"Hôm nay phỏng vấn Gen Z. Mình xin để lại vài dòng với mấy bạn. Nhảy việc liên tục 1 năm nhảy 1 lần. Thậm chí làm ở công ty 1 năm nhảy vài lần. Vừa làm vừa coi Youtube. Sếp nói thì cãi. Đòi hỏi lương cao trong khi thực lực không thấy đâu. Nói túm lại là mình đi làm đã mệt rồi phỏng vấn gen Z còn mệt hơn. Lạng quạng mình nói sếp không tuyển mấy người vô nha. Mệt." - Một chia sẻ trôi nổi trên mạng, tuyên bố sẽ sớm đưa Gen Z vào "danh sách đen" không tuyển dụng nữa.
"Gen Z các em cứ nhảy việc suốt nên công ty sẽ không đóng bảo hiểm sau 2 tháng, em làm trên 6 tháng công ty sẽ cân nhắc đóng cho em." - Một chia sẻ khác cho biết quyết định cắt quyền lợi bảo hiểm của nhân sự Gen Z về vấn đề nhảy việc.
"Nhảy việc" - mỗi lần cụm từ này nổi lên là lại gắn liền với nhiều tranh cãi đến từ các nhà tuyển dụng. Dựa trên loạt chia sẻ thực tế đầy rẫy trên Threads và những nhóm thảo luận nghề nghiệp, gần như không ai ưa thích một nhân sự thiếu trung thành, đưa ra những quyết định "dứt áo ra đi" nhanh chóng.
Bản thân Gen Z, đứng trước những cuộc "đại từ chức" sau mỗi dịp Lễ Tết, đứng trước những bất cập trong điều kiện làm việc, cũng có rất nhiều thắc mắc về tác động của một CV chỉ đầy những kinh nghiệm ngắn.
HR Gen Z - những người đứng giữa hai "chiến tuyến" giữa nhà tuyển dụng và ứng viên trẻ, chia sẻ góc nhìn của họ về "nhảy việc" dành cho bất cứ Gen Z nào đang phân vân, và với các doanh nghiệp để đôi bên có thể có góc nhìn toàn diện. Họ là:
Hoàng Oanh (25 tuổi - Chuyên viên tuyển dụng): Kinh nghiệm 3 năm chọn lọc hàng ngàn nhân sự trẻ cho các chương trình thực tập, quản trị viên tập sự của một tập đoàn hàng đầu ngành FMCG.
Quốc Thái (24 tuổi - Trưởng nhóm tuyển dụng và đào tạo): Làm việc cho các tập đoàn đa quốc và một tập đoàn dẫn đầu trong mảng Kỹ thuật & Công nghệ tại Việt Nam.
Minh Thắng (23 tuổi - Nhân viên phân tích thị trường lao động): Phân tích số liệu từ nhiều doanh nghiệp.
Mỗi khi nhắc đến nhảy việc, luôn có những thắc mắc chung giữa cả người lao động và các nhà tuyển dụng, mà đa phần là tiêu cực như gây phiền hà khi phải tuyển liên tục, cũng không có gì chắc chắn bản thân sẽ đạt được như ý muốn khi đã chuyển đến công việc mới. Từ đó hình thành sự dè chừng và định kiến về nhảy việc.
Song, HR Gen Z - những người nắm rõ "insight" của thế hệ Z lại cho rằng, "nhảy việc" là khía cạnh xuất phát từ những điểm hay ho mà các bạn trẻ mới có!
Theo Hoàng Oanh: "Gen Z là một thế hệ dám thử thách bản thân với điều mới, dám đưa ra nhiều ý kiến táo bạo. Các bạn khiến người ta cảm nhận được sự nhiệt huyết khi đưa ra đóng góp giúp thay đổi quy trình, thúc đẩy cải tiến. Nhìn chung các bạn có trong mình một đôi mắt rất "fresh", và các bạn cũng có "máu liều", dám thay đổi từ những thứ mà mình quan sát được.
Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng các bạn không giỏi chịu đựng áp lực, quá dễ đuối và nản với công việc. Điều này hơi có chút hiểu lầm. Đối với mình, Gen Z là thế hệ quan tâm đến sự bền vững, không đặt nặng hay quá tham vọng về vấn đề vật chất mà thay vào đó là giá trị tinh thần và môi trường xung quanh. Kết hợp với "máu liều" ở trên, các bạn tự do và dám hành động dựa trên những giá trị của mình và cộng đồng."
