Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu

Hoàng Việt - Huy Tuấn Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:24 01/10/2017

Từ khoảng tháng 7 cho đến rằm tháng 8 Âm lịch, làng nghề làm lồng đèn giấy kính truyền thống Phú Bình (quận 11) lại tất bật chuẩn bị hàng cho khách đặt phục vụ Tết Trung thu.

Làng nghề tồn tại cũng hơn nửa thế kỷ, tuy đã có phần mai một do số lượng những gia đình còn giữ nghề không nhiều nhưng không vì thế mà biến mất hoàn toàn.

Một ngày nóng oi ả tháng 9, chúng tôi ghé thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (58 tuổi) một trong những gia đình còn giữ vững truyền thống làng nghề lâu đời.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 1.

Ngay từ khi bước vào, không khí Trung thu đã bao trùm căn nhà. Những khung tre được treo đầy trước cửa, bên trong nhà và trên trần đâu đâu cũng là những cây đèn lồng giấy kính đỏ vàng với nhiều hình dáng bắt mắt.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 2.

Anh Quyền cho biết gia đình đã làm nghề này từ năm 1988, đến nay đã gần 30 năm. Mấy anh em trong nhà người thì có nhà riêng, người thì ở đây nhưng tất cả đều giữ nghề truyền thống.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 3.

Tổng cả mấy anh em lại năm nay gia đình anh làm khoảng 10 nghìn đèn lồng các loại. "Một người làm nhanh từ A đến Z một ngày cũng chỉ được khoảng 10 đến 12 cái thôi vì vậy phải chuẩn bị làm từ rất sớm, tính toán lượng khách đặt để có kế hoạch làm" – anh Quyền chia sẻ.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 4.

Để chuẩn bị cho mùa vụ, những cây tre được chọn lọc và mua về từ vựa tre nứa ở ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức) từ sau Tết. Vì là mối quen nên chỉ cần gọi điện sẽ có người giao tre đến nhà, nhưng vào thời điểm này, khi hàng gấp thì đích thân anh Quyền sẽ đi mua tre về làm.

Sau khi được phơi nắng, những cây tre này sẽ được cưa theo kích thước sẵn có để phù hợp với từng loại đèn được làm. Với những cây tre dài và lâu năm (có thân dày) sẽ được ưu tiên làm các loại đèn lớn với độ chắc chắn cao nhất.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 6.

"Ông cụ nhà tôi ngày xưa mỗi khi chuốt đều phải lấy miếng cao su để lót tay, phần vì ông cụ sợ đứt tay, phần vì làm lâu chuốt những thanh tre này sẽ bóng và mịn." – anh Thắng (45 tuổi) em anh Quyền chia sẻ.

Sau khi chuốt thành các thanh tre mảnh, chúng được anh Thắng đưa vào một "thiết bị" đơn giản giúp uốn tre nhanh và không sợ gãy. Trước khi uốn, anh Thắng cẩn thận đo kích thước theo đúng với mẫu để tránh bị nhầm. "Làm chơi một hai cái thì không sao, mình làm số lượng lớn mà nếu sai đi một chút lại phải tháo ra làm lại thì rất mất công" – anh Thắng nói.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 8.

Những thanh tre này qua bàn tay tài hoa của người thợ sẽ được gắn lại thành một khung đèn chắc chắn với nhiều hình dạng khác nhau. "Ngoài những hình truyền thống như ông sao, gà, cá, voi thì mình cũng làm những hình dáng độc đáo hơn để cho khách có nhiều lựa chọn. Có tàu thủy, có máy bay, con gì mình cũng làm được hết".

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 9.

Sau khi được dán giấy kính và vẽ trang trí, những chiếc đèn cơ bản đã hoàn thành sẽ được đóng gói và giao cho khách hàng.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 10.

