a đêm liền ở ấp 3 xã Tân Lập, Long An là 3 đêm cuối cùng mà đoàn hát của chị Minh Thư sẽ biểu diễn và tổ chức hội chợ. Nhưng đó lại là 3 đêm buồn đến não lòng khi cơn mưa dai dẳng kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Không được lên sân khấu, không tóc giả, phấn son và những bộ cánh rực rỡ để tự tin khoe giọng hát của chính mình, chị Nhi, chị Thư, chị Linh… trở về với vẻ đời thường của mình. Họ lặng lẽ rít thuốc trên chiếc võng đong đưa ở quán nước dựng bằng chòi lá, họ thu mình trong “căn phòng” dựng bằng tấm tôn và lót ván gỗ, ôm đầu nghĩ về những ngày mưu sinh vất vả đang đến, những ngày không kiếm nổi một xu vì không được đứng trên sân khấu…
“Pê đê chắc kiếp trước không tu, nên kiếp này chị mới khổ như vậy…” – chị Linh xếp lại đồ đạc, lau lớp phấn vừa đánh lên mặt. Chỉ còn một chút nữa thôi chị đã được lên sân khấu trong đêm cuối cùng ở xã Tân Lập, vậy mà chỉ một cơn mưa đến, khách lũ lượt ra về, mọi người lặng lẽ thở hắt ra hai chữ “Buồn ha…” rồi lúi cúi tắt đèn, tắt nhạc, dọn ghế. Họ nói, đêm nay sẽ dỡ bỏ tất cả chuyển sang bến mới trên thị xã Kiến Tường, hy vọng trời sẽ quang hơn và khách sẽ mở lòng với mình nhiều hơn.
Ký ức là thứ không thể mua được bằng tiền, cũng chẳng thể quay ngược trở lại. Nhưng, có đôi lúc bất chợt nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc, nghe lại vài âm thanh thân thương, lòng người ta bỗng xao xuyến đến lạ. Hôm nay, khi bước đến đoàn lô tô của chị Thư, những hình ảnh của ngày xưa cũ trong giây phút khiến tim tôi khẽ rung lên bồi hồi. Vòng quay ngựa sắt, những cây phi tiêu có phần đuôi kết bằng lông gà, tấm vé lô tô xanh đỏ... và cả những con người lộng lẫy, vui nhộn phía trên sân khấu kia, tất cả đã từng là một phần trong tuổi thơ dữ dội của những đứa trẻ vùng nông thôn chúng tôi.
Không gian buồn tẻ nơi tỉnh lẻ nhanh chóng được xua tan mỗi khi có đoàn hội chợ ghé thăm. Những con người hài hước nhưng có phần lầm lũi ấy đến mang theo niềm vui và đi mang theo nỗi buồn khó tả. Họ dựng tạm vài tấm tôn, tấm bạt làm chỗ ăn, chỗ ở và biểu diễn, được dăm bữa nửa tháng, họ lại dọn dẹp rồi chuyển đi nơi khác. Cuộc sống rày đây mai đó, thiếu thốn vất vả trăm bề, thế nhưng chính họ - những người lạc lõng giữa thế gian cũng không thể lý giải được vì sao lại dành nửa cuộc đời mình cho hội chợ.
"Trước chị đi hát hội chợ ở Vũng Tàu, giờ mấy chị em cũng lớn tuổi rồi, muốn lập ra cái đoàn này để chị em không phải đi làm mướn, làm thuê cho người ta, không còn cực khổ nữa…Ở chỗ khác thì không biết, nhưng đoàn chị giống như một gia đình để chị em nương tựa nhau” - chị Minh Thư (42 tuổi, trưởng đoàn Xuyên Việt) tâm sự.
Ở cái tuổi quá tứ tuần, khi phong độ đỉnh cao đã nhạt nhoà, các chị em trong đoàn đùm túm, giúp nhau qua những ngày khó khăn còn lại của cuộc đời. Hôm tôi đến trời mưa tầm tã, chị Kiều Nhi ( 42 tuổi, Bến Tre) nằm buồn thiu trên chiếc võng bạc màu, đưa điếu thuốc lên miệng chị rít một hơi thiệt dài rồi nhả làn khói trắng về phía mưa. "Đời của một con bóng hội chợ truân chuyên lắm em à! Ngày còn nhỏ ba chị ổng dữ lắm, hễ mà thấy đi chơi chung với pê đê là về ổng đánh thấu trời xanh. Đánh dữ lắm! Lấy ruột thắng xe đạp đánh bầm mình, mà càng đánh chị lại càng khát khao được sống là chính mình. Ổng tức, nói là: Tao mà có cây súng trong tay là tao bắn mày chết”.
"Có ông cậu bên Mỹ, ổng biểu mày đừng làm pê đê, tao bảo lãnh qua đây sống với tao..." - chị bỏ lửng, cười nhẹ có chút ngạo mạn và tiếc nuối.
Khi lớn lên, bị cả nhà ép cưới vợ, chị Nhi bỏ trốn lên Sài Gòn sống, chị đi làm mướn cho gia đình một người quen rồi bén duyên với hội chợ trong một lần đi xem lô tô. Ban đầu chị theo đoàn làm chân bán vé rồi học cách hô lô tô, học hát cải lương, diễn tuồng để bước lên sân khấu biểu diễn. Thấm thoắt mà đã hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày chị theo nghề hội chợ.
Chị Nhi kể: "Ngày xưa hội chợ vất vả mà vui lắm! Hát mà mưa phải vịnh cây cột sân khấu cho nó khỏi sập. Ngủ thì lấy miếng bìa giấy lót dưới đất rồi nằm, nước sinh hoạt thì khan hiếm, hứng từng giọt nước để xài... vậy đó mà vui, vì đi tới đâu người dân cũng mến. Còn bây giờ nhà nào cũng có tivi, ai cũng có cái điện thoại để lên mạng coi đủ thứ chương trình, đâu ai mặn mà với hội chợ nữa…”
“Pê đê thì biết làm gì bây giờ? Làm công nhân thì người ta không nhận, ra buôn bán thì họ nhìn mình bằng cặp mắt khác người, không thiện cảm. Hát hội chợ là cái nghiệp của tụi chị rồi, không bỏ được, dù có cực có khổ, cũng không bỏ được" - chị Linh nói.
Nguyên hôm qua, mưa tầm tã từ trưa đến tối, đoàn không thể diễn được. Qua hôm thứ hai, trời nổi dông từ ban trưa. Mấy chị lẹ làng chạy ra vòng quay ngựa để lấy mớ quần áo đang phơi, mấy anh thanh niên trong đoàn thì nhanh tay lấy bạt che mấy gian hàng cho mưa khỏi tạt.
Dưới gầm sân khấu, những căn phòng nhỏ tạm bợ được dựng lên từ tôn và vài tấm vải màn cũ kỹ là nơi ăn chốn ở của các thành viên trong đoàn. Mưa mỗi lúc một lớn, nước ngập lênh láng dưới đất, trên mái tôn nước nhỏ từng giọt từ lỗ mọt. Chị Ngọc Linh (46 tuổi, Long An) cặm cụi lấy băng keo dán lại chỗ bị dột. Vậy mà chị càng dán, nước càng chảy, chị nản lòng để kệ luôn.
Trong căn phòng nhỏ xíu, ảm đạm, chị Linh ngồi thu lu một góc, mắt hướng về phía vô định: “Hồi đó chị sống với chồng 9 năm, nhưng rồi người ta cũng bỏ chị để đi lấy vợ (là một người con gái đúng nghĩa). Những lúc trời mưa, nằm lủi thủi, không có ai thủ thỉ cũng buồn chứ bộ, rồi cái nước mắt chảy, tự thấy tủi thân cho mình. Pê đê chắc kiếp trước không tu, nên kiếp này mới khổ như vầy".
Tôi chợt nhớ đến câu thoại của một nhân vật trong bộ phim điện ảnh Lô Tô - "Tụi chị có nhà, tụi chị không dám nhớ. Vì mỗi khi nhớ nhà lại thấy có lỗi với mẹ cha". Tôi hỏi chị Linh: "Có đúng vậy không chị?". Chị lặng đi một lúc lâu rồi nói: "Cha mẹ sinh ra, nuôi nấng mình nên người, rồi mình như vầy (chị chỉ vào mình) nam không ra nam, nữ không ra nữ, rầy đây mai đó, tha phương cầu thực, chẳng ở cạnh phụng dưỡng mẹ cha, vậy nên cảm thấy mình có tội...".
Mùa lễ tết là dịp ăn nên làm ra của các đoàn hội chợ, chính vì thế mà các cô đào cũng chẳng có thời gian về thăm nhà. Có lần chị Thư kể: "25 Tết đi hát ở dưới Bến Tre cho đến qua Giêng, mà đường đi thì khó khăn, đâu có tranh thủ về nhà thắp nén nhang cho ba được. Nhìn người ta đi tảo mộ mà ứa nước mắt. Đi lâu không về, anh chị lại gọi hỏi sao hổm rày không thấy về chơi. Làm không ra tiền đâu có tâm trạng về thăm nhà...".
Chị Nhi là người vui tính nhất đoàn nhưng đôi lúc cũng không giấu được cảm xúc của mình: "Mấy năm sau này ba chị ổng thương chị, không còn cấm chị đi hát nữa. Lúc hấp hối, ổng hỏi má: Sao không thấy thằng Hiền về thăm tui? (ở nhà chị Nhi tên Hiền). Chị vừa chạy xe về tới nhà là ba chị ổng khóc".
"Em thấy bóng gió, pê đê tụi chị hay giỡn hớt, cười đùa, thật ra là để quên giấu đi những tâm sự trong lòng. Tụi chị cố gắng cười để quên đi nước mắt" - giọng chị Linh nghèn nghẹn.
