Kèm theo những thành tích phi thường, Gen Z cũng chịu hàng loạt "thị phi" từ các đồng nghiệp, quản lý thuộc các thế hệ trước. Dù đúng hay sai, không thể phủ nhận: Các doanh nghiệp vừa "dè chừng" với ứng viên Gen Z, vừa gặp khó khi thu hút và gắn kết nhân viên trẻ.
Đứng giữa 2 "chiến tuyến" doanh nghiệp - ứng viên trẻ, những HR (Human Resources - người thuộc bộ phận nhân sự) thuộc thế hệ Z nghĩ gì? Ý kiến của họ đáng lắng nghe nhất lúc này, bởi họ được quan sát câu chuyện từ 2 góc nhìn đối nghịch.
Cùng trò chuyện với 3 nhân vật sau đây để xem nhà tuyển dụng Gen Z nói gì về Gen Z nhé!
Hoàng Oanh (25 tuổi - Chuyên viên tuyển dụng): Kinh nghiệm 3 năm chọn lọc hàng ngàn nhân sự trẻ cho các chương trình thực tập, quản trị viên tập sự của một tập đoàn hàng đầu ngành FMCG.
Quốc Thái (24 tuổi - Trưởng nhóm tuyển dụng và đào tạo): Làm việc cho các tập đoàn đa quốc và một tập đoàn dẫn đầu trong mảng Kỹ thuật & Công nghệ tại Việt Nam.
Minh Thắng (23 tuổi - Nhân viên phân tích thị trường lao động): Phân tích số liệu từ nhiều doanh nghiệp.
Gen Z hay "bật", Gen Z quá nóng nảy trong cách giao tiếp ở môi trường công sở, điều này…đúng thật. Một nhân sự trẻ quá mạnh mẽ trong những phát ngôn của mình cũng khó có thể nhận được sự thông cảm từ những HR đồng trang lứa. Đây được xem là điểm trừ lớn nhất, khơi mào cho rất nhiều những "thị phi" gắn mắc "bệnh Gen Z": Bóc phốt công ty ngay trong văn phòng, "trả treo" sau phỏng vấn.
Đào sâu vào lý do, Hoàng Oanh suy nghĩ: "Mình nhận thấy ở thế hệ Z các bạn rất chú trọng và "nhạy" với cảm xúc của mình. Tuy nhiên đâu đó thì khả năng cân bằng cảm xúc của các bạn đôi khi lại chưa bắt kịp mức độ nhạy cảm đó. Nói cho dễ hiểu thì là có rất nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng lại loay hoay chưa biết làm sao để chúng sống hài hoà trong cùng một cá thể."
Trong tình huống mà sếp nói những điều khiến mình chưa thuyết phục và muốn "bật", cách tốt nhất được bạn gợi ý: "Hãy hỏi bản thân: "Nếu tạm thời gọt bỏ yếu tố cảm xúc ở thời điểm hiện tại thì còn những thông tin gì để mình xử lý?" và chỉ chú tâm đến thông tin đó thôi. Sau khi giải quyết sự việc, mình sẽ ngồi lại dàn xếp những cảm xúc còn lại của mình."
"Bật" sếp không xấu, đặc biệt trong trường hợp Gen Z nhìn nhận quyết định, ý kiến của cấp quản lý có thể ảnh hưởng đến giá trị chung của công ty. Nhưng trước khi tranh cãi, hãy đặt mình vào vị trí của sếp và điều chỉnh thái độ, tránh để những cuộc cãi vã diễn ra công khai, kể cả khi đối phương là người khơi mào chút thì cũng hãy giữ thái độ tôn trọng họ. Cũng giống như khi bạn cảm thấy không hài lòng vì những đứa em trong nhà phản đối lại mình trước mặt mọi người, thì các sếp cũng cảm thấy tương tự như vậy đấy!
Cùng chỉ ra một điểm trừ nữa mà Gen Z nên cải thiện, Quốc Thái đưa lời khuyên: "Nghe những câu chuyện lương nghìn đô, sếp dễ tính trên Threads mà đôi khi là chưa có gì chứng thực, các bạn trẻ nâng cao kỳ vọng khi ứng tuyển và làm việc mà không nhìn thực tế xem những doanh nghiệp như thế chỉ chiếm rất ít trên thị trường, và chắt lọc những nhân sự có tính cạnh tranh nhất. Đừng bị cuốn vào những gì "fancy" khi chưa tìm hiểu kỹ càng, bạn sẽ tự thu hẹp con đường của mình đó."
Lên Threads - nền tảng được mệnh danh là "nơi người lao động có lương cao nhất Việt Nam" để tham khảo và hình thành hình ảnh về một môi trường làm việc lý tưởng của mình không chỉ có hệ lụy khiến người trẻ nhầm lẫn về tình hình thực tế ở thị trường lao động. Một bộ phận lớn các Gen Z khi đọc nhiều bài đăng với số lương thưởng gây choáng, cũng muốn đua thành tích trên Threads, và bất cẩn khi "flex" về công việc mới trên MXH.
Cụ thể, các bạn chia sẻ thư mời nhận việc, chia sẻ mức lương từ công ty mà quên mất một điều tối quan trọng: Hầu hết trao đổi giữa doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là ở các tập đoàn, có tính bảo mật cao và hầu hết đều đính kèm lời dặn về các vấn đề pháp lý. Khoe bước tiến mới mà không thận trọng để ý sẽ là "bước lùi" khi xây dựng niềm tin với HR.