Vì đang vào mùa vụ nên những mâm cơm trưa luôn được dọn ra ngay chỗ làm để không làm mất quá nhiều thời gian của người thợ. Anh Quyền chia sẻ năm nay do hai anh chị đều bệnh, bản thân anh cũng đang không được khỏe nên cả hai bắt đầu làm muộn, thời điểm hiện tại cả hai vợ chồng mới chỉ làm được hơn 3 nghìn đèn giao khách. Vì vậy phải tranh thủ thời gian mà làm.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 11.

Một giấc ngủ trưa ngắn ngay tại chỗ làm của anh Quyền. Sau khi chợp mắt 15 phút, anh lại phải chạy xuống Thủ Đức để lấy tre do đã đặt đầu mối để lại 3 cây tre tốt.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 12.

Không làm khung đèn lồng, nhưng ông Sáng (64 tuổi) và con gái đã dán giấy kính cho những chiếc đèn từ hơn 10 năm nay.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 13.

Cứ mỗi mùa Trung thu, ông và các con nhận dán giấy kính cho những chiếc đèn từ các nhà làm xung quanh để kiếm thêm thu nhập. Cứ mỗi chiếc đèn thành phẩm, ông được trả 1.500 đồng. Theo ông Sáng thì rất nhiều gia đình xung quanh đều nhận dán như ông, hoặc nhận vẽ đèn để có thêm thu nhập cũng như đảm bảo số lượng đèn thành phẩm đáp ứng đủ cho thị trường.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 14.

Khác với gia đình anh Quyền sản xuất đèn với mẫu mã mới phù hợp với thị trường, gia đình anh Bình lại chỉ sản xuất các loại đèn với mẫu mã truyền thống có từ trước.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 15.

"Khách của mình hầu như là khách hàng quen đặt trước, như mẫu thỏ hoặc mẫu cá này đều được vẽ theo phong cách ngày xưa do khách hàng ở Hà Nội đặt cho triển lãm nhằm phục dựng ngày Tết Trung thu xưa cho các em nhỏ" – Anh Bình chia sẻ.

Với cọ và màu đơn giản, anh Bình tự mình vẽ tay tất cả các sản phẩm của gia đình. Theo anh Bình, một người lành nghề làm nhanh một ngày cũng chỉ có thể làm được 10 đèn. Nhà anh năm nay cũng chỉ làm được khoảng 1000 cái do anh làm chủ yếu.

Anh Bình cho biết một năm thu nhập từ nghề này chỉ được khoảng 70 triệu, trừ đi 30 triệu tiền vốn cũng chỉ còn 40 triệu. Chia cho số thời gian bỏ ra làm thì không còn được bao nhiêu. Vì vậy anh nhận trông xe thuê cho người đi chợ và làm chở hàng lặt vặt để giữ nghề.

Chị Thủy, một chủ tiệm bán đèn lồng tại đây cho biết, lượng đèn lồng truyền thống vẫn tiêu thụ được do các trường học và cơ quan mua về làm quà cho các em thiếu nhi hoặc làm từ thiện. Còn lại thì lượng đèn lồng chạy pin với những họa tiết hoạt hình thu hút các em nhỏ hơn so với đèn truyền thống.

Tuy nhiên không vì thế mà đèn lồng truyền thống lại không có sức hút. Vẫn có khách hàng lựa chọn những chiếc đèn lồng truyền thống bắt mắt với kiểu dáng mới cho con em mình. Một khách hàng đang chụp ảnh chiếc đèn lồng cá chép trong tiệm chị Thủy. Một ni cô ở Bình Dương đang chọn và đặt mua lồng đèn làm quà cho các bé cơ nhỡ.

Chùm ảnh: Xóm lồng đèn giấy kính truyền thống ở Sài Gòn tất bật mùa Trung thu - Ảnh 20.

Chị Uyên (quận 12) đang chuẩn bị chở những chiếc lồng đèn truyền thống về bán. Theo chị lượng đèn bán hàng năm của đèn truyền thống và đèn điện là như nhau. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho những gia đình giữ vững truyền thống làng nghề để không mai một đi một nét đẹp văn hóa Việt Nam.