Minh Thắng cho biết: Nhảy việc là cách Gen Z hồi đáp lại trước những biến động của thị trường: "Có hai lý do chính, một là vì thị trường đang đòi hỏi ứng viên ngày càng nhiều, vì vậy các ứng viên mới muốn thay đổi môi trường để kinh nghiệm đa dạng, kiến thức luôn đổi mới, mà đôi khi việc thăng tiến trong cùng một công ty, ngành hàng không đáp ứng được. Hai là người trẻ cũng muốn bản thân họ được phát triển tối đa nhất có thể, sau này độ 30-40 tuổi muốn tìm cơ hội mới cũng không dễ dàng có nữa, cho nên "nhảy việc" là yếu tố khách quan lẫn chủ quan, là phần nào đó cơ hội, không phải là lỗi của riêng ứng viên nên mong mọi người đừng quá khắt khe với các bạn."
"Không ai muốn bị mắc kẹt trong một công việc quá tẻ nhạt, ít thách thức" - Quốc Thái cho biết, tuổi còn trẻ, sức còn khỏe, Gen Z muốn chèo thật mạnh tay trên biển lớn, và họ ưu tiên những trải nghiệm của mình. Sau giai đoạn làm quen với công việc, thử thách sẽ dần ít đi vì không phải công ty nào cũng liên tục cải tiến. Đi tìm một công việc khác vào lúc đó lại là một quyết định hợp lý vì sự phát triển của bản thân, bởi không phải công ty nào cũng có thể đáp ứng được mong cầu đổi mới của nhân sự.
Quốc Thái đồng thời chỉ ra những phản ứng về việc Gen Z ngại thử thách nên mới nhảy việc chưa hoàn toàn đúng. Anh nói lên thực trạng làm nhiều công việc một lúc, đó là dấu hiệu cho thấy Gen Z đang rất giỏi cân bằng áp lực, rất tham vọng và sẵn sàng chịu khó để đổi lấy những trải nghiệm quý giá cho sự nghiệp:
"Trước bối cảnh sa thải hàng loạt của các công ty công nghệ, các tập đoàn lớn do tình hình kinh doanh, các bạn trẻ cảm thấy bất an vì không biết khi nào đến lượt mình nằm trong danh sách cắt giảm? Họ quyết định sẽ không đặt hết "trứng vào một rổ", đi tìm nghề tay trái tăng thu nhập và nâng cao kỹ năng. Xu hướng đó gọi là "Moonlighting", chỉ ra hoạt động làm thêm sau khi ánh trăng lên hoặc sau giờ hành chính. Gần như là làm nhiều, ít nghỉ ngơi. Như thế đâu thể gọi là một thế hệ không cố gắng hay dễ nản được nhỉ?"
Có đầy rẫy những câu chuyện tiêu cực về "nhảy việc", kèm theo lời răn: Nhảy việc là không nên. Song, trái với hiểu biết thông thường về lời cảnh báo CV không được có quá nhiều kinh nghiệm ngắn hạn, các Gen Z làm HR cho biết họ đang cởi mở hơn bao giờ hết với những ứng viên "nhảy việc".
Minh Thắng nói "nhảy việc" cũng là một nước đi chiến lược hợp lý cho Gen Z: "Hai năm là thời gian khá vừa phải, hợp lý để nhảy việc. Đủ dài để hiểu về công việc, nhưng cũng không quá lâu để mất nhiệt huyết. Thị trường đang đòi hỏi rất nhiều, buộc Gen Z phải trau dồi kiến thức liên tục, "nhảy việc" để kinh nghiệm được đa dạng chính là một trong những cách mà Gen Z đang thích nghi và phát triển."
Hoàng Oanh, với 3 năm gắn bó tại một công ty, cho biết mình không đánh giá hay có định kiến khi tuyển chọn nhân sự trẻ: "Đồng ý là đôi khi nguyên nhân "nhảy việc" cũng có thể do các bạn chưa thực sự thấu đáo (chẳng hạn như cảm thấy peer pressure nên nhảy để tìm công việc có vẻ "xịn" hơn mà chưa nhận thức rõ về mong muốn và năng lực của bản thân). Song, là một người tuyển dụng, mình sẽ hỏi kỹ về động lực của ứng viên để đánh giá khả năng gắn bó với công ty, thay vì có định kiến khi chỉ quan sát thời gian làm việc mà bạn ghi trên CV."
