ “mua vàng rồi ngày sau sẽ bán lại” thì chắc chắn lỗ. Bởi vì khi đó, bạn sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự chênh lệch cao giữa giá bán và giá mua vàng.

- Với người chọn mua vàng và xem chúng như một lớp tài sản trong danh sách mục đầu tư dài hạn (3-5 năm), thì anh Tuấn lấy ví dụ danh mục đầu tư mẫu gồm 4 tài sản là vàng, gửi tiết kiệm, trái phiếu và cổ phiếu. Khi đó, dù bạn chọn phương án đầu tư từ an toàn cho đến tăng trưởng mạnh, mỗi danh mục đầu tư đều có một tỷ trọng vàng nhất định và thông thường nên bạn xây dựng tài sản từ khi giá còn đang thấp. Nếu giá vàng đang ở mức cao như hiện tại thì:

Nếu danh mục chưa có vàng thì bạn có thể cân nhắc giải ngân một tỷ trọng nhỏ để mua thêm. Nếu danh mục có tỷ trọng vàng vượt mức tiêu chuẩn thì có thể chốt lời phần vượt tỷ trọng và đầu tư thêm vào lớp tài sản khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày