Nếu những ai có dịp về thăm làng lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11, TP. HCM) với hơn 60 năm tuổi đều không khỏi xót xa trước sự mai một đáng báo động của nghề làm lồng đèn truyền thống. Có lẽ lồng đèn Phú Bình là nơi duy nhất còn lưu giữ lại những nét dân tộc qua chiếc lồng đèn truyền thống ở Sài Gòn phồn hoa.
Lồng đèn hình chú gà với giá 10.000 đồng nhưng vẫn không được nhiều người chọn mua.
Còn khoảng 2 tuần nữa, ngày hội trăng rằm sẽ đến, nhân dịp này một người bạn Việt kiều mới về quê hương rủ chúng tôi ghé thăm làng nghề làm lồng đèn truyền thống Phú Bình để cảm nhận không khí của ngày tết thiếu nhi. Khi đang đi dạo quanh những con đường trong làng lồng đèn truyền thống, người bạn này đột nhiên đứng khựng lại và thốt lên: "Tại sao sắp đến trung thu rồi mà không khí ở xóm làng lồng đèn truyền thống lại vắng lặng quá. Cũng không thấy nhiều nhà tất bật với việc làm lồng đèn bằng thủ công?".
Quả thật, không chỉ người bạn Việt kiều có cảm giác kì lạ đó tại nơi này, ngay cả chúng tôi (một người sống ở Sài Gòn nhiều năm) cũng cảm nhận có sự thay đổi lớn tại làng lồng đèn lâu đời này. Theo quan sát, làng nghề truyền thống vẫn đang rất yên ắng, không còn sự hối hả, bận rộn của những người làm lồng đèn như trước đây nữa.
Có lẽ làng nghề lồng đèn truyền thống sẽ sớm mai một trong tương lai gần.
Nhiều tâm tư, trăn trở của người dân làng nghề truyền thống sắp có nguy cơ bị dẹp bỏ.
Khi chúng tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự thay đổi này, thì một người dân ở trong làng cũng tỏ vẻ tiếc nuối: "Nhiều năm trước, cứ mỗi độ trung thu về, đèn lồng của Phú Bình lại tỏa đi muôn nẻo và thắp sáng mọi con đường, không khí rộn ràng lắm. Nhưng giờ thì lồng đèn truyền thống có lẽ sắp mai một tới nơi rồi".
Theo người dân trong làng lồng đèn truyền thống Phú Bình, nghề này theo chân những người quê gốc Nam Định vào Sài Gòn vào năm 1954 để phát triển. Trải qua thời gian hơn nửa thế kỉ, nghề làm lồng đèn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia và cứ như thế đã trở thành một làng nghề truyền thống. Cũng có thể nói chính làng nghề truyền thống này đã góp phần lưu giữ hồn dân tộc.
Mặc dù lồng đèn được làm thủ công có nhiều mẫu mã đa dạng hơn nhưng không thể cạnh tranh nổi với lồng đèn điện tử.
Vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước được xem là thời kì hưng thịnh nhất của nghề làm lồng đèn thủ công. Vào thời kì đó, mặc dù mẫu mã không đa dạng như bây giờ, đơn giản chỉ hình ngôi sao, con thỏ hay con cá, nhưng số lượng làm ra bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu. Nguyên liệu để làm lồng đèn là tre nứa được vót nhỏ, giấy kiếng, kẽm cột và keo dán.
Bước sang giai đoạn từ năm 2000, một bước ngoặc lớn đối với làng lồng đèn Phú Bình khi sự xuất hiện ồ ạt của lồng đèn điện tử trên thị trường đã "đè bẹp" lồng đèn truyền thống bằng giấy kiếng. Thế là nhiều làng nghề tại đây bắt buộc phải luân chuyển theo dòng chảy của thời gian và nhu cầu xã hội. Nhưng có lẽ sự phát triển đến chóng mặt của lồng đèn điện tử từ các công ty trong nước và nước ngoài nhập vào đã khiến cho một làng nghề sắp bị mai một.
Cửa hàng cô Thoa phải nhập lồng đèn điện tử về bán cùng với lồng đèn truyền thống tự làm.
Khách hàng là các cháu thiếu nhi cũng chỉ chú ý tới lồng đèn điện tử.
