Việt là mẫu người trẻ điển hình - dẫn đầu để tạo sóng trong đam mê lẫn công việc, thay vì nương theo con nước ngày qua ngày.
Võ Hoàng Việt, sinh năm 1985, đang là quản lí tiếp thị (marketing manager) cho Pepsi, một nhãn hàng nước giải khát được yêu thích của giới trẻ. Công việc định hình cho anh tác phong nhanh nhẹn. Tóc nhuộm màu sáng, tai đeo khuyên, phong cách ăn mặc basic giúp anh trẻ hơn tuổi thật của mình.
Người đối diện không dễ tìm thấy bất cứ dấu vết bụi đường nào trong Việt, cho đến khi anh bắt đầu phát tiết sự mê say khi nói về "Nhà giả kim", về khao khát xê dịch cháy bỏng của anh chàng chăn cừu Satigo.
Việt cũng giống như Satigo. Trong những ngày sôi động nhất của tuổi trẻ, anh thực lòng muốn biết thế giới ngoài kia có gì. 10 năm sau ngày ra trường, Việt đã đặt chân đến 30 quốc gia từ Âu đến Á. Anh muốn chinh phục những cung đường nhưng không phải vì nó dẫn anh đến đâu, mà quan trọng, anh có gì sau chuyến đi đó.
Ngoài những chuyến đi, Việt còn có một công việc ổn định. Thu nhập tại Suntory PepsiCo Việt Nam giúp Việt tậu nhà, chăm sóc gia đình và làm kinh phí cho những dự án tuổi trẻ. Những chuyến đi xuyên châu lục thay đổi nhân sinh quan của Việt, giúp anh thăng hoa hơn trong công việc sau những lần "hạ cánh". Vòng tròn đi chơi - làm việc, làm việc - đi chơi ấy đã bổ trợ cho nhau một cách hoàn hảo.
Bí quyết nào để Việt vừa làm tốt công việc ở tập đoàn lớn vừa vi vu khắp nơi? Cuộc trò chuyện với anh dưới dây sẽ giúp bạn khám phá điều đó!
Xê dịch biến "chú ếch" thành người đàn ông trưởng thành
Việt tốt nghiệp ngành Ngữ văn Anh, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM. Năm 2 ĐH, anh được tham gia vào chuyến đi trao đổi văn hoá ở Singapore do trường tổ chức. Nhờ làm việc tại đây, Việt có cơ hội đi ra nước ngoài lần đầu tiên.
“Điểm đến đầu tiên của mình là Singapore. Chuyến đi kéo dài 1 tuần đã khiến mình như một chú ếch được bay lên khỏi miệng giếng, để tiếp xúc với thế giới quan bên ngoài. Suốt chuyến đi, không ít lần mình đã thốt lên: Ồ, hoá ra người ta nghĩ điều này theo cách khác, chứ không như mình đó giờ. Trong một buổi thảo luận với cô bạn người Singapore, mình còn kinh ngạc khi cô bạn ấy đã đi rất sâu và cực kì thuyết phục khi nói về chủ đề tầng lớp người nghèo.
Bài thuyết trình ấy đã mở ra chân dung một lớp người mà tụi mình chưa hề mường tượng đến. Mình được khai sáng về tầm quan trọng của việc tiếp xúc và giao lưu với những nền văn hóa khác nhau. Trở về Việt Nam, vẫn là mình đó thôi nhưng là một phiên bản tốt hơn rất nhiều”, Việt nhớ lại cột mốc đầu tiên mở ra chuyến hành trình dài về sau.
10 năm sau cái lần đầu tiên tung cửa bước ra thế giới ấy, Việt đã tự mình đi hết các tỉnh thành trong nước, khám phá những cung đường mới ở một số quốc gia châu Á, châu Âu, nghiêng mình trước sự độc đáo về văn hóa của các nước nằm dưới rặng Himalaya như Nepal, Tây Tạng, Bhutan và nhiều nơi khác nữa.
Những chuyến đi cho anh nhiều thứ. Đó là những điều Việt sẽ không bao giờ thấy được hay nhận ra nếu anh cứ yên phận ở trong môi trường sống quen thuộc.
Khi được hỏi điều gì hay kỷ niệm nào còn theo anh mãi sau những hành trình dài nhiều cảm xúc? Việt trầm tư một lúc, mắt ánh sáng lên khi chọn được một vài điều lý thú nhất trong hàng ti tỉ câu chuyện đường mà cái nào cũng đắt giá với người xê dịch.
