Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc không phải là khái niệm trừu tượng với Zheng Jiewen, 23 tuổi, làm việc toàn thời gian tại một công ty quảng cáo ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc. Trong quá khứ, Jiewen từng kiếm được 30.000 nhân dân tệ (4.230 USD) mỗi tháng khi bắt đầu công việc cách đây hai năm. Cô thoải mái chi tiền cho Louis Vuitton, Chanel, Prada – những thương hiệu yêu thích của mình. Nhưng từ năm ngoái, khi công việc kinh doanh của công ty bắt đầu sa sút, lương cô bị cắt giảm dần, đến tháng 2/2024 chỉ còn một nửa.
“Tôi cực kỳ sốc,” cô chia sẻ với CNN. Jiewen lập tức điều chỉnh chi tiêu để phù hợp với mức lương mới. Điều đó có nghĩa là không còn Louis Vuitton, Chanel hay Prada nữa. Giờ đây, cô và bạn bè chi tiêu số tiền hạn chế của mình vào “pingti” – những sản phẩm nhái chất lượng cao, được gọi là “dupe” trong tiếng Anh.
Sự suy thoái kinh tế “rõ rệt” đã khiến lượng tìm kiếm về dupe trên mạng xã hội tăng gấp ba từ năm 2022 đến 2024, theo Laurel Gu, giám đốc nghiên cứu tại Mintel ở Thượng Hải. Gu cho biết, khác với 10 năm trước, khi người tiêu dùng Trung Quốc – nhóm chi tiêu xa xỉ hàng đầu thế giới – mê mẩn hàng hiệu phương Tây từ các thương hiệu nổi tiếng, giờ đây họ ngày càng chuyển sang các lựa chọn thay thế giá rẻ hơn. Hiện tượng này dần thành trào lưu mới.
Một chiếc quần yoga Align của Lululemon giá 750 nhân dân tệ (106 USD) trên website chính thức tại Trung Quốc. Nhưng khi tìm kiếm trên các nền tảng thương mại điện tử phổ biến như Tmall, bạn sẽ thấy hàng chục lựa chọn khác, thường sử dụng từ “Lulu” trong tên cửa hàng, quảng cáo quần leggings tương tự với giá chỉ 35 nhân dân tệ (5 USD) và tuyên bố chất lượng tương đương. Lululemon có vô số kẻ "bắt chước" ở Trung Quốc.
Hình ảnh bên trái là legging Align giá 106 USD và hình ảnh bên phải là của một thương hiệu nhỏ chỉ có giá khoảng 12 USD.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu, với niềm tin người tiêu dùng giảm mạnh. Ngày 24/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng đã tìm cách giải quyết mối lo ngại rộng rãi về tăng trưởng chững lại bằng cách công bố cắt giảm một trong những lãi suất cho vay chủ chốt, lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày, từ 1,7% xuống 1,5%. PBOC cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng nửa điểm phần trăm, giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (142 tỷ USD) cho các khoản vay mới. Ông còn công bố cắt giảm lãi suất thế chấp hiện có và hạ mức thanh toán trước tối thiểu cho người mua nhà lần thứ hai từ 25% xuống 15% để hỗ trợ ngành bất động sản đang suy yếu, vốn được nhiều nhà kinh tế coi là nguyên nhân gốc rễ của vô số vấn đề kinh tế Trung Quốc.
Ngành bất động sản từng chiếm tới 30% hoạt động kinh tế. Nó bắt đầu nguội lạnh vào năm 2019 và rơi vào khủng hoảng sâu sắc khoảng hai năm sau, sau khi chính phủ siết chặt việc vay nợ của các nhà phát triển. Cuộc khủng hoảng này dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng giá bất động sản và làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Theo Nomura, giá nhà ở giảm gần 30% so với năm 2021, trích dẫn nghiên cứu từ Beike, một nền tảng theo dõi giao dịch nhà ở dựa trên mẫu 25 thành phố lớn. Các cá nhân và doanh nghiệp đang cố bảo toàn tài sản bằng cách bán tài sản, cắt giảm tiêu dùng và đầu tư. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Bắc Kinh giảm xuống mức thấp kỷ lục năm ngoái, trong khi chỉ số phụ về triển vọng thu nhập tương lai cũng giảm mạnh, theo báo cáo tháng 8/2024 từ công ty tư vấn McKinsey.
Nicole Hal, một nữ doanh nhân tự do ở Quảng Châu, chia sẻ với CNN rằng việc suy thoái kinh tế đã khiến cô phải cắt giảm chi tiêu “Tôi đã ngừng mua hàng xa xỉ và các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, bao gồm cả quần áo đắt tiền. Tôi đã ngừng ăn ngoài, thay vào đó, tôi tự nấu ăn ít nhất bốn ngày một tuần”, cô nói.
Người tiêu dùng Trung Quốc từng dẫn đầu chi tiêu xa xỉ toàn cầu trong thập kỷ qua, đóng góp tới 1/3 tổng chi tiêu xa xỉ toàn cầu, theo công ty tư vấn Bain & Company. Nhưng giờ đây, họ đang trở nên thực dụng hơn. “Người tiêu dùng không còn coi việc sở hữu hàng hiệu là biểu tượng địa vị duy nhất,” Gu nói. “Họ đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế hiệu quả về chi phí, nhưng vẫn đáp ứng được mong muốn về chất lượng và phong cách.” Gen Z, nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế, đặc biệt cởi mở với dupe. Trên các nền tảng như Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) và Xiaohongshu, họ chia sẻ mẹo săn dupe, từ túi xách “giống” Gucci đến son môi “hơi giống” son của YSL Beauty, với giá chỉ bằng một cốc trà sữa.
Dupe không chỉ giới hạn ở quần áo. Mỹ phẩm, nước hoa, và phụ kiện thời trang cũng tràn ngập các phiên bản nhái chất lượng cao. Một số cửa hàng trực tuyến thậm chí còn táo bạo đặt tên thương hiệu như “Guccci” (thêm chữ “c”) hoặc “Lululemen” để đánh lừa người mua. Những sản phẩm này không chỉ rẻ mà còn được sản xuất nhanh chóng, thường xuất hiện trên thị trường chỉ vài tuần sau khi bản gốc ra mắt.
Sự phổ biến của dupe đang gây áp lực lớn lên các thương hiệu xa xỉ. LVMH, công ty mẹ của Louis Vuitton và Dior, báo cáo doanh thu giảm ở khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) trong quý 2/2024, chủ yếu do sự suy yếu của thị trường Trung Quốc. Các thương hiệu như Burberry và Kering (sở hữu Gucci) cũng chứng kiến doanh số sụt giảm khi người tiêu dùng chuyển sang các lựa chọn tiết kiệm hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu “nền kinh tế dupe” có bền vững? Một số chuyên gia cho rằng, nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi và niềm tin tiêu dùng được khôi phục, người tiêu dùng có thể quay lại với hàng hiệu để khẳng định địa vị xã hội. Còn hiện tại, dupe là "cứu cánh" cho Gen Z, giúp họ duy trì phong cách trong bối cảnh tài chính khó khăn. Tuy nhiên, trào lưu độc hại này đang châm ngòi cho hành vi đạo nhái thiết kế, ăn cắp chất xám một cách trắng trợn và dần dần sẽ gây ra những hệ lụy đáng lo ngại hơn trong tương lai.
Nguồn: CNN