Cô Thoa (chủ cửa hàng lồng đèn trong làng Phú Bình) chia sẻ buồn về làng nghề: "Lồng đèn truyền thống của người Việt mình lượng khách mua giảm dần theo mọi năm rồi. Nhà tôi tự làm lồng đèn thủ công bán cũng chỉ để lưu truyền, bám trụ với nghề dành cho con cháu sau này. Hiện nay, ở làng Phú Bình này những hộ còn sống với nghề làm lồng đèn truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gia đình tôi là một trong những số ít những hộ còn bám nghề thôi".
Theo những lời chia sẻ thật lòng của cô Thoa, cũng có nhiều lý do dẫn đến làng nghề có nguy cơ không còn tồn tại hoặc không thể phát triển như trước. Để làm ra một chiếc lồng đèn tốn khá nhiều nhân công, mà không bán được. Bên cạnh đó, ngoài việc lồng đèn truyền thống cũng chiếm diện tích trưng bày khá lớn thì việc chuyên chở khi đi giao hàng cũng khó và bất tiện vì cồng kềnh.
Lồng đèn tại làng Phú Bình được một số đại lý ở xa mua sỉ về bán lại hoặc bỏ mối cho các hội từ thiện.
"Có lẽ trẻ em thời nay cũng không còn mặn mà với lồng đèn ông sao hay con cá... được thắp bằng đèn cầy nữa rồi, thay vào đó các cháu đã kích thích bởi những ánh đèn nhấp nháy nhiều màu và tiếng nhạc từ lồng đèn điện tử. Trước đây, cửa hàng tôi thường chỉ bán lồng đèn giấy kiếng truyền thống, nhưng giờ đây buộc phải bán thêm lồng đèn điện tử để thu hút. Điều này thật sự không muốn nhưng bất đắc dĩ phải làm vậy", cô Thoa nói trong xót xa.
Tại làng lồng đèn Phú Bình, trước đây có nhiều gia đình có từ 3 đến 4 thế hệ làm lồng đèn, tuy nhiên hiện giờ các thế hệ sau này đã mưu sinh bằng nghề khác. Ông Bùi Văn Ga (ở làng Phú Bình) cho hay, hiện tại chỉ còn hai vợ chồng già vì không thể làm những việc khác nên tranh thủ mua tre về làm lồng đèn để nhớ làng nghề xưa, nhớ về những thời thơ ấu của con cháu cầm những chiếc lồng đèn truyền thống quê hương đi chơi đêm trung thu.
Lồng đèn truyền thống việc chuyên chở quá bất tiện cũng là lý do nhiều đại lý ở xa không mặn mà nhập về.
Đối với một chủ cửa hàng trên đường Lạc Long Quân (thuộc làng Phú Bình) cho biết: "Hiện tại lồng đèn giấy kiếng được làm thủ công dù có đa dạng hình dáng như thế nào đi nữa cũng chỉ bán sỉ chứ bán lẻ không ai thèm mua. Giá bán lồng đèn này từ 20.000 đồng giảm xuống còn 6.000 - 7.000 nghìn đồng cũng chẳng thèm mua. Thậm chí đem cho các cháu thiếu nhi còn không chịu lấy. Cần có biện pháp nào để hồi sinh lồng đèn truyền thống của dân tộc chứ như thế này có thể dẹp bỏ làng nghề không sớm thì muộn".
Lồng đèn chống vì còn tồn quá nhiều.
Rời các cửa hàng bán lồng đèn truyền thống, chúng tôi tiếp tục đi đến số ít những ngôi nhà đang gia công lồng đèn và thêm một lần nữa chạnh lòng khi chứng kiến hàng trăm sản phẩm được chất đống vì các đầu mối đã ngưng nhập hàng. Có hộ làm khoảng 1.000 chiếc lồng đèn, nhưng còn tồn một nửa số đó. Hỏi mới biết lý do các cửa hàng bán lồng đèn điện tử đắt hơn nên lồng đèn truyền thống nhập hàng chậm hơn.
"Chúng tôi đang cố gắng bám trụ với nghề để lưu giữ lại cho con cháu sau này còn nhớ đến truyền thống của ông cha ta ngày xưa, nhưng dường như quá khó khăn", một gia đình làm lồng đèn tâm sự.