Bên cạnh đó, không chỉ đánh giá ứng viên qua CV hay hồ sơ LinkedIn, các phát ngôn của Gen Z cũng giúp các nhà tuyển dụng hiểu thêm về văn hóa, cách ứng xử và kỹ năng phản biện.
Xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding) trên mạng xã hội là xu hướng được hưởng ứng và khuyến khích để các bạn trẻ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Song, liên tục tham gia vào thị phi, phát ngôn về các chủ đề nhạy cảm có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có cái tôi cao, khó hòa nhập vào môi trường công ty.
Minh Thắng có cái nhìn tổng hợp: "Chung quy cho những cảm xúc bộc phát, cho những quyết định chưa thấu đáo, phần lớn xuất phát từ việc Gen Z chưa hiểu rõ mong muốn và mục tiêu của bản thân. Bởi lẽ, khi các bạn hiểu rõ mình là ai và mình cần gì, muốn gì thì điều này sẽ giúp các bạn có những phương hướng hành động phù hợp dựa trên tình huống, cũng như nhận ra điều gì nên làm và không nên làm, để không tổn hại đến bản thân hay cảm xúc, lợi ích của những người xung quanh."
Gen Z cần gì từ công ty, và công ty cần gì từ Gen Z? Câu hỏi giản đơn lại tối quan trọng để tìm điểm chung, quyết định mức độ "hợp cạ" của đôi bên.
Trong mắt ứng viên, ngoài thu nhập là một tiêu chí hàng đầu, có những phúc lợi khác đòi hỏi những thay đổi nhỏ bé nhưng mang lại điểm cộng lớn cho công ty với những nhân sự tiềm năng.
Nhìn chung là những điều thể hiện công ty rất "tâm lý" và hiểu cho lối sống của các bạn trẻ!
"Các bạn Gen Z thường thích những môi trường làm việc linh hoạt và thoải mái một chút, ví dụ như áp dụng chế độ hybrid hoặc làm việc tại nhà, hay không chấm công nè." - Hoàng Oanh nói. "Như vậy không phải là lười nhác hay gì cả. Nhiều bạn Gen Z rất trách nhiệm và hết mình trong công việc, và kết quả làm việc được phản ánh trên chính tinh thần làm việc đó chứ không phải bạn đến công ty khi nào và về lúc mấy giờ."
Từ nghiên cứu của mình, Minh Thắng cho biết công ty muốn thu hút nhiều nhân sự trẻ, hãy đưa ra những phúc lợi nhắm vào cơ hội học tập. Mở các lớp trau dồi kỹ năng, ngoại ngữ là khoản "đầu tư" không bao giờ lỗ để đổi lấy những nhân sự giỏi, cầu tiến. "Áp lực đồng trang lứa" là nỗi sợ hiện hữu hàng ngày đối với Gen Z, vậy nên cho phép các bạn được học hỏi, "cập nhật" bộ kỹ năng, kiến thức mỗi ngày dù đôi khi các đầu việc chẳng mới, lại có tác dụng thu hút không ngờ.
Cùng ủng hộ hai quan điểm trên, Quốc Thái bổ sung: "Được trao quyền, được lắng nghe, được lên tiếng và được ghi nhận cũng đóng góp phần lớn vào những điều mà Gen Z muốn tìm kiếm ở công ty." Thực vậy. Xét trên thị trường lao động, Gen Z vẫn là thế hệ "măng non" đang dần học cách hòa nhập vào môi trường chuyên nghiệp. Có không ít trường hợp hoài nghi và cảm thấy yếu kém vì chưa thể so sánh kinh nghiệm với các anh chị lớn, chưa được mình tự quyết và cảm thấy như đang "chạy vặt". Được sếp, đồng nghiệp tin tưởng chính là bước đệm tinh thần để các bạn trẻ tự tin hơn để dấn thân nghề nghiệp.
Song, Gen Z cũng phải đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng thế nào, thì mới nhận được những đãi ngộ trên. Suy cho cùng, mối quan hệ giữa ứng viên - nhà tuyển dụng trên thị trường lao động là một cuộc trao đổi ngang giá.
Cả ba nhân vật đều gật đầu đồng ý: Muốn nổi bật trước hàng vạn ứng viên ngoài kia, Gen Z "lì" lên!
Nói theo cách chuyên môn hơn, đấy là bộ kỹ năng về cách ứng xử trước những khó khăn, thách thức trong công việc (và rộng ra là những biến động của thị trường). Cụm từ quen thuộc trong các bài tuyển dụng là "Resilience" (kiên cường), VUCA (từ chỉ thời đại của Bất ổn (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).
Đối diện một cách kiên nhẫn, không ngại thách thức, và không suy nghĩ tiêu cực về những khó khăn, chính là tư duy giúp các bạn trẻ nhìn nhận cơ hội từ vấn đề. Gần gũi hơn là để vượt qua những lúc sếp có lỡ trách mắng nặng lời, vượt qua những khách hàng khó tính, và qua cả những thiếu sót của bản thân.
Đi làm, có những dự án kéo dài hàng năm, hàng quý, dường như là phải "ăn ngủ" cùng công việc. Không "lì" trước những phép thử từ đồng nghiệp, đối tác và chính bản thân mình, Gen Z dễ "bật rễ" trước gió lớn, chưa kịp hưởng quả ngọt và cứ thế, lại cảm thấy mình bấp bênh trên thị trường.