Đã 2 ngày trôi qua, trời cứ mưa miên man, buồn thúi đất, thúi cây. Ai cũng rầu. Hôm nay đã là bữa cuối ở bến Tân Lập (Long An) rồi, xong bữa này đoàn sẽ chuyển sang bến mới. Lòng ai cũng mong đêm nay trời quang, để còn được diễn, có đồng vô đồng ra.
Chị Thư ủ rũ: "Mấy đêm bình thường đã ế, gom hết cả đêm cũng chỉ vừa đủ trả tiền cho mấy anh chị em trong đoàn, còn chị với chồng coi như làm không công. Hổm rày còn mưa, nên ai cũng rầu. Ca sĩ trên thành phố đi hát 1 bài được cả triệu, chứ tụi chị hát từ 8h đêm đến khuya, làm khùng làm điên trên sân khấu, có bữa làm xiếc nguy hiểm cũng chỉ mong khán giả ở lại mua cho vài tấm vé lô tô. Cóp nhặt từng ngàn từng ngàn vậy mà càng làm càng khó. Có mỗi chiếc xe máy để đi giờ chị cũng đem cầm mất rồi".
Cực khổ là thế, mà chẳng phải lúc nào cũng yên ổn. Không ít lần bị người địa phương đến quấy phá, các chị cũng đành nhắm mắt nhịn nhục. “Một câu nhịn, chín câu lành. Mình gây thù với họ để rồi họ đem xăng tới đốt đoàn là trắng tay, như đoàn của chị Bích Phụng đó em. Đời, ai muốn hơn cứ cho họ hơn…” - chị Thư nói.
Ngó buồn vậy chớ. cả ngày các “chế” trong đoàn luôn tạo tiếng cười cho nhau bằng những câu đùa duyên dáng. Đời mà, cứ phải vui trước đã. Chị Nhi hồn nhiên gác giò lên ghế chỉ tay về phía trưởng đoàn Minh Thư: "Xin giới thiệu với mọi người đây là người phụ nữ có làn da cá sấu, không sợ lửa không sợ súng, chỉ sợ 113”.
À, may quá đến ngày thứ ba thì trời nắng. Gần 4h chiều, trời vẫn rất trong xanh, lòng ai nấy cũng phấn khởi. Người chuẩn bị sân khấu, người chạy xe đi cổ động thông báo cho bà con đêm nay đoàn có diễn. Mấy chị em phụ nhau nấu bữa cơm chiều cho cả đoàn để chuẩn bị cho đêm diễn.
Mâm cơm đơn sơ chỉ vài lát trứng chiên với một ít cá nát hôm qua còn lại, thế mà vẫn ngon lạ thường. 6h chiều, nhạc mở xập xình, đèn đuốc thắp sáng cả một vùng, không khí hội chợ bao trùm nông thôn miền biên giới tịch mịch.
Con nít bắt đầu kéo tới chơi đu quay, chơi tàu lửa điện,ném phi tiêu... đứa nào cũng hớn hở. Dưới sân khấu, các cô đào bắt đầu trang điểm, chuẩn bị sẵn sàng cho đêm diễn cuối ở đất Tân Lập.
Rồi bỗng, "Mưa rồi, chạy ra lấy bạt trùm dàn loa lại, xếp bàn ghế lại, lẹ đi mấy đứa…” - tiếng ai đó la lên.
Mọi người hối hả thu dọn đồ vào, đêm cuối kết thúc khi chưa kịp bắt đầu, mặt ai cũng buồn xo. Chị Linh thở dài: "Đó, mới trét phấn lên, bởi vậy mà mau hết phấn chớ gì...". Chúng tôi cũng buồn, chẳng nói nổi lời động viên nào ra hồn. Chị cười: "Hội chợ là vậy, riết cũng quen, mùa nắng lo mà làm để mùa mưa có cái mà ăn”.
Cởi bỏ bộ xiêm y rực rỡ, bôi đi lớp phấn rẻ tiền, các chị trở lại với con người thật của mình, trần trụi, gió sương. Phấn son và thời gian đã và đang huỷ hoại đi nhan sắc của các chị. Họ chẳng đẹp kiều diễm như những nhân vật mà điện ảnh khắc hoạ. Họ ở ngoài đời thường vẫn đẹp nhưng gai góc và phong sương.
Mưa ngớt, bên ngoài tiếng sắt thép chạm vào nhau loảng choảng, người trong đoàn bắt đầu tháo dỡ sân khấu. Tôi chạy ra hỏi: "Ủa dọn luôn trong đêm hả chị?". "Ở lại cũng không được gì, thôi dọn qua bến mới, mong khá hơn" - giữa đêm vắng, tiếng chị Thư nhỏ xíu mà buồn thiu.
Tôi lặng người thật lâu, nhìn đoàn người hối hả thu dọn trong đêm khuya. À, là đêm cuối ở Tân Lập.