Việt kể: “Có một lần, đoàn mình bị kẹt trong trận lở đất ở Nepal, trong khi mình còn ngơ ngác không biết làm thế nào để thoát ra, thì một đoàn người khuân vác bản xứ đến giúp và hướng dẫn lên đồi, để trực thăng ứng cứu. Sau những chuyến đi như thế, mình nghiệm ra nhiều điều hơn, cảm thấy yêu đời, yêu người hơn trước, tính tình cũng cởi mở và thoải mái hơn".
Là một marketing manager, Việt có rất nhiều đầu việc cần giải quyết mỗi sáng đến công sở, các dự án đang cần “đua” với đối thủ, những lần đưa ra ý tưởng nhưng chưa được sếp duyệt phải cố hơn nữa... Cứ tưởng cuộc sống của chàng trai 32 tuổi, độc thân, sẽ quay cuồng trong những áp lực, cuộc đua thăng tiến không hồi kết.
Nhưng hoàn toàn bất ngờ khi Việt nói nhẹ tênh với những người xung quanh rằng: “Nếu mà bạn cứ tiếp tục vùi mình vào công việc, bạn sẽ chứng minh được khả năng của mình cho sếp, cho công ty... nhưng chắc chắn bạn sẽ không có khoảng thời gian dành cho bản thân. Chỉ xê dịch mới giúp bạn tìm được chất lượng cuộc sống đúng nghĩa”.
Việt có cái nhìn cởi mở và chạm tay đến lối sống cân bằng, một phần, cũng nhờ văn hóa công ty nơi anh đang làm việc. Suntory PepsiCo luôn khuyến khích nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
“Có người trong công ty còn phải cố xài cho hết ngày phép của mình (cười). Với vai trò là quản lý, mình cũng thường xuyên khuyến khích các bạn trong team dành thời gian cho sở thích cá nhân. Như vậy mới có thể giúp các bạn hoàn thành công việc tốt được. Suntory PepsiCo tôn trọng sự khác biệt trên tinh thần hội nhập và hòa hợp. Nghĩa là, nếu một nhân viên có sở thích cá nhân, công ty sẽ tôn trọng và tạo điều kiện để họ theo đuổi đam mê đó, miễn nó không ảnh hưởng đến những người xung quanh hay chất lượng công việc”, Việt khẳng định.
Nhiều người thấy lạ là tại sao Việt, ở vị trí quản lý, lại có thể nghỉ hẳn 1 - 2 tuần để “ngao du thiên hạ”.
Ngoài sự sắp xếp thời gian của bản thân, Việt cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ sếp và nhân viên ở nhà.
“Trong môi trường tập đoàn, mọi người sẽ hỗ trợ nhau rất nhiều. Trước mỗi chuyến đi, mình đều lập một bảng danh sách các đầu việc cần làm, để team nắm và chắc chắn rằng những việc này sẽ được mọi người giải quyết ổn thỏa. Người giúp mình có thể là sếp hoặc các nhân viên trong team. Đó là cách mình giữ công việc vẫn trôi chảy, không bị trễ deadline sau vài tuần không đi làm”, Việt bổ sung.
Hãy là người tạo sóng, đừng chỉ nương theo con nước!
Không phải là người tham công tiếc việc đến quên tận hưởng cuộc sống nhưng Việt cũng chẳng phải là tuýp người mê chơi đến lạc lối về. Với chàng trai trẻ, hình ảnh quê hương luôn theo anh trong mỗi chuyến đi và giá trị cuối cùng anh tìm kiếm trong những lần lên đường chính là lý do để trở về.
“Mình rất thích cuốn Nhà giả Kim. Câu chuyện có nhắc đến một chi tiết rất hay. Satigo, một người chăn cừu, đi để tìm kho báu nhưng cuối cùng anh ta nhận ra kho báu lớn nhất của mình chính là những gì đang ở nhà đợi mình ở nhà đó chính là vợ anh, những người thân.
Kho báu không ở đâu xa, nó đang ở ngay cạnh bạn đấy! Và câu chuyện giúp mình nhận ra giá trị đúng nghĩa của câu nói đi để trở về. Dù mình rất thích đi lại và trải nghiệm rất nhiều thứ, nhưng cuối cùng vẫn muốn quay về vì nhận ra chân giá trị của mình là ở quê hương, ở gia đình và ở công việc này”, Việt bộc bạch.
