Gặp thầy giáo gây bão mùa tuyển sinh với lời nhắn: Thi xong đừng lên mạng, đừng xem đáp án, đừng gọi cho thầy

Hero, Theo Helino 23:01 01/06/2019

Đấy là những lời tâm sự từ tận đáy lòng của một thầy giáo trẻ dạy Ngữ Văn viết trong tâm thư gửi các phụ huynh và học sinh mùa thi chuyển cấp.

Ngày thi đã đến gần, chắc chắn thời điểm này các bạn học sinh lớp 9 đang vô cùng lo lắng trước kì thi chuyển cấp. Áp lực điểm số, áp lực phải đỗ, sức ép từ gia đình, người thân đang đè nặng lên đôi vai người sĩ tử. Học trò áp lực một, thầy cô các em còn áp lực hơn bội phần, luôn mong cho các học sinh của mình sẽ thành công trong kì thi.

Mới đây, cư dân mạng đang lan truyền tay nhau bức thư của một thầy giáo gửi cho học sinh vô cùng ý nghĩa. Trong bức thư, thầy giáo kể rằng áp lực điểm số đang gây sức ép và có thể ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần các học sinh đồng thời khuyên nhủ các phụ huynh rằng hãy tin tưởng vào con em mình.

Chỉ sau ít giờ đăng tải, bức thư nhanh chóng nhận được quan tâm rất lớn từ cư dân mạng. hầu hết mọi người đều đồng tình rằng thầy giáo đã nói đúng vào "tim đen" của nhiều người.

Cụ thể bức tâm thư như sau:

"Tâm sự mỏng: Mùa tuyển sinh xin đừng

Đối với học sinh, làm xong bài thi môn đầu tiên, các em cứ lặng lẽ ra khỏi phòng thi, không nói với ai câu nào, đi về nhà luôn. Các em đừng trao đổi đáp án với bạn, đừng lên mạng xem đáp án, đừng gọi ngay cho thầy cô để hỏi xem mình làm bài có đúng không. Xin đừng, các em nhé! Nếu kết quả không được như ý, liệu các em có đủ tinh thần để thi các môn tiếp theo không? Hãy nhớ lấy lời thầy! Cho thầy xin 1 ngày của các em không có internet các em nhé! Lướt Facebook 5 phút thôi các em sẽ lại thấy người ta chia sẻ đáp án, các em sẽ thấy bạn bè hớn hở khoe mình trúng tủ, thấy bạn bè khóc lóc bù lu bù loa vì làm sai 1 câu nào đó... Rồi môn tiếp theo làm sao thi? Chỉ 1 ngày thôi em nhé! Hết ngày hôm đó, em lại có thể thoải mái lên Facebook like và share các bài đăng của thầy mà đúng không

Xin gửi mấy lời tới quý phụ huynh. Con mình thi, quý phụ huynh cũng lo lắng không kém con. Điều này thật dễ hiểu! Nhưng mong quý phụ huynh đừng vội hỏi con: "Hôm nay con làm bài được không?", hay đừng bảo con: "Con gọi cho thầy Bảo hỏi xem làm vậy được chưa...", mà hãy hỏi: "Con có mệt không? Con đói không? Uống trà sữa trân châu ít đường, ít đá nhiều cream chese không con?...". Tôi tin là các con sẽ thoải mái hơn rất nhiều đấy ạ. Nếu làm bài được con sẽ khoe ngay, nếu con còn băn khoăn thì thôi, để chiều, để mai con sẽ ráng làm thật tốt môn thi tiếp theo

Thầy cũng vậy, thầy sẽ không giải đề đâu nhé! Thầy cũng rất không vui khi bạn nào gọi điện hỏi thầy. Thầy biết các em và cha mẹ lo lắm, nhưng kệ các em. Thầy đùa đó! Thầy không muốn các em bị thêm áp lực thôi. Thầy mong các em có một mùa thi thật thành công".

Liên hệ với thầy Võ Kim Bảo – chủ nhân bức tâm thư đang là giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM. Thầy chia sẻ việc các học sinh của mình đang bị áp lực từ quá nhiều phía đã thôi thúc thầy viết ra bức tâm thư này: "Mình thấy các em học sinh áp lực lắm, cứ gọi điện nhắn tin cho thầy suốt và phải lo những nổi lo không đáng có. Cách đây 2 tháng mình thi thêm bằng tiếng Trung, trước khi thi đã lo, thi xong biết đáp án lại lo. Nỗi lo đó kéo dài suốt 1 tháng trời cho đến khi có kết quả. Thời gian đó thật khủng khiếp nên mình không muốn học trò mình chịu đựng cảm giác đó".

Tâm sự gây bão của thầy giáo mùa tuyển sinh: Thi xong đừng lên mạng, đừng gọi cho thầy! - Ảnh 2.
Tâm sự gây bão của thầy giáo mùa tuyển sinh: Thi xong đừng lên mạng, đừng gọi cho thầy! - Ảnh 3.

Thầy Bảo cùng các học trò. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo trẻ cũng chia sẻ thêm rằng bí quyết giúp các học sinh đỡ áp lực học tập bằng cách giảng bài theo một cách mới mẻ hơn: "Mình cũng giảng dạy như bao giáo viên bình thường thôi, nhưng mình đặc biệt vui tính, mình từng ước mơ trở thành 1 nghệ sĩ hài mà. Tiết học của mình rất vui, mình hay pha trò, nói đùa chọc cười các em. Tiết Văn mình không muốn các em nặng nề. Lòng thầy nặng nề thì khiến học trò cũng nặng nề. Bước vào lớp, mình để lại những lo toan, buồn bực ngoài hành lang để bắt đầu tiết dạy".

Là một nam giáo viên dạy môn Văn, thầy Bảo cũng không tránh khỏi những trường hợp oái oăm, dở khóc dở cười. "Mình nhớ mãi có lần học trò hỏi mình 1 câu: "Thầy ơi sao thầy là con trai mà lại dạy Văn? Con thấy toàn cô giáo dạy Văn...". Mình hơi bất ngờ với câu hỏi đó, sau 1 lúc mình bảo học trò: "Mở SGK ra giúp thầy xem có nhà văn nữ nào không?". Lúc đó mình dạy lớp 8, chương trình Văn 8 không có tác giả nữ, em học sinh ấy hoàn toàn bị thuyết phục. Đó là lúc mới vào nghề, nếu là bây giờ mình vẫn sẽ trả lời như vậy nhưng mình sẽ giải thích thêm cho học trò vài điều là không có 1 giới hạn nào trong văn chương cả", thầy giáo trẻ tâm sự thêm .