Hoàng Oanh nêu rõ, bản thân bạn và những đồng nghiệp thuộc bộ phận HR trong công ty không "rập khuôn" Gen Z vào một thế hệ "cả thèm chóng chán": "Dám nhảy việc đôi khi lại có cái hay. Thay vì ở lại như một "zombie", gây ảnh hưởng chung đến công việc của những đồng nghiệp khác, các bạn mạnh dạn chọn bước ra ngoài để tìm nơi phù hợp hơn." - Vậy nên, các bạn đừng ngại nếu CV thay đổi vị trí nhiều, miễn là hãy cho nhà tuyển dụng thấy động lực chính đáng của bạn!
Cả 3 đồng tình nhảy việc đang dần được "bình thường hoá", và trong tình hình đó, những người làm nhân sự nên tận dụng cơ hội này để cân đong đo đếm lại những giải pháp giúp gắn kết Gen Z với công ty nhiều hơn. Họ nhìn nhận 2 lý do chính: Lương bổng và môi trường liệu có đang đáp ứng những gì lực lượng lao động chủ chốt trong tương lai mong muốn?
Minh Thắng chỉ ra, những công ty không trả lương xứng đáng mà chỉ nghĩ đến việc tận dụng nhân lực, hoặc nghĩ rằng chỉ cần đổi lại cho họ cơ hội học tập là được, là nhận định khiến họ khó giữ chân nhân sự Gen Z. Bạn lấy ví dụ về những tranh cãi xoay quanh thực tập sinh không lương: "Mình cần có lý do chính đáng thì mới tuyển thực tập sinh không lương. Mình không đồng tình với lý do cắt giảm chi phí đâu, vì tuyển nhân sự vào để chia sẻ bớt gánh nặng công việc. Giá trị khi tuyển các bạn ấy vào, dù ít, nhưng cũng là tăng thêm chứ đâu mất đi, nhưng lại không muốn bù đắp cho họ? Nếu không phải là khoản trợ cấp tài chính, thì mình nhất định phải tìm hiểu xem công ty có thể hỗ trợ gì khác không."
Có những bạn Gen Z sẵn sàng lăn xả vì công việc, nhưng làm không lương từ 3-6 tháng vì lời hứa hẹn thăng tiến, sau đó lại không nhận được cơ hội thăng tiến như đã cam kết (mà nguyên do không phải từ năng lực hay khả năng của các bạn), thì điều đó sẽ khiến các bạn bắt buộc phải đi tìm cơ hội mới. Thế là lại có một khoảng thời gian ngắn trên CV, khiến nhà tuyển dụng khác hiểu lầm, đánh giá.
Họ nhận thức về thực trạng có những bạn trẻ làm việc cật lực nhưng không được bù đắp bằng trợ cấp hay các đãi ngộ khác, được hứa hẹn đào tạo nhưng hoá ra đều phải tự mày mò làm việc. Cả ba đồng tình đây có thể được xem là dấu hiệu khi các công ty lấy mác "đào tạo" để lợi dụng nguồn lực trẻ, chưa rõ về quyền lợi của mình trên thị trường lao động.
Quốc Thái chỉ ra trước đây, bạn cũng từng làm việc mà không được trả lương, nhưng chính những phúc lợi phi tài chính là sự bù đắp xứng đáng giúp bạn gắn bó với công việc: "Các phúc lợi phi tài chính như chương trình đào tạo, kèm cặp trong những dự án thực tế hay cam kết cơ hội lên vị trí chính thức cho thực tập sinh sẽ trám lại sự thiếu sót về trợ cấp. Bản thân mình cũng từng làm việc "0 đồng" ở các vị trí trợ lý, dự án phi lợi nhuận, phi chính phủ."
Một vấn đề khác nữa là gốc rễ khách quan cho tình trạng "nhảy việc", chính là khi các doanh nghiệp chưa giải đáp tốt bài toán về sự gắn kết một thế hệ có cá tính mạnh như Gen Z.
"Đơn cử là chuyện đi teambuilding. Chẳng hạn có những bạn thích đi du lịch kiểu nghỉ dưỡng, hoặc có bạn thì năng động và thích các hoạt động thể chất hơn. Công ty có thể xem xét và điều phối thành hoạt động kết hợp giữa hoạt động vận động nhẹ, nghỉ dưỡng và trò chuyện chia sẻ. Không tìm hiểu kĩ nhu cầu, sau đó giữ định kiến Gen Z "chảnh" và đối xử xa cách với họ, thì đương nhiên khó có thể giữ chân các bạn." - Minh Thắng lấy ví dụ từ teambuilding - một hoạt động mà mùa nào cũng gây ra "rạn nứt" giữa HR và Gen Z.
