Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, hiện giá bán của các căn hộ chung cư trong khu vực nội thành Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức giá trung bình dao động 100 - 200 triệu đồng/m², các quận huyện ngoại thành giá cũng ở mức 50 -100 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, một số dự án chung cư cao cấp vừa ra hàng ghi nhận mức giá bán lên đến 270 triệu đồng/m². Giá bán cao tiếp tục tạo áp lực lớn đối với người mua nhà.
Để mua một căn hộ ở vùng nội thành có diện tích khoảng 60m² với mức giá trung bình 60 triệu đồng/m², cần ít nhất 3,5 - 4 tỷ đồng. Trong khi đó, với mức lương trung bình khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng, người trẻ gần như không thể tích lũy đủ để mua nhà nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình hoặc vay ngân hàng. Việc vay vốn cũng là một áp lực lớn khi lãi suất trong 1-2 năm đầu ở khoảng 6,5-7,7% nhưng lãi suất thả nổi hiện dao động từ 10 - 12%/năm.
Căn hộ chị H (Nhân viên ngân hàng) “cố mua” bằng cách vay ngân hàng tới 60% giá trị căn hộ. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ về câu chuyện mua nhà, Chị H, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội cho biết hiện đang lao đao và vô cùng hối hận khi mua chung cư trả góp vì bài toán tài chính ngày càng trở nên nặng nề dù chị đã được hưởng ưu đãi lãi suất vay thấp hơn 3% so với lãi suất thông thường dành cho cán bộ nhân viên.
Với hơn 1 tỷ đồng tích góp trong tay, chị H quyết định vay thêm ngân hàng mua một căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 54m2 tại một khu đô thị trên địa bàn Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Mỗi tháng, chị phải trả cả gốc lẫn lãi gần 20 triệu đồng, chiếm hơn 60% thu nhập của hai vợ chồng.
“Ban đầu, tôi nghĩ rằng với mức lãi suất ưu đãi và thu nhập ổn định, việc trả góp sẽ không quá khó khăn. Nhưng thực tế, sau một năm, công việc của cả hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn, thu nhập không tăng trong khi các chi phí sinh hoạt ngày càng lớn khiến gia đình tôi phải thắt lưng buộc bụng. Cuộc sống không còn thoải mái như trước.” – Chị H chia sẻ.
Không những vậy, khó khăn càng chồng chất khi chị H nằm trong danh sách nhân sự sẽ bị cắt giảm vào tháng 3 tới. Điều này khiến thu nhập của gia đình giảm đi một nửa so với trước đây, trong khi khoản vay mua nhà sắp hết thời gian ưu đãi và chuyển sang lãi suất thông thường. Điều đó đồng nghĩa với việc số tiền trả góp hàng tháng sẽ tăng đáng kể, tạo thêm áp lực tài chính. Chị H vô cùng lo lắng, chưa biết phải xoay sở thế nào để đảm bảo trả nợ đúng hạn trong những tháng tới.
Dù sở hữu nhà riêng, nhưng với khoản nợ lớn kéo dài hàng chục năm, chị H cảm thấy mất đi sự tự do tài chính. Chị H cho biết, nếu được chọn lại có thể chị tích lũy thêm để không phải chịu áp lực quá nhiều từ khoảng vay ngân hàng.
Cần tỉnh táo để tránh mất đi sự tự do tài chính
An cư mới lạc nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện xưa cũ. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá chung cư ngày càng leo thang, nhiều người vì áp lực tâm lý mà vội vàng vay mua nhà mà chưa lường trước những rủi ro tài chính. Điều này có thể dẫn đến việc mất đi sự tự do tài chính, thậm chí rơi vào vòng xoáy nợ nần kéo dài.
Chia sẻ với chúng tôi TS. Nguyễn Thị Hải Yến, giảng viên phụ trách chương trình Kinh Doanh Bất động sản – Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: “Giá chung cư khó có khả năng giảm trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng cao và chi phí vốn vay không có dấu hiệu giảm. Câu chuyện mua nhà ngay để tránh giá tiếp tục tăng hay tiếp tục thuê nhà, chờ cơ hội tốt hơn thật sự cần cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khả năng tài chính của mình để tránh rủi ro như thất nghiệp, dịch bệnh, lạm phát, nền kinh tế khó khăn…các yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới thu nhập.”
Cũng theo TS. Hải Yến, với những bạn trẻ ưu tiên phát triển bản thân qua việc học hành, nâng cao chuyên môn, việc thuê nhà có thể là một lựa chọn hợp lý. Thuê nhà giúp họ linh hoạt hơn về mặt tài chính, giảm áp lực hàng tháng và vẫn có cơ hội để đầu tư vào các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, việc tiết kiệm và có kế hoạch tài chính dài hạn là rất quan trọng để có thể mua nhà khi điều kiện tài chính đủ mạnh.
Với những ai đã có ít nhất 50% giá trị căn hộ trong tay, việc vay mua nhà có thể khả thi. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, người mua cần tính toán kỹ thu nhập, chi tiêu hàng tháng và khả năng tiết kiệm. Các chuyên gia tài chính khuyến nghị, tổng số tiền trả nợ hàng tháng (bao gồm cả gốc và lãi) không nên vượt quá 40% thu nhập để đảm bảo cuộc sống không gặp phải căng thẳng tài chính.
“Đừng để giấc mơ sở hữu nhà biến thành gánh nặng tài chính. Cần có sự chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo rằng bạn không chỉ có một căn nhà mà còn có một tương lai tài chính ổn định.” TS Hải Yến nhấn mạnh.