Những ngày Hà Nội trở rét, các hàng chè đá lạnh mùa hè bắt đầu chuyển sang kinh doanh một thức quà khác, đó là chè nóng. Những bát chè bốc khói nghi ngút, giữa trời lạnh chỉ cần ăn một miếng là đã thấy sức nóng bắt đầu lan tỏa.
Ăn chè nóng, người ta không cần đến sự cầu kỳ. Chè đậu đen chỉ có đậu đen mà đậu xanh cũng chỉ riêng một nguyên liệu. Nhưng chính cái đơn giản ấy lại là nét làm say lòng thực khách.
Bát chè nóng, dễ ăn chính là điểm cộng lấn át nhiều thức quà khác của mùa đông.
Những hàng chè nóng "chuẩn vị" truyền thống ở Hà Nội không nhiều. Trong số đó, có một hàng chè bà Thơm nổi tiếng trên phố Quán Thánh (Ba Đình - Hà Nội), 40 năm nay chưa ngày nào là không đông khách.
Bát chè ở hiệu này có vị ngọt vừa phải, các loại đỗ được ninh nhừ vừa miệng, có độ sánh mượt mịn màng và màu sắc trông bắt mắt. Gian hàng nhỏ chỉ hơn chục mét vuông, mở cửa từ lúc 3h chiều. Buổi sáng, bà Thơm, chủ hiệu một mình tất bật với việc bếp núc.
Bà Thơm năm nay đã 75 tuổi nhưng "tay" nấu chè vẫn chẳng khác gì lúc còn trẻ.
"Có 6 nồi cần nấu. Một nồi nước đường nấu chè đậu xanh, nước đường nấu chè đậu đen, nước đường gừng nấu bánh trôi nóng, 3 nồi nguyên liệu đỗ và bánh kèm theo. 40 năm nay, mùa đông nào cũng thế, tôi tự mình làm và chưa bao giờ để cho nhân viên bưng bê phải đụng vào căn bếp".
Không gian bên trong quán khá nhỏ hẹp, chật chội.
Bát chè nhìn đơn giản nhưng khâu chế biến lại rất kỳ công. Từ 5h sáng, nhân viên đã đến để đãi sạch vỏ đỗ. Loại chè đen nóng nhất định phải nấu với đường phên mới thơm ngon trong khi đó, đỗ xanh phải là đường kính trắng. Các bát chè đều có chút nước cốt dừa do bà chủ tự tay xay cùi, chắt nước vào nấu.
Có lẽ cũng vì sự kỳ công ấy mà quán chè bà Thơm luôn đắt khách. Mùa đông, thời điểm tan tầm, khách có lúc phải xếp hàng đợi. Vì quán chật chội nên đa số khách đều mua mang đi. Bát chè ở đây có giá khá rẻ và đồng giá với tất cả các loại đỗ xanh, đỗ đen, hạt sen, bánh trôi nóng là 15.000 đồng/bát.
Bà Thơm cho biết, chỉ mình bà mới có thể biết các loại đậu phải nấu trong bao lâu là vừa chín, gia giảm đường, mật sao cho phù hợp. Nhân viên ở đây hầu hết chỉ phục vụ bưng bê, múc chè cho khách.
Thực khách ghé đến đây rất đa dạng về độ tuổi. Trời lạnh và khi tan sở, khách hàng nếu không mua về thường ngồi nhâm nhi lâu hơn, ăn thật chậm để cảm nhận hơi nóng từ từ lan tỏa khắp cơ thể.
Mùa đông, quán có hai "đặc sản" là chè đỗ đen nóng và bánh trôi Nam bộ.
Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng bà Thơm vẫn rất minh mẫn, nhất là chuyện bán chè thì bà nhớ vanh vách. "Ngày xưa bát chè nóng chỉ 2 hào, mãi đến năm 2000 mới lên giá 1.000 đồng nhưng rồi cũng tăng nhanh chóng và đến giờ, mức giá này là tôi cũng đã cố gắng lấy công làm lãi lắm rồi".
Chè bà Thơm không bán nhiều. Dựa vào sức nấu thủ công của một mình bà, mỗi ngày chỉ giới hạn số lượng khách. Tuy nhiên, bà Thơm tâm sự, cũng có lúc, một số công ty thường đặt hàng bà nấu từ 100 đến hơn 200 bát. Những khi như thế, bà thường phải dậy sớm hơn, huy động tất cả nhân viên đến làm phụ.
Các nồi đựng chè được đặt trên bếp ga và có vung đậy chặt để giữ nhiệt.
Nước cốt dừa do bà chủ tự nấu rất trong và thơm, sạch sẽ.
"Đó là khoản nấu thêm khi có đơn riêng, còn lại, công việc bán chè vẫn diễn ra bình thường. Ngày nào tôi cũng làm ra chặn chặn ngần ấy xoong chè đầy ắp".
Bây giờ bà Thơm đã nhiều tuổi, con cái lại không có ý định kế nghiệp của mẹ. Nói về tương lai, bà Thơm tâm sự: "40 năm nấu chè, tôi nuôi dạy con cái nên người. Nghề này không giàu nhưng cũng gọi là đủ sống. Bây giờ con không theo nữa tôi chẳng ép nhưng vẫn cố bán được ngày nào hay ngày ấy. Giá sử bây giờ chỉ ngồi một chỗ thì buồn lắm vì cái nghề nó như thấm vào cả máu thịt của mình rồi".