Trong căn phòng nhỏ phía sau gian thờ của đình Vạn Thạnh Phú (đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) không khí trở nên ngột ngạt hơn bởi sự tất bật của hơn chục nghệ sĩ sắp đến giờ diễn.
Dưới ánh sáng yếu ớt phát ra từ chiếc đèn đã cũ người ta chăm chú hoá trang, chỉn chu lại y phục, người ôn lại kịch bản, cũng có người tranh thủ ăn lót dạ để có sức lên diễn. Trên hòn đảo xinh đẹp này từ bao đời nay mọi thứ vẫn vẹn nguyên như thế, những nét đẹp văn hoá vẫn được giữ gìn và trân trọng như những gì xứng đáng.
Những nghệ sỹ trong gánh hát bội Đồng Tâm tề tựu về đình Vạn Thạnh Phú của làng Phú Lâng (xã Long Hải, đảo Phú Quý, Bình Thuận) để biểu diễn trong Lễ Cầu Ngư của dân làng.
Đây được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của những người ngư dân sinh sống ở nơi này. Nhằm bày tỏ lòng thành, người dân trong làng dâng lên các vị thần những món lễ vật và tổ chức ca múa linh đình trong nhiều ngày.
Ông Trần Thanh Phong là truyền nhân đời thứ 5 của gánh hát, trải qua rất nhiều thời điểm khó khăn nhưng gia đình ông Phong luôn cố gắng gìn giữ nghề gia truyền của cha ông.
Những người dân miền Trung khi lưu lạc đến đảo Phú Quý đã mang theo những phong tục tập quán của địa phương, trong đó có bộ môn nghệ thuật hát bội. Hát Bội (hát Bộ) ở miền Trung và Bắc gọi là Tuồng. Theo nhiều học giả, hát Bội là một bộ môn nghệ thuật xuất phát từ ca vũ dân tộc Việt Nam, song trong quá trình phát triển, đã tiếp nhận nhiều hình thức biểu diễn và hóa trang của Hí Kịch Trung Quốc.
Nghệ sĩ hát Bội thời ban đầu đeo mặt nạ để biểu diễn, về sau thay bằng cách vẽ mặt, và truyền mãi tới ngày nay. Vẽ mặt không phải như hóa trang ngày nay, mà màu sắc rất sặc sỡ như đỏ tươi, đen sậm, trắng bạch... nói lên tính tình của nhân vật. Tất cả cũng phải theo nguyên tắc "tượng trưng" của hát bội.
Trang phục của mỗi nhân vật cũng nói lên tính cách của họ. Bởi thời trước những kỹ thuật âm thanh ánh sáng của sân khấu chưa đủ để khán giả ngồi xa có thể nhìn rõ chi tiết, họ chỉ có thể nhận biết tính cách thiện, ác của nhân vật thông qua trang phục và hình vẽ trên gương mặt.
Các em nhỏ trên đảo tò mò và thích thú lén nhìn những nghệ sĩ hoá trang trong cánh gà.
Những nghệ sĩ trong gánh hát ở trên đảo hầu hết là người dân lao động. Có người làm ngư dân lênh đênh trên biển, có người làm thợ hồ chân lấm tay bùn, người thì bươn chải ngoài chợ bán cá mỗi buổi sáng... Thế nhưng họ đều có một điểm chung đó là đam mê hát bội.
Tạm quên đi những lam lũ hằng ngày, đến những dịp lễ hội, họ khoác lên mình tấm áo kiêu sa, lớp hoá trang dày cộm và cháy hết mình trên sân khấu. Thông thường một vở diễn kéo dài tầm 5 giờ đồng hồ, nhưng số tiền thù lao chỉ đủ chi trả tiền xăng xe.
Gánh hát bội Đồng Tâm có tuổi đời ngót nghét gần 100 năm là một trong 2 gánh hát lâu đời nhất đảo Phú Quý.
Chị Phong (35 tuổi) làm vị trí nhắc tuồng trong gánh hát. Chị ngồi ở giữa 2 tấm màn ngăn giữa sân khấu và cánh gà để nhắc lời thoại cho các nghệ sĩ. Phải nhắc liên tục 5 tiếng đồng hồ, nhưng chị chẳng tỏ ra mệt mỏi với công việc của mình.
Không xuất hiện ngoài sân khấu, không được khán giả biết đến và tán thưởng nhưng chị Phong vẫn yêu công việc của mình. "Biết đâu một ngày nào đó chị được ra sân khấu đường đường chính chính biểu diễn như một cô đào. Làm gì cũng vậy cũng phải đi từ những bước nhỏ nhất", chị nói.
Những bậc cao niên trong làng ăn vận chỉnh tề đến đình để xem hát bội. Môn nghệ thuật này vẫn luôn giữ được sức hút với thế hệ trước. Tuy nhiên giới trẻ thì không còn mấy mặn mà.
Người trẻ trên đảo giờ đây đã được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, họ có nhiều lựa chọn hơn để giải trí và đam mê. Chẳng còn nhiều người trẻ có ý định theo học hát bội để nối nghiệp. Ông Thanh Phong (truyền nhân của gánh hát) tâm sự: "Các con của chú giờ cũng đi đàn nhưng mà là tân nhạc, chứ không theo nghề hát bội. Rồi một ngày nào đó, khi thế hệ của chú không còn đứng vững trên sân khấu thì liệu có ai sẽ thay thế".