Kênh YouTube của tờ South China Morning Post mới đây đã đăng tải lại một đoạn clip quay lại cảnh một gia đình tại Giang Tô, Trung Quốc lắp đặt 1 chiếc điều hòa dùng chung cho 2 phòng để tiết kiệm tiền điện. Theo đó, thay vì mua và lắp đặt mỗi phòng một chiếc điều hòa, gia đình này lại chọn phương án "nửa này nửa nọ", tức lắp một chiếc điều hòa dùng chung cho 2 phòng ngủ thông qua một lỗ trên tường. Gia đình này cho biết, khi con gái của họ ra khỏi nhà, họ đã bí mật đục một lỗ hổng trên tường vì muốn phòng của con gái cũng được mát mẻ.
Bản thân cô con gái của 2 người cũng rất sốc khi về nhà và phát hiện ra cảnh tượng trên. "Tôi cảm thấy vui khi bố mẹ tôi sẵn lòng chia 1/3 chiếc điều hòa cho phòng tôi", cô cho biết.
Đoạn clip quay lại cảnh gia đình Trung Quốc lắp đặt 1 chiếc điều hòa dùng chung cho 2 phòng ngủ để tiết kiệm tiền điện (Nguồn: SCMP)
Đoạn clip quay lại cách lắp đặt điều hòa kỳ lạ trên nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong số họ muốn tắt điều hòa?", một dân mạng đặt câu hỏi. "Họ nên lắp đặt thêm 1 con lăn, để họ có thể di chuyển điều hòa về phòng mình khi con gái không ở nhà", một dân mạng khác đưa ra ý kiến. Đáng chú ý, không ít dân mạng Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về độ hiệu quả và khả năng tiết kiệm điện khi sử dụng phương án trên. Trước câu hỏi này, một số người dùng công nghệ đã đưa ra những phân tích của riêng mình.
Dùng một chiếc điều hòa cho 2 phòng có hiệu quả hơn hay không?
Với một căn phòng diện tích nhỏ, chúng ta chỉ cần một chiếc điều hòa công suất nhỏ là đủ. Ngược lại, nếu dùng cho 2 căn phòng với diện tích gấp đôi, bạn cần phải mua chiếc điều hòa với công suất lớn mới có thể làm mát được cả 2 căn phòng cùng lúc. Chẳng hạn, nếu hai căn phòng có tổng thể tích 70 mét khối, bạn sẽ cần dùng 1 chiếc điều hòa có công suất 18.000 BTU.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chi phí mua 1 chiếc điều hòa công suất 18.000 BTU lại đắt hơn đáng kể so với phương án mua 2 chiếc điều hòa công suất 9.000BTU lắp riêng ở từng phòng. Với riêng trường hợp lắp điều hòa công suất nhỏ hơn như 12.000 BTU hay 9.000 BTU, điều hòa vừa không đủ "công lực" để làm mát cho cả 2 phòng, vừa tốn thêm điện. Như vậy, phương án dùng chung một điều hòa công suất lớn cho cả 2 phòng đã không đạt ở yếu tố tiết kiệm chi phí.
Xét về mặt thiết kế, việc dùng chung điều hòa cho 2 phòng cũng không hề tối ưu. Điều hòa thường được khuyến khích lắp tại chính giữa căn phòng để làm mát nhanh và hiệu quả nhất. Khi lắp tại giữa căn phòng, luồng gió mát sẽ được tỏa đều ra toàn bộ căn phòng và chúng ta sẽ cảm nhận được ngay. Nếu chia đôi điều hòa như trên, luồng khí mát sẽ tỏa từ góc phòng ra khiến bạn sẽ cảm thấy lâu mát hơn. Chưa kể đến, quá trình làm mát phòng quá chậm sẽ khiến điều hòa tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Phân tích kĩ hơn, cục lạnh của điều hòa thường sẽ trang bị cánh quạt để thổi luồng không khí mát từ dàn lạnh ra ngoài. Tuy nhiên, độ dài của quạt chỉ bằng 2/3 độ dài của cục lạnh, trong khi khoảng không gian còn lại là để bộ điều khiển điện tử và động cơ. Như vậy, phần cánh quạt này sẽ bị cản khá nhiều bởi bức tường ngăn cách giữa 2 phòng, dẫn đến lãng phí luồng gió lạnh. Bên cạnh đó, độ chênh lệch cánh quạt và cục lạnh sẽ khác nhau, dẫn đến tình trạng phòng được nhiều gió mát, phòng không có chút gió nào.
Cuối cùng, bản thân việc lắp chung cũng làm nảy sinh tình trạng phụ thuộc vào nhau khi sử dụng điều hòa. Chẳng hạn, một phòng muốn bật điều hòa, nhưng phòng kia lại không có nhu cầu sử dụng. Lúc này, việc sử dụng điều hòa sẽ vừa chậm, vừa thêm lãng phí điện.
Tổng kết lại, chúng ta có thể thấy rằng việc lắp 1 điều hòa cho 2 phòng vừa thiếu hiệu quả, vừa không tiết kiệm một chút nào. Trong trường hợp bạn chỉ đủ tài chính mua 1 chiếc điều hòa, việc lắp chung vẫn sẽ làm mát được cho 2 phòng. Bù lại bạn sẽ phải trả một số tiền điện không nhỏ do điều hòa phải hoạt động liên tục. Lúc này, tiền mua 2 chiếc điều hòa để lắp riêng sẽ kinh tế hơn so với tiền điện.
Tổng hợp