Quốc Thái bổ sung: "Một số nhân sự không cảm thấy mình được công ty đầu tư, quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Họ không có cảm giác "Belongings", chỉ có làm việc và làm việc như một cỗ máy hoặc không cảm thấy công việc mình làm có giá trị, sếp không ghi nhận và cảm thấy mơ hồ về những đóng góp cá nhân cho mục tiêu chung của tổ chức. Là một HR, mình luôn cố gắng tạo các buổi làm việc nhóm, học tập hoặc trao đổi ý tưởng cởi mở, tạo các buổi ghép đôi mentoring, coaching từ người có kinh nghiệm với các bạn GenZ hoặc gom làm chung dự án để các thế hệ trong công ty có thể thể hiện, thấy rõ thế mạnh của nhau, từ đó gắn kết hơn."
Trước những mặt tốt của "nhảy việc", và với những chia sẻ của HR cho thấy họ đang dần cởi mở và có góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề, một câu hỏi được đặt ra: Nếu bản thân không muốn liều lĩnh thay đổi công việc, và mong cầu sự ổn định, thì liệu mình có đang bỏ lỡ trước những điều hay ho mà nhảy việc mang lại?
Câu trả lời mà Hoàng Oanh đưa ra sẽ là lời trấn an cho những ai muốn xây dựng một sự nghiệp theo thâm niên nhiều hơn là trải nghiệm. Bản thân cô bạn đã gắn bó với một tập đoàn trong suốt thời từ khi làm thực tập sinh, cũng từng có giai đoạn cảm thấy hết năng lượng với công việc, nhưng Hoàng Oanh vẫn vững lòng để "nghiệm thu" được những điều hay ho mà chỉ có ai gắn bó với nghề, với công ty đủ lâu mới nhận thấy:
"Năm đầu tiên làm việc, tuy chưa hẳn là "yêu" hay "đam mê" quá nhiều với nghề, mình vẫn gắn bó vì môi trường quá lý tưởng - mình nghĩ cũng có rất nhiều bạn có cùng lý do bắt đầu công việc giống mình. Đến năm thứ hai, khối lượng đầu việc ngày càng thêm nặng, lặp đi lặp lại với áp lực lớn, nhưng may mắn thay, mình vượt qua được giai đoạn đó vì có thời gian hồi phục lại năng lượng, khi biết cách tận dụng thời gian nghỉ ngơi lúc đã qua mùa bận. Khi bản thân được nghỉ ngơi đầy đủ và hồi phục, mình mới có thể cảm nhận đuợc nhữngniềm vui trong công việc."
Cũng nhờ 3 năm đó, Hoàng Oanh lại có một cơ sở rất vững chắc để ngày càng gắn bó với công việc HR lâu dài: "Mình đã được nếm trải chút "chua" của nghề, thế nhưng vẫn muốn bước tiếp vì những giá trị mà nghề đem đến mình cũng như mọi người xung quanh. Nếu mình không kiên nhẫn đủ thì có lẽ đã không nhận ra những giá trị đó."
Nhìn vào tương lai, Hoàng Oanh nhận thấy mình có lẽ sẽ gắn bó với HR lâu dài, vì bạn nhìn thấy những điểm hay của lĩnh vực này, khi đã vượt qua những chướng ngại của một "tân binh" nhờ sự kiên nhẫn. Với Hoàng Oanh, hiện tại, bắt đầu từ một công việc bản thân không quá "yêu", đã trở thành một đam mê mới và cô cảm thấy vững chắc hơn bao giờ hết với quyết định của mình.
Dành đến các bạn Gen Z cũng đang mong muốn vững bước trên một con đường nhất định, Hoàng Oanh khuyên: "Trước nhất là chấp nhận rằng không có nơi nào hoàn toàn tốt, tiếp theo đó là biết cách cân bằng năng lượng của bản thân.
Bạn mất năng lượng vì những thử thách khó, vì những điều không hài lòng, làm bạn mệt mỏi…Đó là lúc bạn đang truyền năng lượng ra bên ngoài, và nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến tình trạng burn-out. Vậy nên hãy học cách lấy năng lượng từ chính nơi mình làm việc như trò chuyện với đồng nghiệp nhiều hơn, cảm nhận được những hạnh phúc nho nhỏ khi còn gắn bó tại đây."