Quả thật, những điều Việt học được trong những chuyến đi giúp đỡ anh rất nhiều trên chặng đường thăng tiến sự nghiệp của mình.
Đi nhiều, tiếp xúc nhiều người giúp chàng marketing manager nhìn người tốt hơn. Anh biết đâu là nhân tài cần bồi đắp, đâu là người mình có thể tin tưởng được và nâng họ lên để họ trở thành trụ cột trong công việc, một người bạn tốt trong cuộc sống.
“Ngày trước, mình hay áp những đánh giá chủ quan của mình lên một ai đó. Đi rồi mình mới hiểu, những người mình không thích ấy có khi họ còn tốt hơn những người khác mình gặp trên đường đi. Và từ đó, mình chấp nhận họ.
Trong một chuyến đi, dù bạn có không thích một người thì cũng không thể bỏ lại họ được. Học cách chấp nhận một người khác, cũng là một cách trưởng thành”, Việt đúc kết.
Một giá trị mà Việt luôn trân trọng và mang theo trên từng chuyến đi của mình là tinh thần “Yatte Minahare - Go for it” (Dịch ra tiếng Việt là: Hãy trải nghiệm). Đây cũng chính là một trong những giá trị cốt lõi mà công ty hiện tại của anh đang theo đuổi.
“Công ty khuyến khích nhân viên đón nhận những thách thức, vượt qua giới hạn của bản thân, trở thành những người tiên phong cũng như trau dồi bản thân thông qua những kinh nghiệm thực tiễn trong công việc”.
Áp dụng giá trị này trong công việc, Việt luôn sẵn sàng thử thách bản thân với những dự án mới, đôi khi nằm ngoài phạm vi công việc hiện tại của mình. Nhờ tinh thần học hỏi đầy nhiệt huyết cũng như sự trao quyền từ sếp, Việt đã có những đóng góp đáng kể cho các nhãn hàng anh phụ trách nói riêng và bộ phận marketing nói chung. Đó chính là bàn đạp vững chắc để anh có được vị trí ngày hôm nay.
Việt cũng chia sẻ thêm, Suntory PepsiCo tin tưởng rằng đội ngũ lãnh đạo nên được phát triển và nuôi dưỡng ngay từ bên trong công ty. Do đó có một điều khá thú vị ở SPVB là chính sách ứng tuyển nội bộ. Một khi công ty có nhu cầu tuyển dụng thì sẽ thông báo tới toàn bộ nhân viên trước, để đảm bảo ai cũng có cơ hội như nhau để thăng tiến và phát huy các thế mạnh của mình. Gia nhập công ty với vị trí brand manager, Việt lên tới vị trí hiện tại cũng là nhờ chương trình đặc biệt này.
Tất cả những điểm cộng trên cũng chính là 1 phần lý do Việt chọn gắn bó với SPVB trong 5 năm vừa qua và có thể là rất xa trong tương lai nữa.
Khép lại buổi trò chuyện, bỗng nhiên Việt hỏi: “Bạn là người tạo sóng hay đi theo con nước?”. Khi người đối diện vẫn chưa biết phải trả lời ra sao trước câu hỏi đầy sức gợi này thì Việt cười thật tươi. Chàng trai 32 tuổi toát lên một lực hấp dẫn riêng, khiến nhiều người đối diện nóng lòng muốn nghe điều anh sắp nói.
Việt đi thẳng vào vấn đề: “Mình cho rằng trên cuộc đời này chỉ có 2 loại người mà thôi, một người tạo sóng, hai là người nương theo con nước. Mình nhận ra, một khi bạn đã đi làm thì nghề gì cũng có dấu ấn (tạo sóng). Một ngày, bạn sẽ để lại thứ gì đó mà bạn nghĩ rằng bạn rất muốn để lại cho người khác.
Bạn hãy nhớ rằng mỗi người đều phải tạo một dấu ấn của mình, dù đang theo đuổi bất cứ nghề nghiệp nào đi nữa, từ nghề kế toán, kiểm toán, nhà báo hay giáo viên... Trong cộng đồng của mình, mọi người nhớ đến mình vì cái gì? Bạn là người tạo sóng hay đi theo con nước? Đó là hai câu hỏi mình muốn bạn trẻ trả lời được!”.