Gen Z “chưa chịu lớn”: Không ra riêng, vẫn xin tiền phụ huynh, liệu có oan?

Q.N, Theo Trí Thức Trẻ 09:08 02/07/2022

Người 22 tuổi vẫn ở nhà bố mẹ, người xin tiền phụ huynh để… đầu tư, Gen Z nghĩ gì?

Khi Gen Z đang có xu hướng tự kiếm tiền và độc lập tài chính, đầu tư từ sớm thì ở chiều ngược lại, một số bạn trẻ vẫn chưa ra riêng và sống nhờ vào trợ cấp của bố mẹ. Liệu như vậy có phải là "chưa chịu lớn", nghe người trong cuộc giải oan này!

Người 22 tuổi vẫn ở nhà bố mẹ, người xin tiền phụ huynh để... đầu tư

Chung (21 tuổi, TP. HCM) chia sẻ bản thân không kiếm được việc làm nên vẫn xin phụ cấp bố mẹ trong suốt ba năm học đại học. Anh chàng kể: “Mới vào thành phố mình cũng tập tành đi làm này nọ nhưng chểnh mảng việc học, điểm kém tới nỗi nhà trường gửi giấy cho phụ huynh, thế là mẹ mình làm cho một trận lôi đình, bắt mình tập trung học, ra trường rồi kiếm việc tiếp.”

Hiện tại, Chung đang nhận trợ cấp của bố mẹ khoảng 5 triệu/ tháng để trang trải các khoản sinh hoạt phí và tiền thuê nhà, đồ ăn cũng được bố mẹ lựa chọn và gửi xe khách từ quê vào. Hơn nữa, mỗi năm bố mẹ cậu bạn còn chi hơn 25 triệu tiền học phí. Chung cười trừ: “Có thể mình không nhanh nhẹn như nhiều bạn bè đồng trang lứa, nên khó để cân bằng giữa học và làm thêm, sau này mình sẽ làm bù vậy.”

Gen Z “chưa chịu lớn”: Không ra riêng, vẫn xin tiền phụ huynh, liệu có oan? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngọc (22 tuổi, TP. HCM) tâm sự về lý do vẫn ở nhà bố mẹ dù cô nàng có thừa khả năng thuê nhà và ra ở riêng. “Mình làm ở TP. HCM, nhà cũng ở đây thì ra riêng làm gì nhỉ, ở chung với bố mẹ tiện trăm bề, có mẹ nấu cơm, giặt giũ, phòng cũng có người dọn sẵn, mình thấy ra riêng chỉ tốn tiền.”

Cô bạn còn cho biết thêm, một lý do khác khiến Ngọc không muốn ra riêng là vì muốn tiết kiệm tiền đầu tư cho cửa hàng order quần áo đang “buôn may bán đắt” trên mạng. “Tiết kiệm chỗ này mình đầu tư chỗ khác, vui mà” - Ngọc nói.

Gen Z “chưa chịu lớn”: Không ra riêng, vẫn xin tiền phụ huynh, liệu có oan? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn Tiến (23 tuổi, TP. HCM) thì vẫn còn xin tiền bố mẹ để đầu tư… bất động sản. Hiện tại, cậu bạn đang mượn bố mẹ 500 triệu đồng để đầu tư một lô đất ở dưới quê, với ước tính nếu bán ra thì Tiến sẽ lời 200 triệu, sau khi trừ các khoản vay. Anh chàng chia sẻ: “Mới ra trường thì làm sao có tiền mà đầu tư, chỉ có còn cách vay mượn ba mẹ thôi. Nhiều bạn ngại nên không nói ra, chứ mình thấy mượn tiền phụ huynh để học hỏi đầu tư có gì đâu phải ngại, mình mượn sẽ trả, đâu lấy luôn.”

Người tự lập từ năm 18 tuổi, khẳng định càng độc lập tài chính sớm càng tốt

Trái ngược, hội tự ra riêng và độc lập tài chính từ sớm cũng có lý do của riêng mình. Tiên (20 tuổi, TP. HCM) cho biết cô nàng đã độc lập tài chính 2 năm, từ năm 18 tuổi. Hiện tại dù chỉ mới học Đại học nhưng cô nàng vẫn kiếm thu nhập đều đặn từ công việc gia sư và Trợ giảng cho các trung tâm. “Mình rời quê lên đây học Đại học, hiện tại vừa học vừa làm, mỗi tối mình chỉ dạy từ 2-3 tiếng, mỗi tháng thu nhập từ 8-9 triệu đồng, đủ trang trải và dư một chút để dành.”

Tiên cũng chia sẻ thêm: “Nhiều bạn cho rằng nếu ra làm việc sớm thì dễ xao nhãng việc học, tuy nhiên mình thấy cơ hội làm việc tự do và bán thời gian rất nhiều, các bạn có thể lựa chọn công việc phù hợp với thời gian biểu của bản thân để cân đối giữa học và làm.” Cô bạn cũng cho rằng việc tự kiếm tiền và độc lập sớm giúp Tiên tự tin, tự do và chủ động hơn trong mọi việc.

Gen Z “chưa chịu lớn”: Không ra riêng, vẫn xin tiền phụ huynh, liệu có oan? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Bên cạnh Tiên, Hùng (23 tuổi, Nhật Bản) cho rằng tự lập tài chính sớm cũng có một vài điểm khó nói. “Mình đi xuất khẩu lao động tại Nhật được hơn 1 năm, không phủ nhận kiếm tiền và rời nhà từ sớm khiến mình trưởng thành hơn, nhưng cũng chông gai và khó khăn, nhiều bạn qua đây hi sinh sức khỏe làm 12-15 tiếng/ngày kiếm tiền gửi về nhà, đến khi bệnh cũng nhờ nhà mua thuốc gửi sang chứ không dám mua đồ bên đây vì quá đắt đỏ.”

Hùng cũng cho rằng nên cân đối và đừng cố gồng mình với áp lực “tự lập sớm”, bởi anh chàng quan niệm trân trọng bản thân là quan trọng nhất, nên kiếm tiền có chừng mực và “biết cách xin xỏ” người thân khi cần.

Tự lập sớm hay vẫn “nhờ” bố mẹ, liệu có tốt và xấu hoàn toàn?

Rõ ràng, chuyện có ra riêng hay tự lập sớm là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, không có gì là đúng và sai hoàn toàn. Tuy nhiên, với người trẻ, việc tự lập và kiếm tiền sớm là điều cần thiết, nhưng với một mức độ vừa đủ.

Gen Z “chưa chịu lớn”: Không ra riêng, vẫn xin tiền phụ huynh, liệu có oan? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Các bạn có thể tự lập sớm dần với vài bước đi nhỏ đầu tiên, từ tự trả tiền đi chơi mua sắm, đến tiền ăn, sinh hoạt phí, sau nó nới dần sang trả tiền thuê nhà hoặc các khoản chi phí lớn hơn. Và điều quan trọng nhất, khi gặp khó khăn, hãy biết cách nhờ người thân hỗ trợ, đừng cố gồng mình nhé, vì người thân sẽ luôn lắng nghe và hỗ trợ bạn khi cần.

https://kenh14.vn/gen-z-chua-chiu-lon-khong-ra-rieng-van-xin-tien-phu-huynh-lieu-co-oan-20220628223858711.chn