Càng tiêu nhiều tiền vào 3 thứ này, càng chứng tỏ bạn yếu đuối

S.A, Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị 13:11 12/07/2025
Chia sẻ

Bạn không tiêu vì cần thiết mà vì bạn đang yếu đuối.

Có những đồng tiền không để mua sự tiện nghi mà để chống lại cảm giác bất lực. Có những hóa đơn không phải chi cho nhu cầu sống mà là mua chuộc lại cảm xúc đang tuột dốc. Đó chính là xu hướng mua sắm của nhiều người.

Thế nên đôi khi khả năng kiếm tiền không định nghĩa bản lĩnh của ai đó mà ngược lại, cách tiêu tiền mới lộ rõ bản lĩnh hay sự yếu đuối của bạn. Đặc biệt là khi bạn tiêu tiền vào 3 điều dưới đây:

1. Tiêu tiền để mua ánh nhìn từ người khác

Có một sự thật là: con người luôn muốn được công nhận. Từ trong bản chất, ta khao khát được "thấy", được đánh giá cao, được ở trong mắt người khác như một phiên bản tốt hơn bản thân hiện tại. Nhưng điều đáng lo là nhiều người chọn con đường ngắn nhất để đạt được điều đó, bằng tiền.

Họ mua quần áo hiệu, đeo đồng hồ xa xỉ, dựng lên một cuộc sống được gói trong ảnh đăng story với niềm tin rằng ánh nhìn ngưỡng mộ từ người khác sẽ bù đắp phần giá trị mình đang thiếu.

Đây là một tâm lý phổ biến trong xã hội tiêu dùng, được gọi là material-based self-identification (tạm dịch: tự định danh thông qua vật chất). Khi không thể định nghĩa mình bằng năng lực, cá tính hay giá trị sống người ta bám lấy thứ dễ thấy nhất là bảng giá.

Họ không thật sự cần một đôi giày 30 triệu. Họ cần cảm giác mình “cao” hơn ai đó. Và đó chính là điểm yếu. Người mạnh mẽ không cần được thấy, chỉ cần được là chính mình. Người yếu đuối thì cần chứng minh từng ngày để khỏa lấp một lỗ hổng vô hình trong lòng.

Càng tiêu nhiều tiền vào 3 thứ này, càng chứng tỏ bạn yếu đuối- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

2. Tiêu tiền để níu kéo tình cảm

Một dạng yếu đuối khác phổ biến hơn nhưng khó nhận diện hơn là lấy tiền để giữ người.

Khi một mối quan hệ đang mục ruỗng, thay vì dũng cảm đối diện, người ta tìm cách đắp lên nó sự hào nhoáng. Quà cáp nhiều hơn, các bữa tối sang trọng dày đặc hơn, kỳ nghỉ đắt đỏ hơn,... xuất hiện như liều thuốc cuối cùng cho một cảm xúc đã chết lâm sàng.

Bạn biết họ không còn yêu bạn nữa nhưng vẫn chi tiền. Bởi vì bạn nghĩ nếu đủ tử tế, đủ chu cấp, đủ chiều chuộng… họ sẽ ở lại. Thật ra không phải bạn tin điều đó mà vì bạn sợ chấp nhận điều ngược lại. Sợ rằng nếu không có tiền bạn chẳng còn gì để giữ một người bên cạnh.

Khi tình cảm trở thành giao dịch, thì người chi nhiều nhất không phải là người yêu nhiều nhất. Mà là người sợ mất nhiều nhất. Và đó là dạng yếu đuối khó cứu nhất: khi ta đánh mất lòng tự trọng mà không hề hay biết.

3. Tiêu tiền để trốn chạy cảm xúc thật

Bạn mệt, bạn stress, bạn buồn, bạn cô đơn và bạn đi mua sắm.

Một chiếc váy mới, một đôi giày đẹp, một bữa ăn sang trọng,… tưởng như là chăm sóc bản thân. Nhưng thật ra, đó là cách phổ biến nhất để né tránh nỗi đau của chính mình.

Tâm lý học gọi đó là retail therapy - liệu pháp mua sắm để cải thiện tâm trạng. Thực tế nó có hiệu quả nhất định, dopamine tiết ra khi tiêu tiền giúp bạn “cảm thấy khá hơn” trong chốc lát. Nhưng cảm xúc không thể bị dập tắt bằng hóa đơn, nó chỉ bị trì hoãn.

Khi hiệu ứng dopamine tan đi, bạn lại thấy mình trống rỗng như cũ. Chỉ khác là tài khoản đã vơi đi vài triệu.

Vấn đề ở đây không phải là tiêu tiền. Mà là tiêu tiền thay vì đối diện cảm xúc. Người yếu đuối dùng tiền để che giấu những vết nứt bên trong. Người mạnh mẽ tìm cách chữa lành dù có đau, có trần trụi, có trôi qua bằng nước mắt.

Càng tiêu nhiều tiền vào 3 thứ này, càng chứng tỏ bạn yếu đuối- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Sau cùng, tiêu tiền không sai, nhưng tiêu sai cách thì phơi bày hết bản chất của chúng ta. Tiền không làm bạn yếu đuối nhưng tiêu tiền để vá víu những lỗ hổng cảm xúc thì có. Tiêu tiền vì sợ mất người, tiêu tiền vì muốn được thấy, tiêu tiền để lảng tránh nỗi buồn không món nào trong đó thực sự giúp bạn khỏe hơn.

Muốn mạnh mẽ, trước hết phải dám tiêu tiền vì những điều thực sự đáng giá như đầu tư cho kỹ năng, cho sự tự do của chính mình, mua thời gian chứ không phải ánh nhìn của ai đó, xây sự bình yên lâu dài chứ không phải cảm xúc ngắn hạn. Làm được những điều này bạn sẽ thấy khi nội tâm đủ vững, bạn tiêu ít tiền hơn thì vẫn hạnh phúc hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày